Malaixia là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á (vốn là thuộc địa của Anh, giành độc lập năm 1957). Với xuất phát điểm là nước nông nghiệp lạc hậu, đa sắc tộc, tích luỹ nội địa thấp, nền kinh tế Malaixia chủ yếu dựa vào hai sản phẩm chính là cao su và thiếc (xuất khẩu hai sản phẩm này chiếm 86,3% năm 1950; 85,1% năm 1955 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước). Thời kỳ này, nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài không lớn, bởi nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào cây cao su và thiếc. Điều đó cũng nằm trong chính sách kìm hãm sự phát triển của thực dân Anh với mục tiêu khai thác nguyên liệu thô để xuất khẩu.
Sau khi giành độc lập vào năm 1957, dưới sự giúp đỡ của WB, Chính phủ Malaixia được sự giúp đỡ của WB đã xây dựng chiến lược công nghiệp hoá (CNH) nền kinh tế, nhưng thực tế đã đặt ra những thách thức to lớn. Trong đó, nổi bật là nhu cầu về vốn, công nghệ tiên tiến, kiến thức quản lý và quy mô thị trường. Vì thế, Chính phủ Malaixia đã tích cực, chủ động đặt mục tiêu thu hút FDI và đặc biệt coi sự thâm nhập của TNCs vào nền kinh tế là một công cụ quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công của quá trình thực hiện CNH,HĐH đất nước.
Quá trình thực hiện CNH của Malaixia đã trải qua 5 giai đoạn: CNH thay thế nhập khẩu (1957-1970); CNH hướng vào xuất khẩu (suốt thập kỷ 70); Chiến
lược thay thế nhập khẩu lần II (1980-1985); đẩy mạnh hướng vào xuất khẩu (1986-1995); đến nay là chiến lược CNH phát triển bền vững.
- Giai đoạn CNH thay thế nhập khẩu (1957-1970), Chính phủ đã dùng các biện pháp bảo hộ mậu dịch và ưu đãi thuế quan, phát triển cơ sở hạ tầng để khuyến khích các chủ đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu (Luật khuyến khích đầu tư năm 1968). Nhưng điều đó cũng chỉ làm GDP tăng 6% vào những năm 60; tỷ trọng đầu tư của cả trong và ngoài nước mới chỉ đóng góp vào khoảng 12% GDP (chủ yếu FDI từ Anh quốc kinh doanh trong lĩnh vực khai thác thiếc và cao su và chiếm tới 90% FDI của Malaixia; còn lại là các nhà đầu tư của Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, nhưng cũng trong lĩnh vực khai thác tài nguyên). Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ quan tâm tới lĩnh vực khai thác tài nguyên dưới hình thức liên doanh để xuất khẩu những nguồn nguyên liệu này sang nước họ, còn mục tiêu thay thế nhập khẩu không được các nhà đầu tư quan tâm vì giới hạn của sức mua và thị trường trong nước kém, lại phụ thuộc lớn vào nhập khẩu máy móc nước ngoài. Do vậy, giai đoạn này gần như không có các doanh nghiệp lớn (TNCs) hoạt động trong nền kinh tế với tư cách là chủ đầu tư, nên chính sách này phải chuyển hướng sang giai đoạn: CNH hướng vào xuất khẩu.
- CNH hướng vào xuất khẩu (suốt những năm 1970): Trong giai đoạn này, đẩy mạnh xuất khẩu là mục tiêu ưu tiên, nhằm khắc phục khó khăn về vốn và sự ứ đọng hàng hoá trong nước do chiến lược thay thế nhập khẩu để lại. Năm 1971, Malaixia ban hành luật khuyến khích đầu tư và luật khu thương mại tự do; nhưng cũng chỉ thu hút lượng nhỏ TNCs từ khu vực Châu Á xuất hiện, hoạt động trong ngành công nghiệp điện và điện tử (Nhật Bản với 11 TNCs, các NICs có 8 TNCs). Cuối những năm 1970, cơ hội thâm nhập của TNCs vào Malaixia xuất hiện, thì nền kinh tế lại lâm vào thâm hụt cán cân thanh toán (620 tỷ RM) do gặp phải cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu những năm 1980. Một lần nữa, Chính phủ lại thay đổi chính sách chuyển sang giai đoạn thay thế nhập khẩu lần II để làm giảm thâm hụt cán cân thanh toán.
- Giai đoạn thay thế nhập khẩu lần II (1981-1985): Tham khảo sự thành công của Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp nặng, Malaixia hy vọng sẽ tăng trưởng kinh tế nhờ vào mở rộng các liên kết trong nền kinh tế, dựa vào phát triển các ngành công nghiệp nặng. Bằng nhiều nỗ lực trong cải cách môi trường đầu tư, giai đoạn này đã xuất hiện các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực điện tử và chế tạo, trong đó các nhà đầu tư từ Nhật Bản chiểm 26,4% tổng vốn FDI và các nước EU là 21,8%, Úc là 12%, các nước ASEAN là 17,6%. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất trong nước cao hơn mức quốc tế, các nhà máy hoạt động dưới công suất thiết kế, quy mô thị trường vẫn hạn chế nên mục tiêu đề ra vẫn không hiệu quả. Một lần nữa nền kinh tế Malaixia lâm vào suy thoái. Các nhà đầu tư vẫn kém mặn mà với thị trường của Malaixia, một phần vì các công ty lớn vẫn có xu hướng và thói quen đầu tư ở những nước phát triển – nơi khởi nguồn của TNCs. Nhu cầu mở rộng thị trường của TNCs vào Malaixia vẫn là ở bước thăm dò, với 78 công ty lớn nhỏ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vưc điện tử của Nhật Bản. Chỉ đến giai đoạn thực hiện chiến lược hướng vào xuất khẩu lần II (1986 - 1995) thì sự xuất hiện của TNCs ngày càng lớn.
- Chiến lược hướng vào xuất khẩu lần II (1986-1995): chiến lược này được thực hiện nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, với mục tiêu nhấn mạnh vào hướng ngoại. Trong giai đoạn này, Malaixia thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, loại bỏ các cản trở đầu tư, miễn giảm thuế, cấp tín dụng ưu đãi, tăng cường hỗ trợ quảng cáo xuất khẩu, đấu thầu mua thiết bị máy móc, mở văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài… Nhờ vậy môi trường đầu tư của Malaixia thay đổi lớn vào cuối những năm 1980, cơ cấu đầu tư đã có sự thay đổi mạnh, theo hướng tăng mạnh từ các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (82,2% FDI của Thái Lan, 71,6% của Hàn Quốc, 65% của Singapore). Hiện tượng này phản ánh sự phát triển mạnh của phân công lao động trong vùng được thực hiện bởi TNCs, trong đó chủ yếu là TNCs của Nhật (35 TNCs) và Mỹ (46 dự án, với 9 TNCs). Sang đầu những năm 1990, Nhật Bản tiếp tục tăng và giữ vị trí số một trong
thu hút FDI của Malaixia (giai đoạn 1990-1995 đạt trung bình 30% - 204 dự án) chủ yếu trong công nghiệp điện tử, trong khi Singapor (100 dự án) lại chiếm tỷ lệ cao trong ngành thực phẩm, đồ uống; Đài Loan và Hồng Kông chiếm tỷ lệ cao trong lĩnh vực đồ gỗ, xây dựng. Các nhà đầu tư ngày càng đổ vào Malaxia một phần vì chính sách thu hút FDI tương đối cởi mở của Chính phủ Malaixia, một phần vì xu hướng đầu tư ra nước ngoài của TNCs trên thế giới, trong khi đó thị trường các nước trong khu vực (Việt Nam, Trung Quốc…) có nhu cầu lớn, đây cũng là bước đệm nhằm mục tiêu xuất khẩu của TNCs thông qua Malaixia để sang nước thứ ba. Đặc điểm này phản ánh mục tiêu của nhà đầu tư, đồng thời cũng thể hiện lợi thế và chính sách của Malaixia trong khuyến khích và tiếp nhận đầu tư.Tuy nhiên đến cuối giai đoạn này, xuất khẩu của Malaixia đã có xu hướng chững lại do thị trường thế giới giảm sút, sức cạnh tranh của một số thị trường ngày càng cao (tiêu biểu là Trung Quốc). Nền kinh tế bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, tình trạng khan hiếm lao động có chuyên môn kỹ thuật, sự liên kết giữa các ngành thấp, trình độ công nghệ chưa đồng bộ giữa các ngành kinh tế…Bởi vậy, Chính phủ Malaixia lại tiếp tục điều chỉnh chiến lược CNH theo hướng phát triển bền vững trên cơ sở tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển, nâng cao nội lực của nền kinh tế.
- Giai đoạn CNH bền vững (từ 1996 đến nay): thực chất của chiến lược này là hiện đại hoá khu vực chế tạo phải gắn liền với các ngành kinh tế khác. Chiến lược này được thực hiện qua kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (MP7) và được cụ thể hoá bằng chương trình phát triển công nghiệp 1996 – 2005. Để thực hiện chương trình này cần phải có 250 tỷ RM, với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giỏi. Các yếu tố này chỉ có thể đáp ứng được từ bên ngoài. Vì thế nhu cầu thu hút FDI là rất lớn và cao nhất trong các giai đoạn phát triển. Bằng nhiều chính sách đảm bảo và khuyến khích vốn đầu tư được tăng cường (bảo vệ quyền sở hữu, cho lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài thuận lợi, chính sách kinh tế vĩ mô mềm dẻo và ổn định…), tình hình kinh tế - xã hội được giữ vững. Kết thúc chương trình thực hiện kế hoạch, Malaixia thu được nhiều thành tựu đáng kể,
trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực với mức tăng trưởng trên 5,3%/ năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 161 tỷ USD, nhập khẩu đạt 131 tỷ USD năm 2006. Với gần 100 quốc gia tham gia đầu tư vào nền kinh tế Malaixia, trong đó phần lớn FDI tập trung vào những nước công nghiệp phát triển, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Singapore chiếm 86,93 % tổng FDI của Malaixia với 930 TNCs (trong đó có 133 TNCs nằm trong 500 TNCs lớn nhất thế giới) đang hoạt động, cắm nhánh tại Malaixia. Hình thức hoạt động chủ yếu của các công ty nước ngoài chủ yếu là 100% vốn đầu tư nước ngoài (86,4%).
Thành quả mà Malaixia đạt được trong quá trình CNH có sự đóng góp quan trọng của FDI, đặc biệt là của TNCs có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ mạnh (Mushubishi, Toshiba, Panasonic…) đã làm cho cơ cấu kinh tế của Malaixia phát triển nhanh. Từ chỗ chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp, khai thác mỏ sang phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế tạo. Sự thay đổi đó làm nền kinh tế Malaixia phát triển theo hướng phụ thuộc vào ngành chế tạo, sản xuất công nghiệp điện và điện tử của TNCs lớn của các nước phát triển. Trong khi, các ngành khác có lợi thế truyền thống và dịch vụ lại phát triển chậm. Do đó, khi thị trường thế giới bị trì trệ hoặc có một đối tác chủ lực bị suy thoái thì nhanh chóng có tác động xấu đến sự phát triển của nền kinh tế Malaixia. Ngoài vấn đề nền kinh tế bị phụ thuộc vào bên ngoài thì tình trạng ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng còn chưa phù hợp, thiếu nguyên liệu… trong đó vấn đề thách thức lớn đối với Malaixia trong thu hút các nhà đầu tư lớn (TNCs) là thiếu lao động có trình độ kỹ thuật (tỷ lệ lao động học nghề kỹ thuật/ tổng dân số là 0,17%). Trong khi, ngày càng nhiều nước đang phát triển (Trung Quốc, Việt Nam, các nước ASEAN mới…) mở cửa thị trường thu hút FDI nên nhiều lợi thế cạnh tranh (lao động rẻ, tài nguyên…) thu hút FDI của Malaixia bị mất dần.
Như vậy, trải qua quá trình phát triển lâu dài với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sự ổn định về kinh tế - xã hội, Malaixia có những chuyển hướng lớn trong quá trình thu hút đầu tư, từ ngành sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên và lao động sang những ngành có trình độ khoa học, kỹ thuật cao đòi hỏi có môi
trường đầu tư thuận lợi, thị trường rộng lớn (cả thị trường nước sở tại, lẫn thị trường khu vực). Điều đó phản ánh tầm nhìn và đối sách của Malaixia phù hợp với xu hướng đầu tư nước ngoài và đặc điểm hoạt động của TNCs. Tuy nhiên, Mailaixia phải đối mặt với nhiều vấn đề quan trọng khác như tính tự chủ của nền kinh tế, tình trạng hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự bất cập về cung ứng lao động…đang đòi hỏi Malaixia có điều tiết tích cực nhằm khắc phục những hạn chế đó trong quá trình phát triển kinh tế.