Hình thức thâm nhập thị trƣờng của các Công ty xuyên quốc gia

Một phần của tài liệu Sự thâm nhập của các Công ty xuyên quốc gia vào Việt Nam (Trang 67)

tại Việt Nam

Hình thức liên doanh chiếm ưu thế lớn trong những năm đầu

Để cắm nhánh sâu vào thị trường nước đối tác nhằm triển khai bành trướng hoạt động theo cấu trúc mạng lưới, hình thức thâm nhập của TNCs thường diễn ra chủ yếu dưới hình thức: xuất khẩu, liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Ở Việt Nam, những năm đầu mở cửa và hợp tác với nước ngoài (tính từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 12/1987), việc thu hút đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh có nhiều nổi trội so với hình thức đầu tư khác. Phía Việt Nam có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất; hoạt động theo nguyên tắc nhất trí Hội đồng quản trị, nên các thành viên phía Việt Nam và đối tác có quyền ngang nhau. Qua đó, nhà kinh doanh Việt Nam có cơ hội để học hỏi trực tiếp các nhà đầu tư nước ngoài; được tham gia vào hoạch định chính sách, tổ chức, kiểm soát hoạt động kinh doanh, rủi ro được phân chia về hai bên… nên hình thức này trở thành hình thức thu hút TNCs chủ yếu. Do vậy, trong 10 năm (1988-1998) hình thức liên doanh đã chiếm 61% số dự án và 70% tổng số vốn cam kết đầu tư. Trong các liên doanh, tỷ lệ góp vốn pháp định do phía Việt Nam đóng góp thường không quá 30%, chủ yếu là quyền sử dụng đất và nhà xưởng sẵn có. Phía nước ngoài đóng góp bằng tiền mặt, trang thiết bị nhập khẩu, công nghệ, cách thức quản lý… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hình thức liên doanh cho thấy: ở thời kỳ xây dựng

cơ bản, gần như các liên doanh phụ thuộc toàn bộ vào tiến độ góp vốn của TNCs. Tương tự, trong hoạt động kinh doanh, công việc điều hành cũng bị phía nước ngoài quyết định. Do tỷ lệ góp vốn của chúng ta thấp, năng lực quản lý của cán bộ Việt Nam tham gia liên doanh còn yếu cả về chuyên môn, ngoại ngữ, đôi khi cả phẩm chất chính trị nên đã không phát huy được vai trò của người đại diện cho phía Việt Nam, thậm chí chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, nên thụ động theo sự điều hành của phía nước ngoài. Điều này đi ngược với tiêu chí ban đầu của hình thức liên doanh là đưa cán bộ Việt Nam tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp để tiếp thu kinh nghiệm quản lý nước ngoài và đảm bảo lợi ích phía Việt Nam. TNCs chủ yếu là các công ty tư nhân, công ty cổ phần quy mô lớn nhưng hoạt động liên doanh chủ yếu với các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam (98% trong số các doanh nghiệp tham gia liên doanh), nên bất cập về quan điểm, phương thức và mục tiêu kinh doanh đã dẫn đến nhiều xung đột trong tổ chức và điều hành.

Sự bất cập khác cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của liên doanh là tỷ lệ góp vốn pháp định với vốn mà TNCs đại diện vay cho cả hai phía (chủ yếu vay từ công ty mẹ và khoảng 10% từ các tổ chức tài chính quốc tế), phần vốn này sẽ phân chia trách nhiệm theo tỷ lệ. Dĩ nhiên, lợi ích cũng được phân chia theo tỷ lệ này nhưng mọi vấn đề trở nên bất lợi cho phía Việt Nam khi liên doanh làm ăn thua lỗ: liên doanh sẽ rút vốn trả nợ, còn Việt Nam sẽ chịu gánh nặng nợ nần (theo cách tính toán của đối tác thì giá thành của việc xây dựng liên doanh là rất đắt so với với giá trị quyền sử dụng đất mà phía Việt Nam góp vốn. Vì trong khi thực hiện dự án, Việt Nam ít có vai trò trong tính giá thành nên dễ gây “độn giá”).

Do nhận thấy tính kém hấp dẫn của hình thức liên doanh, gần đây, các doanh nghiệp liên doanh hoặc các nhà đầu tư mới của TNCs chuyển sang hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài. Xu hướng này đang diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng.

Hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài đang trở nên phổ biến, thay cho hình thức liên doanh

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, giai đoạn 1998-2005, hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 74% số dự án và 50,1% vốn đăng ký; liên doanh

chiếm 22,4% và 38,3% vốn đăng ký; số còn lại thuộc lĩnh vực hợp doanh, hợp đồng xây dựng – kinh doanh - chuyển giao (BOT). Tính đến hết năm 2006, hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 75,5% về số dự án và 53,1% về tổng vốn đăng ký; liên doanh chiếm 21,4% về số dự án và 36,0% về tổng vốn đăng ký; còn lại là công ty hợp doanh, công ty cổ phần.

Nguyên nhân của xu hướng này là các chi nhánh TNCs khi đầu tư vào Việt Nam muốn tự quản lý, quyết định chiến lược kinh doanh, chủ động hơn trong việc lựa chọn địa điểm thực hiện dự án, trong việc tổ chức kinh doanh và tiếp cận thị trường. Hơn nữa, khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi (năm 1996), chính sách đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài không còn cố bám vào các doanh nghiệp trong nước để tìm kiếm sự ưu đãi về chính sách.

Thật ra, xu hướng này còn được sự đồng thuận của doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam, cũng như sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách trong nước. Bởi phía Việt Nam nhận thấy một số đối tác nước ngoài trong liên doanh có xu hướng khai tăng chi phí đầu tư (giá thiết bị máy móc, nguyên vật liệu nhập khẩu…) để nâng giá “đầu vào”; khai thấp giá hàng xuất khẩu để hạ giá “đầu ra” mà phía Việt Nam không kiểm soát được. Nhiều doanh nghiệp ngay từ đầu đã hạch toán lỗ khiến cho phía Việt Nam chán nản. Thậm chí một số đối tác nước ngoài đã thực hiện chính sách quảng cáo, kích thích tiêu thụ với chi phí quá lớn và thực hiện giá bán thấp để cạnh tranh, đôi khi chấp nhận lỗ trong những năm đầu làm cho các đối tác Việt Nam trong liên doanh không đủ sức theo đuổi chiến lược dài hạn này. Thêm vào đó, những bất đồng, mâu thuẫn trong ban lãnh đạo diễn ra thường xuyên, phổ biến, khiến cho doanh nghiệp không yên ổn làm ăn, cuối cùng dẫn đến thua lỗ, giải thể. Một thực tế sinh động cho thấy các xí nghiệp khi còn liên doanh thì làm ăn thua lỗ, trì trệ nhưng khi chuyển sang hình thức 100% vốn nước ngoài thì hoạt động trở nên rất năng động, hiệu quả.

Như vậy, hình thức liên doanh thực sự không hiệu quả về mặt thực tiễn hoạt động ở Việt Nam. Chưa có căn cứ để khẳng định rõ ràng ý đồ của TNCs trong việc loại bỏ các đối tác Việt Nam trong liên doanh nhưng rõ ràng, việc

họ làm và bất đồng trong liên doanh đang cho thấy sức hấp dẫn của hình thức liên doanh ngày càng giảm sút. Điều này cũng đặt Việt Nam trước khó khăn khi muốn học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ rủi ro trên nhiều lĩnh vực khi thực hiện hình thức liên doanh. Tuy nhiên, đây cũng không phải trường hợp riêng có ở Việt Nam, mà ngay cả ở các nước đã có kinh nghiệm và thành công trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài như: Trung Quốc, Malaixia… cũng gặp tình trạng tương tự khi liên doanh với TNCs.

Từ thực tiễn các hình thức thâm nhập nói trên cho thấy, TNCs chọn hình thức nào để xâm nhập thị trường nước ngoài là tuỳ thuộc năng lực của công ty, điều kiện thực tế về môi trường và chính sách thu hút đầu tư của nước đối tác. Do đó, việc nhiều TNCs chuyển sang hình thức 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam không chỉ phù hợp với chiến lược thâm nhập của TNCs, mà được khuyến khích ở Việt Nam. Bởi lẽ, Thứ nhất, với phương châm địa phương hoá nhân viên quản lý để tối thiểu hoá chi phí, tối đa hoá lợi nhuận, hình thức 100% vốn nước ngoài của TNCs vẫn đem lại cho ta cơ hội học tập kinh nghiệm quản lý, tiếp cận thị trường và giải quyết vấn đề lao động như hình thức liên doanh. Thứ hai, về phía Việt Nam, bất kỳ dự án đầu tư, hình thức đầu tư nào mà có tỷ lệ xuất khẩu cao, sử dụng nhiều lao động nhưng không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội thì đều được khuyến khích. Theo một số ý kiến, chính sự gặp gỡ của hai lối tiếp cận này đã thúc đẩy sự chuyển hướng mạnh mẽ sang hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài hiện nay của TNCs tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Sự thâm nhập của các Công ty xuyên quốc gia vào Việt Nam (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)