Mặc dù lợi thế cạnh tranh mạnh ngày hôm nay có thể là kỹ năng, công nghệ hoặc chiến lược marketing đã tạo dựng hình ảnh cho một công ty, nhưng quy luật cạnh tranh sẽ làm lợi thế cạnh tranh của ngày hôm nay bị xói mòn, đẩy công ty phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng cả trong và ngoài nước. Do đó, việc thiết kế chiến lược thâm nhập thị trường tối ưu là quan trọng. Có 5 yêu tố phải quan tâm khi thiết kế chiến lược thâm nhập thị trường.
a. Nhận thức được các dự án đầu tư có khả năng sinh lời: Nó đòi hỏi phải thấu hiểu về những dự án đầu tư có khả năng sinh lợi nhất; phải xem xét thận trọng những thách thức tương tác lẫn nhau giữa các dự án đầu tư. Ví dụ, khi hiệu quả kinh tế theo quy mô tồn tại, việc đầu tư vào quy trình sản xuất quy mô lớn chỉ có thể đánh giá là hợp lý khi công ty đã tạo lập được những dự án đầu tư hỗ trợ về phân phối, về nhãn hiệu… Đối với các đầu tư về một hệ thống phân phối hay độc quyền nhãn hiệu toàn cầu thường chỉ có hiệu quả khi công ty đưa một loạt sản phẩm có thể khai thác cùng một hệ thống phân phối và cùng nhãn hiệu. Hoặc khả năng sinh lời của dự án đầu tư vào công tác R&D chủ yếu được quyết định bởi quy mô thị trường mà trong đó công ty có thể khai thác sự đổi mới và độ bền vững về lợi thế cạnh tranh của mình.
b, Lựa chọn mô hình thâm nhập: Hướng tiếp cận toàn cầu đối với việc xây dựng kế hoạch đầu tư đòi hỏi phải đánh giá có tính hệ thống về từng chiến lược
thâm nhập ở thị trường nước ngoài, cần có sự so sánh khác nhau và sự lựa chọn mô hình thâm nhập tối ưu. Ví dụ, mô hình thâm nhập gần đây là thu nhận (mua lại – dạng M&A) doanh nghiệp nhà nước. Ở một số quốc gia, Chính phủ đã tiến hành tư nhân hoá công ty nhà nước, chương trình tư nhân hoá này đã tạo ra cơ hội mới cho việc thâm nhập thị trường về những lĩnh vực mà trước đây đóng cửa với các công ty xuyên quốc gia (năm 1992 các doanh nghiệp nhà nước được bán với trị giá gần 69 triệu USD của 50 nước trên thế giới, năm 1997 là 71 triệu USD, 2005 là 39 triệu USD). Bên cạnh đó, một số quốc gia chính sách tư nhân hoá chưa rõ ràng nhưng Chính phủ có động thái mở rộng hình thức đầu tư của DN nước ngoài nhằm cải cách hệ thống DN trong nước, ở đó hình thức M&A là lời giải cho quá trình chuyển đổi DN.
c, Việc kiểm soát, đánh giá hiệu quả của mô hình thâm nhập: Một yếu tố chính là việc kiểm toán liên tục để dự đoán hiệu quả của các mô hình thâm nhập hiện tại, vì doanh số tiềm năng hay kiến thức về thị trường nước ngoài ít nhất phần nào đó cũng là lời giải cho chiến lược thâm nhập.
d, Sử dụng các tiêu chuẩn đánh giá hợp lý: phân tích dự án đầu tư đòi hỏi phải sử dụng hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá thích hợp. Tuy nhiên, sự tương tác lẫn nhau rất phức tạp giữa những dự án đầu tư hoặc chính sách phối hợp gây nên khó khăn trong đánh giá tính hiệu quả của mô hình. Do vậy, hầu hết các công ty vẫn sử dụng những nguyên tắc đơn giản mang tính truyền thống trong việc lựa chọn các dự án để thực hiện. Những kỹ thuật phân tích chỉ được sử dụng như một công cụ tìm kiếm sơ bộ hoặc như một biện pháp kiểm tra cuối cùng trước khi phê chuẩn dự án (Việc chạy mô hình hồi quy tuyến tính của các dự án cũng chỉ là bước khởi đầu hay kết thúc dự án để kiểm tra độ sát thực của mô hình so với việc khảo sát thực tế). Vì vậy, việc sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đánh giá sự hợp lý của dự án đầu tư là một khâu quan trọng trong chiến lược thâm nhập thị trường của TNCs.
e, Dự tính tuổi thọ của một lợi thế cạnh tranh: Đây là một quy trình phải có khi xây dựng phương án thâm nhập trị trường. Vì nếu lợi thế này dễ dàng bắt chước, làm đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước không tốn nhiều
thời gian để áp dụng quy trình hoạt động của chúng thì kết quả sẽ làm xói mòn lợi nhuận ở nơi và lúc mà TNCs không thể điều chỉnh được hoạt động của chúng trên thị trường. Do vậy, để đảm bảo cho tuổi thọ của lợi thế cạnh tranh thì DN cần giám sát và duy trì liên tục để đảm bảo sự hiện hữu của một hàng rào chống lại sự xâm nhập thị trường của đối thủ cạnh tranh. Nếu những hàng rào chống xâm nhập này đổ vỡ thì công ty phải có khả năng phản ứng nhanh chóng hoặc tái xây dựng những rào chắn mới. Tuy nhiên, không có rào chắn xâm nhập nào được duy trì một cách tuyệt đối, nên để duy trì hoạt động xuyên quốc gia, các công ty phải liên tục đầu tư vào việc phát triển những lợi thế cạnh tranh mới mà nó có thể chuyển giao ra nước ngoài và không dễ dàng bị các đối thủ cạnh tranh phỏng theo.