Môi trường chính trị - xã hội ổn định
Ổn định chính trị - xã hội là yêu cầu đầu tiên quyết định sức hút đối với TNCs. Sự ổn định về chính trị là cơ sở tránh bất trắc, rủi ro trong kinh doanh, tạo độ tin cậy, đảm bảo lợi nhuận chắc chắn cho doanh nghiệp. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, khi tình hình chính trị bất ổn, các nhà đầu tư sẽ do dự đầu tư và có xu hướng rút vốn chuyển đi nơi khác. Chẳng hạn, đảo chính quân sự ở Thái Lan (2006) làm cho nhiều dự án đầu tư không được thực hiện và hiện nay chưa xuất hiện xu hướng đầu tư trở lại... Tình hình tăng trưởng quá “nóng” ở Trung Quốc đã dẫn tới trong ngắn hạn, Chính phủ đang sử dụng các biện pháp kiềm chế đầu tư. Theo các nhà phân tích nhận định, TNCs sẽ có xu hướng chuyển một số ngành đầu tư sang các nước lân cận, và Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến an toàn của các nhà đầu tư, bởi Việt Nam được đánh giá là có tình hình chính trị tương đối ổn định.
Đường lối đối ngoại rộng mở, tích cực
Cùng với sự ổn định về chính trị - xã hội, Việt Nam có đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá; là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế. Ngày 22/10/1990, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với EU; ngày 28/7/1995 là thành viên chính thức của ASEAN; 3/1996 tham gia ASEM với tư cách là thành viên sáng lập; tháng 11/1998 là thành viên của APEC; năm 2000 ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA); 7/11/2006 chính thức là thành viên thứ 150 của WTO. Trong quá trình áp dụng Luật đầu tư nước ngoài (1987), cho đến nay, Việt Nam đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung để cải thiện môi trường đầu tư (bổ sung năm 1990, 1992, sửa đổi năm 1996, 2000 và gần đây nhất
là 1/7/2006), tạo điều kiện thuận cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Hơn nữa, Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 9 khoá IX đã nhấn mạnh chủ trương thu hút mạnh hơn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, mà trước hết là của TNCs: “Thu hút hơn nữa đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đặc biệt của các công ty xuyên quốc gia, coi đó là biện pháp rất quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và thâm nhập thị trường quốc tế” [17, tr106]. Những quan điểm cơ bản đó của Việt Nam cho thấy đường lối đối ngoại của chúng ta thực sự rộng mở, sẵn sàng đón nhận sự đầu tư của TNCs.
Những lợi thế so sánh
Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng đất đai, khoáng sản, khí hậu, lao động, thị trường … của một nước đang phát triển luôn nằm trong tầm ngắm các nhà đầu tư, đặc biệt yêu cầu của TNCs nhằm khai thác và mở rộng thị trường.
- Nằm ở vị trí địa kinh tế và chính trị quan trọng, nơi giao lộ hàng hải, hàng không của khu vực và quốc tế; với con đường xuyên Á, cùng tuyến đường từ Đông sang Tây nối liền giữa biển Đông với Lào, Campuchia, Thái Lan và Vân Nam (Trung Quốc); bờ biển dài 3.260 km giáp với biển Đông - một trong 6 biển lớn nhất của thế giới, nối hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nên tiềm năng về cảnh quan du lịch, vận tải biển là rất lớn. Việt Nam đã đặt trọng tâm ưu tiên phát triển để “Phấn đấu đưa kinh tế biển đóng góp khoảng 53% - 55% GDP và 55% - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước” [18, tr22]. Do vậy, Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển, để hợp thành điều kiện thuận lợi tạo sức hút đối với TNCs.
- Là nước nông nghiệp, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào thích hợp cho công nghiệp chế biến, phù hợp với động cơ tìm kiếm và khai thác nguyên liệu thô của TNCs.
- Là nước có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, Việt Nam có 5.000 mỏ và điểm quặng với 60 loại khoáng sản có giá trị công nghiệp như: dầu khí (khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4 – 5 tỷ tấn, trữ lượng khí đồng hành 250 – 300 tỷ m3
), than, Apatit, sắt, đồng, nhôm, chì kẽm, thiếc, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng, gốm sứ, thuỷ
tinh… chiếm 41% diện tích lãnh thổ nằm trên bản đồ địa chất khoáng sản. Đây là nguồn nguyên liệu quý của quốc gia có khả năng thu hút TNCs hoạt động trong lĩnh vực khai thác và các ngành phụ trợ liên quan.
- Với dân số trên 84 triệu dân (năm 2006), ngoài lợi thế nguồn lực lao động dồi dào (43.456.555 người từ đủ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân), với giá nhân công rẻ (Bảng 8), có khả năng thích ứng cao…Việt Nam là thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá tiềm năng nên đã tạo lợi thế so sánh mà các TNC đang hướng tới trong chiến lược mở rộng thị trường.
- Việt Nam là thành viên của WTO, TNCs đầu tư vào Việt Nam không chỉ nhận được những lợi thế về tài nguyên, lao động, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài rộng mở… mà còn được hoạt động trong môi trường kinh doanh phù hợp theo thông lệ quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để TNCs đạt được mục tiêu khai thác lợi thế so sánh, giành lợi nhuận độc quyền.
Như vậy, môi trường kinh tế - chính trị ổn định, đường lối đối ngoại rộng mở, lợi thế so sánh hấp dẫn … sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút sự thâm nhập thị trường của TNCs tại Việt Nam. Tuy nhiên, TNCs cũng đứng trước một số khó khăn nhất định khi thâm nhập vào Việt Nam.