a, Đa dạng hóa các loại hình kinh doanh
Dưới tác động mạnh mẽ của phân công lao động xã hội mở rộng trên quy mô quốc tế, làn sóng của cách mạng khoa học - công nghệ trong những thập niên cuối của thế kỷ XX đã thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh của các Công ty xuyên quốc gia (TNCs) phát triển. Trong những năm 90 của thế kỷ XIX và mấy chục năm đầu của thế kỷ XX, hệ thống Trust, Carten, Syndicat ở Mỹ và một số nước tư bản phát triển được hình thành. Đây là hình thức tổ chức cổ điển của độc quyền. Nhưng đến giai đoạn những năm 60 (thế kỷ XX) đã diễn ra làn sóng hình thành những Conglomerate liên kết theo chiều dọc. Ví dụ: Công ty điện tín, điện thoại của Mỹ (ITT) vốn là một Trust đầu đàn của lĩnh vực viễn thông quốc tế, ngày nay trở thành một Conglomerate khổng lồ thâm nhập vào rất nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, bảo hiểm, khai thác đáy biển, vũ trụ, dịch vụ, khách sạn, báo chí, công nghiệp sản xuất ô tô, bột giấy, thậm chí cả công nghiệp thực phẩm…
Ngày nay, hoạt động bành trướng của TNCs hiện đại phổ biến thông qua thị trường chứng khoán. Công ty mẹ lựa chọn các công ty đang hoạt động ở tất cả các ngành kinh tế có tỷ lệ lãi cao để thâu tóm dần bằng cách mua cổ phiếu của chúng. Do đó cơ cấu kinh doanh trong TNCs hiện đại thay đổi một
cách đa dạng. Ngay cả lĩnh vực hoạt động truyền thống của mình, bên cạnh việc mở rộng quy mô tư bản và sản xuất, chiếm lĩnh thị trường, TNCs còn mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao. Ví dụ, Hewlett – Packard bên cạnh việc sản xuất thì hiện nay, không chỉ thiết kế, quản lý các hệ thống thông tin mà còn tài trợ tạo dựng một tổng thể các dịch vụ sau đó cho thuê.
Hiện nay, tiến trình toàn cầu hoá kinh tế ngày càng mở rộng, môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng theo hướng tăng rủi ro, mạo hiểm cho đầu tư tư bản, tỷ suất lợi nhuận giảm sút, thì đa dạng hóa loại hình kinh doanh, hình thành các liên kết theo chiều dọc trở thành cơ sở tồn tại của TNCs hiện đại.
b, Xu hướng hợp nhất
Hiện nay, TNCs hướng tới xu hướng hợp nhất để mở rộng mạng lưới hoạt động của mình hơn là đầu tư xây dựng mới. Hợp nhất là xu hướng mà: hai hay nhiều công ty hợp thành một hệ thống thông qua các hoạt động sáp nhập và mua lại (Merger and Acquisition – M&A); trong đó mua lại là chủ yếu, sáp nhập chỉ chiếm không đến 3% tổng số giao dịch M&A.
- Sáp nhập (Merger): là hoạt động trong đó tài sản và hoạt động của hai công ty được kết hợp lại để thành lập nên một thực thể mới. Có hai loại sáp nhập là:
+ Sáp nhập bình đẳng: sau khi sáp nhập, các công ty tham gia đều tồn tại như nhau. Ví dụ, công ty Daimler – Benz AG của Đức và công ty Chrysler Corp của Anh sáp nhập thành công ty Daimler – Chrysler; hay sự sáp nhập của General Motor và Daewo thành GM-Daewo.
+ Sáp nhập bất bình đẳng: sau khi sáp nhập, một công ty bị xóa sổ, công ty kia tồn tại và trở thành công ty mới, chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vốn cũng như nợ nần. Ví dụ, công ty Wall Mart Store của Mỹ và công ty ASD Group PLC của Anh năm 1999 thành Wall Mart Store.
- Mua lại (Acquisition) là giao dịch trong đó quyền sở hữu, quyền kiểm soát tài sản và hoạt động của công ty bị mua chuyển sang công ty đi mua và công ty bị mua trở thành chi nhánh của công ty đi mua. Có 3 mức độ mua lại:
Một là: mua lại ở mức thiểu số, từ 10 % đến 49% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Hai là: mua lại ở mức đa số, từ 50% đến 99% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Ba là: mua lại toàn bộ, 100% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Trong trường hợp nhà đầu tư chỉ mua dưới 10% số cổ phiếu quyền biểu quyết thì không được coi là mua lại mà chỉ là hình thức đầu tư gián tiếp.
Trong những thập kỷ gần đây, sản xuất quốc tế được mở rộng chủ yếu thông qua hoạt động M&A. Tổng giá trị các giao dịch M&A của thế giới vào cuối những năm 1990 luôn chiếm trên 70% giá trị tổng FDI, năm 1998 là 74,7%, năm 1999 là 70,1%. Năm 2000, số giao dịch M&A của thế giới tăng đến mức 7.894 vụ với tổng giá trị là 1.144 tỷ USD, chiếm 96,4% trong 1.187 tỷ USD vốn FDI của thế giới. Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bất ổn về chính trị và kinh tế, đặc biệt là sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001 ở Mỹ, nhiều quốc gia thực hiện mở cửa thị trường, thay đổi chính sách đầu tư nên đến năm 2006, tổng giá trị giao dịch M&A đã lên tới mức kỷ lục 3.460 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu, trong khi FDI trên thế giới đạt 1.222,5 tỷ USD [35, tr89]. Theo đánh giá của các công ty tư vấn trên thế giới thì xu hướng M&A năm 2007 sẽ tiếp diễn với giá trị cao hơn. Trong số các giao dịch M&A này thì đa số diễn ra ở các nước phát triển với con số năm 2000 là 5743/7.894 giao dịch; năm 2002 là 3.213/4.493 giao dịch; năm 2003 là 3.124/4.562 giao dịch; năm 2005 là 3.230/5100 giao dịch; năm 2006 là 4120/6700 giao dịch, còn lại là ở những nước đang phát triển (chủ yếu các DN nước ngoài thực hiện M&A với DN nước sở tại).
Xét về giá trị giao dịch, từ giai đoạn 2000 đến nay, giá trị giao dịch trong các vụ M&A ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2000, giá trị giao dịch đạt 1.144 tỷ USD với 7.894 vụ; thì đến năm 2006 giá trị giao dịch lên đến 3.460 tỷ USD với 28.300 vụ; 6 tháng đầu năm 2007 [52], tổng giá trị của hoạt động M&A trên toàn cầu đạt 2.500 tỷ USD. Theo UNCTAD và các nhà đầu tư kỳ vọng rằng, số lượng và giá trị của hoạt động M&A sẽ tăng với xu hướng các giao dịch sẽ chuyển dịch đến các nền kinh tế đang chuyển đổi để phát triển. Nếu năm 2000 chỉ có 20-30% giao dịch
thì năm 2006 đã có hơn 50% tổng số giao dịch. Kết quả trên, một mặt do sự thay đổi chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là sự quan tâm thu hút các công ty lớn nước ngoài, tiêu biểu là TNCs; mặt khác do sự thay đổi dòng vốn đầu tư trên thế giới đang có xu hướng tăng vào những thị trường, khu vực kinh tế mới nổi, mà M&A là một trong những hình thức thực hiện FDI.
c. Xu hướng liên minh chiến lược
Dưới áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh quốc tế hiện nay, các công ty luôn tìm hướng đi để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình. Sự hợp tác giữa các tập đoàn, các công ty lớn trở thành một công cụ quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, cải thiện trình độ khoa học công nghệ và nghiên cứu sản phẩm mới. Đây có thể coi là một xu hướng phát triển của TNCs lớn trên thế giới hiện nay. Các chuyên gia nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới đánh giá: Hình thức liên kết này của TNCs sẽ trở thành lực lượng quan trọng quyết định trật tự kinh tế thế giới và kết cấu thị trường quốc tế vào thế kỷ XXI.
Liên minh chiến lược của TNCs là sự kết hợp dài hạn của ít nhất từ hai TNCs trở lên và hình thành các tập đoàn xuyên quốc gia mạnh, liên kết lỏng nhằm biến những nhân tố bên ngoài thành những nhân tố bên trong có thể khống chế được, nhằm đảm bảo cho TNCs đạt được mục tiêu kinh doanh tổng thể hoặc đạt đến một mục đích kinh tế chung nào đó. “Liên kết lỏng” được thực hiện thông qua những hiệp định ký kết trên nguyên tắc tự nguyện đôi bên cùng có lợi, cho phép các công ty tham gia liên minh vẫn giữ được tính độc lập trong quản lý và kinh doanh; đồng thời, được hưởng những lợi ích chung từ hoạt động liên kết. Các quy tắc áp dụng trong liên minh thường chỉ tác động đến những bộ phận nhất định trong hệ thống các công ty như: R&D, chế tạo và sản xuất cấu kiện rời tiêu chuẩn hóa của một sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh…
Hiện nay, phần lớn các liên minh chiến lược được thiết lập bởi các công ty thuộc nước phát triển, trong đó phần lớn là giữa các công ty có cùng quốc tịch. Lĩnh vực chủ yếu của các liên minh chiến lược này là các ngành có trình
độ công nghệ cao như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, hàng không vũ trụ, viễn thông…Các hình thức liên minh chiến lược phổ biến đó là thành lập liên doanh, trao đổi cổ phần, ký kết các thỏa thuận.
d. Độc quyền về công nghệ để chiếm lĩnh thị trường
Độc quyền công nghệ là yếu tố sống còn đối với TNCs trong xu thế cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra hết sức khắc nghiệt. Do vậy, hoạt động R&D luôn là hướng ưu tiên trong chính sách của TNCs trên thế giới. Trong lĩnh vực sản xuất, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và tri thức cao sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm, quyết định sự tồn tại và phát triển của chúng trên thị trường. Nhận thức rất rõ điều này nên các TNCs không ngừng đầu tư cho R&D để tạo ra sản phẩm mới. Theo khảo sát, năm 2003, 700 công ty lớn nhất thế giới đã đầu tư 311 tỷ USD vào hoạt động R&D (Theo United Kingdom’s Departmenty of Trade and Industry). Ngày nay, để đẩy mạnh hoạt động R&D, TNCs không chỉ bó hẹp hoạt động nghiên cứu trong nội bộ công ty mẹ như trước kia mà cho xây dựng trung tâm R&D ở khắp nơi, đặc biệt là những nước đang phát triển, những khu vực TNCs khai thác nguồn tri thức mới.
Như vậy, để phù hợp với xu thế toàn cầu hoá kinh tế, TNCs đã xây dựng cho mình chiến lược toàn cầu hoá bằng cách đa dạng hoá loại hình kinh doanh, thực hiện M&A, xây dựng liên minh chiến lược, thúc đẩy hoạt động R&D nhằm thâm nhập thị trường các quốc gia một cách tối ưu.