Hình 1: Tình hình thực hiện vốn đăng ký của TNCs với mức trung bình trong cả nƣớc, giai đoạn 2000 – 2006.
2.3.4.4. Cải cách theo hướng tự do hoá thương mạ
Chính sách cải cách theo hướng tự do hoá thương mại được thể hiện ở các khía cạnh: xoá bỏ độc quyền ngoại thương, mở rộng thương quyền hay quyền tham gia hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần
kinh tế; tự do hoá thuế quan và phi thuế quan; xoá bỏ dần kiểm soát ngoại hối và áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái mang định hướng thị trường nhiều hơn.
Chính sách thương quyền
Giai đoạn 1986-1988, chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam còn mang nặng dấu ấn của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và dựa trên nguyên tắc “Nhà nước giữ độc quyền ngoại thương và các quan hệ kinh tế khác với nước ngoài” (Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1980, điều 21). Theo đó, các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu không được quyền chủ động trong các hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ có các doanh nghiệp quốc doanh, chủ yếu là các Tổng công ty xuất nhập khẩu mới được tiến hành các hoạt động này. Tất cả mọi hoạt động ngoại thương đều được thực hiện theo kế hoạch và chịu sự quản lý tập trung của Bộ Ngoại thương.
Giai đoạn 1989-2000, việc hạn chế thương quyền được nới lỏng, song đến trước năm 1998, thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp còn phức tạp. Nhiều doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế xuất nhập khẩu trong một số lĩnh vực thương mại. Từ năm 1998, Nghị định số 57/1998/NĐ-CP đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách thương quyền, các DN trong nước xuất nhập khẩu hàng hóa mà không cần giấy phép xuất nhập khẩu (chức năng này đã được đăng ký trong giấy phép kinh doanh của DN), ngoại trừ bốn nhóm hàng đặc biệt, sau khi đã đăng ký mã hàng hoá tại Tổng cục Hải quan.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động xuất nhập khẩu được điều tiết bởi Luật Đầu tư nước ngoài. Trước năm 1998, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, kể cả xí nghiệp liên doanh phải cam kết xuất khẩu theo một tỷ lệ nhất định sản phẩm của mình theo giấy phép đầu tư (năm 1998, tỷ lệ này là 80%). Từ năm 1998, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng được khuyến khích xuất khẩu hàng hóa không phải là sản phẩm của mình, ngoại trừ một số hàng hóa đặc biệt.
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, điểm mới quan trọng là Luật đã cam kết mở cửa thị trường đầu tư phù hợp với lộ trình cam kết trong các điều ước quốc tế; đồng thời, khẳng định việc loại bỏ các rào cản về đầu tư liên quan đến thương mại (thực hiện Hiệp định TRIPs của WTO), cụ
thể hoá quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các nhà đầu tư không bị bắt buộc phải thực hiện các yêu cầu như: ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua hàng hóa, dịch vụ từ sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhất định trong nước; đạt được tỷ lệ nội địa hóa nhất định trong hàng hóa sản xuất, DN Việt Nam và DN nước ngoài được quyền như nhau về quyền lợi và lĩnh vực kinh doanh (trừ một số lĩnh vực cấm)…. Như vậy, Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài lựa chọn hình thức đầu tư (100% vốn nước ngoài, liên doanh, xuất khẩu, nhượng quyền thương hiệu, dự án trao tay…).
Như vậy, chính sách thương quyền của Việt Nam đã từng bước nới lỏng điều kiện tham gia hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là từ năm 1998. Doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khá tự do lựa chọn hình thức đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Đây là sự “cởi trói” cơ bản trong cơ chế quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài, giúp các doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội tham gia sâu rộng vào thị trường, góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách thuế quan và phi thuế quan
Trước năm 1987, do Việt Nam chưa có Luật Thuế xuất nhập khẩu đối với hàng mậu dịch nên nguồn thu chủ yếu từ thuế xuất nhập khẩu hàng hóa phi mậu dịch. Giai đoạn này, hoạt động xuất nhập khẩu còn đơn giản, chế độ thuế quan được chia ra làm hai loại: thuế suất tối thiểu và thuế suất phổ thông. Quốc hội thông qua Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 3/1992), nhằm hoàn thiện Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng mậu dịch năm 1988. Số dòng thuế được phân loại cụ thể hơn, bao gồm 57 dòng thuế xuất khẩu, số dòng thuế nhập khẩu tăng lên 2813 dòng.
Từ ngày 1/1/1996, thực hiện các cam kết với Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam đã giảm thuế suất nhập khẩu, một số mặt hàng có thuế suất trên 60%. Ngày 1/1/1999, Việt Nam áp dụng Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991. Theo quy định của Luật này, thuế suất của Việt Nam gồm ba loại: thuế suất thông thường, thuế suất ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào tháng 7/1995, Chính phủ đã xây dựng danh mục cắt giảm thuế (IL) với lộ trình thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/1996 để đạt mức thuế suất 0-5% vào ngày 1/1/2006 như cam kết. Đồng thời, đã chuyển các sản phẩm loại trừ tạm thời (danh mục TEL) vào danh mục cắt giảm thành 5 đợt, mỗi đợt 20% số lượng mặt hàng mỗi năm, từ tháng 1/1999 và kết thúc vào tháng 1/2003. Kể từ tháng 1/2001 mức thuế suất của các mặt hàng trong danh mục cắt giảm không cao hơn 20%. Việc cắt giảm thuế được tiến hành song song với việc loại bỏ các biện pháp hạn chế định lượng.
Ngày 1/1/2006, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực. Theo Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu sửa đổi, cách tính thuế được quy định theo một nguyên tắc thống nhất theo trị giá hải quan. Luật mới này cũng đã bãi bỏ cơ chế cơ quan nhà nước ấn định số thuế doanh nghiệp phải nộp bằng thông báo thuế. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tự khai, tự tính, tự nộp thuế. Ngoài ra, nội dung về miễn giảm thuế được quy định trong tất cả các luật, như Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư trong nước, Luật Dầu khí, Luật Khoa học - Công nghệ … được đưa vào Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu, với mục đích nhằm thống nhất tất cả các quy định về thuế vào trong một luật thuế. Việc đưa các đối tượng được miễn giảm thuế vào cùng một luật cũng tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Như vậy, các chính sách thuế quan và phi thuế quan đã từng bước được cải cách theo hướng ngày càng phù hợp hơn với thông lệ và cam kết quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và dễ tiên liệu hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài là TNCs.
2.3.4.5.Chính sách kiểm soát ngoại hối và tỷ giá hối đoái
Chính sách kiểm soát ngoại hối được Nhà nước ban hành từ năm 1988. Nghị định 161/HĐBT (18/10/1988) quy định mọi tổ chức, cá nhân phải gửi tất cả ngoại tệ tại ngân hàng. Khách hàng có thể sử dụng khoản ngoại tệ này để thanh toán hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu, số còn lại phải bán cho Chính phủ theo giá thị trường và mọi chuyển khoản ra nước ngoài phải được phép của Ngân hàng Nhà nước, phải được thực hiện theo tài khoản đối ứng.
Năm 1998, sau khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Đông Nam Á, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số biện pháp nhằm thắt chặt hơn kiểm soát
ngoại hối. Theo Quyết định 37/1998/QĐ-TTg (4/1998), mọi doanh nghiệp phải gửi ngoại tệ vào tài khoản của mình tại các ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ. Quyết định 173/1998/QĐ-TTg (9/1998) buộc các tổ chức kinh tế phải gửi 80% ngoại tệ vào ngân hàng. Từ 8/1999 đến tháng 5/2002, tỷ lệ kết hối đã từng bước được giảm xuống từ 80% xuống còn 50%, rồi 40% vào năm 2001 và còn 30% vào tháng 5/2002. Có thể nói, chính sách kiểm soát ngoại tệ trong giai đoạn này đã góp phần nhất định vào việc ổn định cung cầu ngoại tệ trong nước; đồng thời, tập trung được một số ngoại tệ lớn phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường với tư cách là nhà xuất khẩu (ở đây, TNCs là những nhà xuất khẩu chính, hàng hoá chủ yếu là máy móc, công nghệ hiện đại). Bên cạnh đó, hoạt động quản lý ngoại hối trong thời gian này cũng đã góp phần ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khu vực đối với nền kinh tế Việt Nam để đảm bảo cho các thành phần kinh tế mở rộng phạm vi và quy mô đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng bị hạn chế nhiều trong việc mở tài khoản để vay ngoại tệ từ nước ngoài; do phải đáp ứng một số điều kiện như: khoản vay tối thiểu là 3 triệu USD, chỉ được sử dụng cho mục đích xây dựng cơ sở vật chất và mở rộng sản xuất trong nước.
Nhận thức được các mặt hạn chế này, từ năm 2000, Nhà nước đã áp dụng chính sách kiểm soát ngoại hối nới lỏng. Theo Luật Đầu tư nước ngoài bổ sung (5/2000) và Quyết định 468/2000/QD-NHNN7 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ban hành tháng 11/2000, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép mua ngoại tệ từ các ngân hàng trong nước để thanh toán cho các giao dịch thường xuyên và mua sắm máy móc thiết bị, cũng như các giao dịch được phép khác. Các biện pháp kiểm soát đối với các giao dịch qua tài khoản vãng lai cũng đã được xoá bỏ. Chính sách sửa đổi này đã có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài vì cách thức huy động vốn của các nhà đầu tư được thuận lợi ngay ở nước sở tại.