- Mục tiêu 2: Thu hút nhiều học sinh, sinh viên không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh khác đến đăng ký dự thi và học tập tại Trường.
2.3.2. Thực trạng quảng cáo thương hiệu của Trường Đại học Hải Dương
Trường Đại học Hải Dương hiểu rõ tầm quan trọng của quảng cáo trong việc quảng bá thương hiệu đến với khách hàng nên đã lựa chọn các phương tiện quảng cáo phù hợp với đối tượng nhắm tới. Ngân sách dành cho quảng cáo khá lớn với nhiều loại hình quảng cáo khác nhau:
Về quảng cáo trực tiếp thông qua kênh bán hàng trực tiếp cá nhân, Trường đã thành lập Phòng Thanh tra pháp chế & Liên thông một cửa với đội ngũ nhân viên trẻ, đẹp, có kỹ năng giao tiếp tốt và am hiểu về Trường chuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ giải đáp thắc mắc trực tiếp cho sinh viên thông qua gọi điện, email...
Về quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, Nhà trường tận dụng tối đa việc quảng cáo qua tivi, radio, báo và tạp chí. Tất cả các hoạt động từ khai giảng năm học, tổng kết năm học đến khởi công xây dựng cơ sở 2 của Trường ở Liên Hồng- phía Nam cầu Lộ Cương; Ngày hội trăng rằm- Trung thu; Đổi tên trường, kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11; Gặp mặt giao lưu với đoàn Việt kiều Mỹ và đều được thông tin đầy đủ, nhanh chóng lên tivi để công chúng biết đến các hoạt động và sự phát triển của Nhà trường một cách nhanh nhất và hữu hiệu nhất.
Tiếp theo, ở tỉnh Hải Dương chắc chỉ có duy nhất Trường Đại học Hải Dương áp dụng biện pháp này. Đó là Trường cho phát bản tin về chỉ tiêu tuyển sinh,
đối tượng tuyển sinh, hình thức ôn thi, các biện pháp hỗ trợ học sinh dự thi...trên đài phát thanh của xã, phường vào mỗi sáng. Hình thức này khá mới mẻ nhưng cũng mang lại lợi ích rõ rệt cho Trường vì nếu bản tin chỉ phát 1 lần có thể ít người chú ý tới, nhưng nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo hiệu ứng buộc mọi người phải biết đến thông tin đó. Và việc này đánh trúng với đối tượng phụ huynh học sinh- những người sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng và chọn trường cho con em mình.
Và một điều nữa là Nhà trường đã đăng quảng cáo của mình trong suốt 2 năm qua trên khoảng 30 đầu báo: Báo Hải Dương, Báo Giáo dục & Thời đại....
Về quảng cáo phân phối (Quảng cáo tại chỗ), không chỉ đặt các băng rôn, áp phích, bảng đèn điện tử (do Trung tâm thực hành và chuyển giao công nghệ của Trường tự nghiên cứu chế tạo) ở cổng trường như các trường thường thấy, Trường Đại học Hải Dương còn tận dụng tối đa cơ hội quảng cáo trang trí, bài trí đẹp, nổi bật tại Hội chợ việc làm Hải Dương; Ngày hội tuyển sinh. hay các hội thảo khoa học. Ngoài ra, nhân kỷ niệm 1 năm ngày thành lập trường, Nhà trường tặng cho tất cả các cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên của Trường và các vị khách mời bình hoa có in logo của Trường làm quà lưu niệm. Món quà tuy không lớn nhưng nó mang lại lợi ích quảng bá cực lớn cho Trường khi tổng số quà phát ra là hơn 1.000 bình hoa, có nghĩa ít nhất là có gấp đôi số người như thế sẽ biết về Trường. Bên cạnh đó, vào lễ đổi tên trường (19. 03. 2013), Trường cũng làm đĩa in tên trường mới kèm theo các tài liệu giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Trường cho tất cả mọi người tham gia, tạo ấn tượng rất tốt cho các vị khách mời và qua đó, tên thương hiệu mới của Trường cũng được biết đến nhiều hơn.
Về quảng cáo điện tử, ngoài việc chú trọng thay đổi giao diện và chất lượng website của trường, Nhà trường còn chỉ đạo Trung tâm thực hành công nghệ thông tin chuyên quản lý nội dung đưa lên Facebook để biết được học sinh, sinh viên đang nghĩ gì và đánh giá thế nào về trường, về chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên cũng như tâm tư nguyện vọng của các em vì đa phần học sinh, sinh viên hiện nay đều có thói quen trao đổi, sử dụng Facebook hàng ngày. Nội dung đưa lên Facebook không chỉ là những thông tin liên quan đến hoạt động của trường mà những người
quản trị mạng của Trường còn đóng vai trò như một người bạn của sinh viên để gợi mở các em nói lên những điều mình mong muốn.