Giữ vững nguyên tắc trung thực để duy trì thương hiệu

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quảng bá thương hiệu của Trường Đại học Hải Dương (Trang 113)

- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

i.Giữ vững nguyên tắc trung thực để duy trì thương hiệu

Nếu không thật sự xem giáo dục là thị trường thì không thể tồn tại vì chỉ có thể xem giáo dục là thị trường thì dịch vụ giáo dục mới được đặt vào môi trường cạnh tranh từ đó loại bỏ đi những nhà cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

Và khi đã xem giáo dục như một thị trường đúng nghĩa của nó và học sinh, sinh viên thực sự là những khách hàng thì thương hiệu giáo dục cũng phải tuân theo các nguyên tắc xây dựng và duy trì như bất cứ thương hiệu hàng hóa nào khác. Một trong những nguyên tắc cơ bản để duy trì thương hiệu của bất cứ sản phẩm gì là nguyên tắc trung thực. Trong thương mại hàng hóa, có một sai lầm vô cùng nghiêm trọng mà các hãng quảng cáo các sản phẩm ở Việt Nam hay mắc phải, đó chính là sự thiếu trung thực. Điều đáng tiếc là đa phần các thương hiệu của chúng ta lại đang được quảng cáo theo những cách thức tài tử, sáo mòn, thiếu sáng tạo, có khuynh hướng thổi phồng quá mức, dùng những thông điệp quá kêu, thậm chí những cách thức thiếu trung thực để “câu kéo” khách hàng. Việc làm này trong ngắn hạn có thể thu hút được nhiều khách hàng nhưng hậu quả của việc thiếu trung thực là vô cùng lớn khách hàng cảm thấy mình bị lừa và, hoặc ồn ào hoặc lẳng lặng, từ bỏ, quay lưng lại với sản phẩm. Quá trình này thường không diễn ra “tắp lự” mà từ từ khiến doanh nghiệp khó nhận ra ngay. Câu chuyện không chỉ dừng ở đây mà nó còn được ghi dấu trong tâm trí họ, nó được tổng kết thành một “bài học” - bài học này chính là liều thuốc độc tiêu diệt thương hiệu đã được quảng cáo kia đồng thời được dùng làm “nền” để khách hàng xem xét thương hiệu của đối thủ, nếu thương hiệu của đối thủ không mắc phải lỗi tương tự thì thương hiệu đó sẽ được nâng cao hơn, tô đậm hơn trong nhận thức khách hàng mà không phải tốn một xu quảng cáo nào - đây chính là tình trạng của nhiều thương hiệu nội địa trong tương quan với các thương hiệu quốc tế có uy tín.

Mặt khác, sự thiếu trung thực trong xây dựng thương hiệu còn để lại hậu quả mang tính ngoại ứng tiêu cực. Khi một sản phẩm trong cùng lĩnh vực được tung ra thị trường, do những kinh nghiệm vốn có, chất lượng dù tốt đến mấy cũng bị người tiêu dùng ngầm trừ hao đi phần trăm trong đó. Giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, sản phẩm đầu ra chính là con người và vì thế, nguyên tắc trung thực càng cần được duy trì. Tiếp thị giáo dục đại học chỉ được dựa trên những gì trường thực sự làm được, những dịch vụ và những hứa hẹn đối với sinh viên nhập học khi theo học chuyên ngành đào tạo nào đó của nhà trường phải được thực hiện đúng và nghiêm ngặt.

Điều này cũng có nghĩa là việc phát triển khái niệm “thương hiệu” cho nhà trường phải dựa trên chất lượng thực sự của nhà trường, chất lượng đó phải đến mức có thể hình thành thương hiệu chứ không chỉ là sự ngộ nhận nội bộ. Nhà trường nên thành lập phòng ban phụ trách vấn đề marketing cho trường và phải tuyển những người có đạo đức làm công tác tiếp thị. Ví dụ, khi nhà trường quảng cáo về một ngành học được coi là trọng điểm và hứa hẹn chất lượng giảng dạy, trình độ giảng viên cũng như cơ hội việc làm đầu ra cho sinh viên thì phải thực hiện đúng như thế trong suốt quá trình học dài. Chỉ cần sinh viên thấy điều gì đó không hoàn hảo như những gì đã được quảng bá như chất lượng đội ngũ giảng viên không như kỳ vọng, giáo trình còn thiếu sót hoặc không có giáo trình chính thống hoặc có sai sót dù là nhỏ nhất trong giáo trình…kinh nghiệm sẽ lập tức hình thành trong sinh viên và thương hiệu sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Một điểm các trường đại học danh tiếng trên thế giới thường thực hiện là việc sử dụng chiến dịch PR thay cho quảng cáo. Việc này vừa làm giảm kinh phí vừa đảm bảo tính trung thực cho chất lượng nhà trường. Quảng cáo dù có trung thực đến mấy đều tạo cảm giác khoa trương, không thật va thực tế cũng khó tránh khỏi việc khoa trương thổi phồng. Trong khi đó, sử dụng chiến dịch PR chỉ nhằm mục đích gây ấn tượng với cộng đồng và để cộng đồng tự kiểm nghiệm, đánh giá về chất lượng đào tạo của nhà trường. Đây là điểm mà trường nên tham khảo khi muốn duy trì thương hiệu. Nhìn chung, việc phát triển thương hiệu là quá trình cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm không ngừng nâng cao vị thế của giáo dục nước nhà. Việc đi sâu vào nhóm giải pháp nào phụ thuộc vào chiến lược phát triển của trường đại học trong từng thời kỳ cụ thể.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ - Quảng bá thương hiệu của Trường Đại học Hải Dương (Trang 113)