Hàng hóa xuất khẩu trọng tâm và phân loại các nhóm hàng hóa xuất khẩu

Một phần của tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA XUẤT KHẨU MỘT SỐ NHÓM HÀNG HÓA TRỌNG TÂM VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÙNG TẠI VIỆT NAM (Trang 27)

7. Bố cục của luận án

1.1.1. Hàng hóa xuất khẩu trọng tâm và phân loại các nhóm hàng hóa xuất khẩu

khẩu trọng tâm

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, không một quốc gia nào có thể tách rời, cô lập mà vẫn phát triển được. Học thuyết cơ bản về lợi thế so sánh được phát triển bởi David Ricardo cho rằng lợi thế so sánh tồn tại khi một quốc gia có ưu thế hơn một quốc gia khác trong việc sản xuất một hàng hoá hay dịch vụ nào đó, đó là khi chi phí cơ hội của quốc gia đó cho việc sản xuất sản phẩm hay dịch vụ đó thấp hơn. Nếu mỗi quốc gia đều chuyên môn hoá sản xuất và xuất khẩu các hàng hoá mà họ có lợi thế thì khi đó tổng sản lượng và lợi ích kinh tế có thể tăng lên. Các quốc gia đều lợi dụng lợi thế so sánh của mình để tăng cường khả năng cạnh tranh khi tham gia vào nền kinh tế khu vực và thế giới nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Khái niệm xuất khẩu có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau. Xuất khẩu trong lý luận thương mại quốc tế là việc bán hàng hóa và dịch vụ cho nước ngoài. Theo điều 28, của Luật Thương mại 2005, xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Trong kinh tế học, xuất khẩu là việc bất cứ loại hàng hoá nào được vận chuyển bằng bất cứ phương thức nào ra khỏi một quốc gia, một tỉnh hay một thành phố sang một khu vực khác của thế giới, điển hình là để sử dụng trong thương mại. Xuất khẩu sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đẩy mạnh hàng hoá xuất khẩu sẽ đem lại nguồn thu lớn cho đất nước để tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần thực hiện việc phát triển nền kinh tế. Xuất khẩu là nguồn chính thu ngoại tệ thông qua việc thanh toán của các hàng hoá xuất khẩu. Ngoại tệ thu được từ quá trình xuất khẩu là nguồn chi cho nhập khẩu bởi vì ngoại tệ cũng là phương tiện thanh toán của quá trình nhập khẩu để phục vụ cho các nhu cầu trong nước về đời sống dân sinh, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng,…

Với vai trò của xuất khẩu như đã nêu cho thấy việc đưa ra các tiêu chỉ để xác định nhóm hàng hóa xuất khẩu nào là nhóm hàng hóa xuất khẩu trọng tâm sẽ giúp các địa phương trong các vùng kinh tế có được định hướng và chính sách hợp lý tạo tiền đề thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế vùng bền vững hơn.

Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa nào thống nhất ở phạm vi quốc tế nào về việc xác định nhóm hàng hóa xuất khẩu trọng tâm. Việc phân chia và xác định nhóm hàng hóa xuất khẩu trọng tâm có thể dựa vào các tiêu chí khác nhau. Hiện nay, có nhiều tiêu chí để xác định và phân loại nhóm hàng hóa trọng tâm, luận án đưa ra 4 tiêu chí phân loại sau đây: Cách thứ nhất: dựa vào xác định nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu, nhóm hàng hóa có khả năng gia tăng khối lượng xuất khẩu, nhóm hàng hóa cần nâng cao giá trị gia tăng, và nhóm hàng hóa xuất khẩu mới. Cách thứ hai: phân loại khác theo cách phân chia trong quản lý hàng hoá xuất khẩu, hàng xuất khẩu thường được chia làm 3 loại: Hàng chủ lực, hàng quan trọng và hàng thứ yếu. Cách thứ 3: Phân chia theo cơ cấu nhóm hàng hóa xuất khẩu. Theo tiêu chí này, chúng ta có thể phân chia xuất khẩu thành các nhóm mặt hàng sau đây: Nhóm nông, lâm, và thủy sản; Nhóm nhiên liệu, khoáng sản; Nhóm công nghiệp chế biến. Cách thứ 4: Phân chia nhóm hàng hóa trọng tâm dựa trên lợi thế so sánh của từng mặt hàng và nhóm hàng hóa. Theo các tiêu chí phân loại đã được áp dụng này mỗi một tiêu chí đều có ưu điểm và hạn chế trong việc xác định mặt hàng xuất khẩu và nhóm hàng hóa xuất khẩu trọng tâm.

Để đưa ra được cách phân loại phù hợp, chúng ta đưa ra khái niệm hàng hóa xuất khẩu trọng tâm như sau: hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa có lợi thế so sánh và có khả năng duy trì được kim ngạch xuất khẩu bền vững. Hàng hóa xuất khẩu trọng tâm sẽ đem lại lợi thế xuất khẩu cho vùng bao gồm hàng hóa xuất khẩu có khả năng gia tăng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu có khả năng nâng cao giá trị gia tăng, và hàng hóa xuất khẩu mới. Đánh giá phân loại nhóm hàng hóa trọng tâm theo từng loại tiêu chí được mô tả như sau:

Tiêu chí thứ nhất: dựa vào xác định nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu, nhóm hàng hóa có khả năng gia tăng khối lượng xuất khẩu, nhóm hàng hóa cần nâng cao giá trị gia tăng, và nhóm hàng hóa xuất khẩu mới. Theo cách phân chia này chúng ta sẽ xác định được nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, nhóm hàng hóa có khả năng gia tăng khối lượng xuất khẩu, nhóm hàng hóa cần nâng cao giá trị gia tăng, và nhóm hàng hóa xuất khẩu mới, để từ đó dễ dàng đưa ra các giải pháp hợp lý cho

từng mặt hàng khác nhau. Tuy nhiên, theo cách phân chia này, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc phân loại vì mặt hàng xuất khẩu chủ yếu và nhóm hàng hóa cần nâng cao giá trị gia tăng có thể thay đổi theo thời gian, không cố định. Việc đưa ra các tiêu chí phân loại cụ thể từng mặt hàng thuộc nhóm mặt hàng nào miêu tả ở trên thì thực sự không đơn giản theo phương pháp phân chia này.

Tiêu chí thứ hai: phân loại khác theo cách phân chia trong quản lý hàng hoá xuất khẩu, hàng xuất khẩu thường được chia làm 3 loại: Hàng chủ lực, hàng quan trọng và hàng thứ yếu. Ở đây, hàng chủ lực là loại hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu quốc gia do có thị trường nước ngoài và điều kiện sản xuất trong nước thuận lợi, đạt hiệu quả cao. Hàng quan trọng là hàng không chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu, nhưng đối với từng thị trường, từng địa phương lại có vị trí quan trọng. Hàng thứ yếu là hàng xuất khẩu mà kim ngạch của chúng thường nhỏ. Việc phân chia này đem lại mặt tích cực là cho chúng ta biết được mức độ đóng góp giá trị xuất khẩu của từng mặt hàng vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo cách phần loại này nó mang lại những bất cập nhất định. Sự phân loại này dựa trên tiêu chí tỷ trọng giá trị xuất khẩu của mặt hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng tỷ trọng này cụ thể là bao nhiêu để coi một mặt hàng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hoặc mặt hàng quan trọng lại không được thống nhất giữa các quốc gia. Tùy vào từng quốc gia và ở những giai đoạn khác nhau, tỷ trọng của các loại hàng theo nhóm này là khác nhau. Điều này sẽ trở nên khó khăn cho các nhà nghiên cứu kinh tế và nhà hoạch định chính sách kinh tế trong phân tích tác động của từng nhóm xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài.

Tiêu chí thứ 3: Phân chia theo cơ cấu nhóm hàng hóa xuất khẩu. Theo tiêu chí này, chúng ta có thể phân chia xuất khẩu thành các nhóm mặt hàng sau đây: Nhóm nông, lâm, và thủy sản; Nhóm nhiên liệu, khoáng sản; Nhóm công nghiệp chế biến. Việc phân chia và xác định nhóm hàng hóa trọng tâm này nhằm giúp đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng sản phẩm chế biến chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô, theo đó, tỷ trọng của các nhóm hàng nông - lâm - thuỷ sản và nhiên liệu - khoáng sản sẽ có xu hướng giảm dần và nhóm hàng công nghiệp và thủ công mỹ nghệ sẽ có xu hướng tăng dần. Phân chia này có ưu điểm giúp chúng ta thấy được cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, tỷ trọng đóng góp của mỗi một nhóm hàng vào tổng kim ngạch xuất khẩu, xác định được nhóm

hàng hóa xuất khẩu chủ yếu và thấy được vai trò của nhóm hàng đó đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Tiêu chí thứ 4:Phân chia nhóm hàng hóa trọng tâm dựa trên lợi thế so sánh của từng mặt hàng và nhóm hàng hóa. Lợi thế so sánh là một nguyên tắc trong kinh tế học, phát biểu rằng mỗi quốc gia sẽ được lợi khi nó chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu những hàng hóa mà mình có thể sản xuất với chi phí tương đối thấp (hay tương đối có hiệu quả hơn các nước khác); ngược lại, mỗi quốc gia sẽ được lợi nếu nó nhập khẩu những hàng hóa mà mình có thể sản xuất với chi phí tương đối cao (hay tương đối không hiệu quả bằng các nước khác).

Nguyên tắc lợi thế so sánh (David Ricardo) cho rằng một nước có thể thu được lợi từ thương mại bất kể nó tuyệt đối có hiệu quả hơn hay tuyệt đối không hiệu quả bằng các nước khác trong việc sản xuất mọi hàng hóa. Lợi thế của các hàng hóa xuất khẩu dựa trên một số tiêu chí như: Môi trường tự nhiên, giá nhân công, vị trí địa lý, yếu tố văn hoá, diện tích sử dụng, sản lượng sản xuất, chất lượng sản phẩm, chính sách phát triển,...

Nhìn chung, xác định nhóm hàng hóa xuất khẩu trọng tâm sẽ phải hội đủ một số yếu tố cơ bản sau: cho biết được cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, mức độ đóng góp của các nhóm hàng xuất khẩu vào tổng kim ngạch xuất khẩu, mặt hàng thuộc nhóm là hàng hóa xuất khẩu có lợi thế so sánh, mức độ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng tích cực, và mức độ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng và cả nước.

Một cách phân loại tổng hợp vừa hội đủ các tiêu thức phân loại trên vừa phản ảnh bản chất của nhóm hàng hóa xuất khẩu trọng tâm (nhóm hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho tăng trưởng vùng). Đó là phân loại thành 4 nhóm mặt hàng với các mặt hàng xuất khẩu trọng tâm cụ thể như sau: Nhóm hàng công nghiệp chế biến (bao gồm công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp); Nhóm hàng nông sản, lâm sản và thủy sản; Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản; Nhóm hàng hóa xuất khẩu mới. Với cách phân loại này, chúng ta sẽ dễ dàng xác định được cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, xác định được các hàng hóa xuất khẩu mới, phân biệt được mặt hàng công nghiệp và nông nghiệp. Đặc biệt, cách phân loại này sẽ tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách dễ dàng đánh giá tác động của từng nhóm hàng hóa xuất khẩu trọng tâm này đến tăng trưởng kinh tế theo phương pháp phân tích định lượng.

Một phần của tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA XUẤT KHẨU MỘT SỐ NHÓM HÀNG HÓA TRỌNG TÂM VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÙNG TẠI VIỆT NAM (Trang 27)