Mặt tích cực

Một phần của tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA XUẤT KHẨU MỘT SỐ NHÓM HÀNG HÓA TRỌNG TÂM VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÙNG TẠI VIỆT NAM (Trang 99)

7. Bố cục của luận án

2.4.1. Mặt tích cực

Trong thời gian qua, sự phát triển các vùng KTTĐ đã đem lại nhiều mặt tích cực. Các vùng KTTĐ trở thành những lãnh thổ động lực có tốc độ tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng vào việc tăng quy mô của nền kinh tế, tăng giá trị công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu của cả nước. Phân tích định tính cho thấy, các vùng KTTĐ giống như các lãnh thổ hạt nhân tạo ra sự tăng trưởng và phát triển của các lãnh thổ trong phạm vi ảnh hưởng của nó, và đến lượt mình, các lãnh thổ rộng lớn hơn này tiếp tục đóng góp vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước. Các lãnh thổ thuộc các vùng KTTĐ là các trung tâm giao thương quốc tế, có các cửa ngõ quan trọng để thông thương buôn bán với thế giới bên ngoài. Các cảng biển, sân bay, nhà ga đường sắt và đường bộ,… không chỉ phát huy vai trò với bản thân các lãnh thổ trọng điểm mà còn là nơi tiếp nhận và trung chuyển các hàng hóa xuất nhập khẩu của nhiều vùng khác. Các vùng KTTĐ đã thể hiện vai trò đóng góp quyết định vào tích lũy của nền kinh tế và nguồn thu cho ngân sách quốc gia.

Với sự tập trung lớn các năng lực s ản xuất, các vùng KTTĐ hàng năm cung cấp một khối lượng đáng kể sản phẩm công nghiệp và dịch vụ với chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của nhiều vùng trong nước và nguồn hàng cho xuất khẩu. Các vùng KTTĐ đã nhanh chóng tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến, tr ong đó có những công nghệ ngang tầm với của khu vực và thế giới. Sự phát triển các vùng KTTĐ đã và đang góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lao động cho toàn bộ nền kinh tế.

Sự phát triển các vùng KTTĐ đã tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các lãnh thổ thuộc vùng KTTĐ nhờ phát triển vượt bậc nên GDP/người tăng nhanh, cộng với sự phát triển của các cơ sở công nghiệp chế biến xuất khẩu làm cho sức mua về hàng nông lâm thủy sản với chất lượng cao. Việc các vùng KTTĐ trở thành vùng tiêu thụ hàng nông sản chất lượng cao đã tác động đến sự phát triển các cơ sở cung cấp nguyên liệu và dịch vụ, góp phần chuyển đổi tập quán truyền thống sản xuất của nhiều vùng nông thôn, vùng chậm phát triển, mở ra khả năng nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, mở rộng thị trường, phát triển các vùng chuyên canh lớn, hình thành các đô thị vệ tinh,… tác động mạnh đến quá trình chuyển dịch cơ cấu đó.

Sự phát triển của các vùng KTTĐ đã tạo ra một lượng lớn việc làm, thu hút và làm giảm đáng kể lượng lao động nông nhàn ở các vùng nông thôn, kém phát triển, góp phần làm tăng năng suất lao động tại các vùng này. Ngoài số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các vùng, còn phả i kể đến một lực lượng lớn lao động làm việc trong các ngành dịch vụ, xây dựng cơ bản,… và các khu vực phi chính thức phục vụ cho phát triển các vùng KTTĐ.

Sự phát triển của các vùng KTTĐ cũng được đánh giá là đã tạo điều kiện để bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển của các vùng nông thôn, vùng kém phát triển thông qua việc các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức từ các thành phố lớn chuyển vốn đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp, du lịch, văn hóa,… tại các vùng kém phát triển, hay thông qua việc thu hút lao động tới các đô thị, các lãnh thổ phát triển mà một phần đáng kể trong thu nhập của người lao động được đưa trở về các vùng nông thôn, vùng kém phát triển,.v.v.

Những nhận định và phân tích trên khẳng định tăng trưởng các vùng KTTĐ không những góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng chung cho toàn bộ nền kinh tế, mà còn luôn thể hiện vai trò tiên phong, động lực trong sự phát triển của cả nước, có tác dụng như những đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung cho các vùng lãnh thổ . Sự phát triển của các vùng KTTĐ cũng đóng góp đáng kể vào việc xây dựng cơ cấu kinh tế lãnh thổ tiến bộ và hiệu quả. Với sự phát triển của các vùng KTTĐ, Việt Nam đã hình thành được những lãnh thổ không chỉ đảm nhận chức năng động lực thúc đẩy sự phát triển toàn bộ nền KT-XH đất nước mà còn đảm nhận chức năng hợp tác và hội nhập quốc tế, vừa đảm nhận vai trò tiếp nhận thông tin, các thành tựu về phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa của thế giới rồi lan rộng ra các vùng xung quanh, đồng thời tạo ra sân chơi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các kết quả phân tích hồi quy cho thấy các vùng kinh tế trọng điểm được coi như là các vùng động lực cho sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Các vùng động lực này đã và đang tạo đà thúc đẩy nhanh tăng trưởng của cả nước và có tác động lan tỏa đến các khu vực lân cận. Thêm vào đó, các phép kiểm định đã thực hiện còn cho chúng ta thấy tác động của xuất khẩu các hàng hóa trọng tâm đến sự gia tăng của tiêu dùng và đầu tư tại các vùng KTTĐ và vai trò của tiêu dùng và đầu tư trong tăng trưởng kinh tế vùng. Sự thành công trong thúc đẩy xuất khẩu tạo tiền đề để tăng trưởng vùng thông qua tiêu dùng và đầu tư của vùng. Các mô hình kiểm định còn cho thấy xuất khẩu các nhóm hàng hóa trọng tâm tác động đến tiêu dùng ở vùng 4

cao nhất, tiếp đến là vùng 2, vùng 1, và vùng 3 và cho thấy xuất khẩu tác động đến đầu tư ở vùng 4 cao nhất, tiếp đến là vùng 3, vùng 1, và vùng 2.

Một phần của tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA XUẤT KHẨU MỘT SỐ NHÓM HÀNG HÓA TRỌNG TÂM VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÙNG TẠI VIỆT NAM (Trang 99)