Kinh nghiệm của Nhật Bản

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế nông thôn ở Nam Định thực trạng và giải pháp (Trang 39)

Nhật Bản tiến hành xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường từ một nền kinh tế dựa trên cơ sở nền nông nghiệp cổ truyền, tự cấp, tự túc, sản xuất manh mún, với những hộ nông dân quy mô nhỏ và đã nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ 2 thế giới, với một nền nông nghiệp và công nghiệp hiện đại, kinh tế nông thôn và kinh tế thành thị đều phát triển.

Nhật Bản đã kiên trì và liên tục thực hiện các chủ trương, biện pháp có liên quan nhằm không ngừng phát triển KTNT một cách mạnh mẽ, toàn diện.

* Về phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghệp

Mặc dù Nhật Bản đã không ngừng tiến hành công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn thực hiện phát triển KTNT trong nền kinh tế thị trường, nhưng một thực tế là những ngành nghề TTCN ở nông thôn không mất đi, mà nó vẫn được duy trì và phát triển trong các hộ nông dân, các làng nghề truyền thống. Ở Nhật Bản, có rất nhiều nghề TTCN như chế biến lương thực, thực phẩm từ nông sản, thuỷ sản; nghề đan lát bằng tre, nứa; nghề dệt chiếu, bao tải; nghề thủ công mỹ nghệ; nghề dệt lụa; nghề làm nông cụ…Điều đáng chú ý là công nghệ chế tác nông cụ đã dần dần được hiện đại hoá với các máy móc có trình độ kỹ thuật tiên tiến tại các vùng nông thôn. Họ không chỉ duy trì và phát triển các ngành nghề cổ truyền mà còn mở ra các ngành nghề mới, trước hết là hoạt động dịch vụ kinh tế, kỹ thuật ở nông thôn, nhằm tận dụng hết các loại lao động dư thừa ở nông thôn.

* Về xây dựng các xí nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở công nghiệp gia đình ở địa phương

Ngay khi bước vào thời kỳ thực hiện phát triển KTNT theo kinh tế thị trường, Nhật Bản đã xác định di đôi với việc xây dựng các xí nghiệp công nghiệp lớn ở đô thị, Nhật Bản đã rất chú trọng việc hình thành các xí nghịêp vừa và nhỏ, đặc biệt là mạng lưới công nghiệp gia đình phân tán ở nông thôn, làm vệ tinh cho các xí nghiệp lớn ở đô thị. Các cơ sở công nghiệp gia đình của nông dân thường ký hợp đồng trực tiếp với các xí nghiệp lớn ở các trung tâm kinh tế, ở các đô thị, làm gia công một số chi tiết máy móc với kỹ thuật giản đơn. Trong các cơ sở này, lao động là những người nông dân, họ chỉ qua đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian ngắn để có thể đảm nhiệm một công việc nhất định. Kinh nghiệm thực tế ở Nhật Bản cho thấy các cơ sở công nghiệp gia đình ở nông thôn làm gia công cho các nhà máy lớn, có nhiều ưu điểm, khắc phục được những khó khăn về vốn, lao động…trong quá trình phát triển KTNT trong điều kiện kinh tế thị trường.

Trong quá trình phát triển sản xuất hàng hoá ở nông thôn, Nhật Bản đã hình thành mạng lưới dịch vụ nông thôn rộng lớn, từ tín dụng, bảo hiểm, cung cấp vật tư kỹ thuật, công cụ máy móc, hàng tiêu dùng…đến các dịch vụ mua bán, chế biến, lưu thông nông sản để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có các dịch vụ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp như bảo vệ thực vật, thú y, sửa chữa máy móc, giao thông vận tải…Thực hiện dịch vụ này hầu hết do các HTX đảm nhiệm. Nhật Bản đã không tuyệt đối hoá kinh tế hộ trong quá trình phát triển KTNT mà đã gắn kinh té hộ với HTX, tạo điều kiện để chúng cùng nhau phát triển.

Ngoài ra, Nhật Bản rất coi trọng vai trò của Chính Phủ trong việc đẩy mạnh sự phát triển KTNT. Chính Phủ Nhật Bản đã khơi dậy và phát huy các nguồn nội lực như: đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn; tổ chức nghiên cứu ứng dụng và triển khai những tiến bộ KHCN mới vào sản xuất, thu hoạch, chế biến, lai tạo giống; đào tạo bồi dưỡng trình độ tay nghề cho các hộ nông dân, chủ trang trại; hỗ trợ vốn với lãi suất thấp để nông dân đầu tư sản xuất kinh doanh; vay vốn nước ngoài để CNH nông nghiệp, nông thôn.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế nông thôn ở Nam Định thực trạng và giải pháp (Trang 39)