Kết cấu hạ tầng nông thôn còn thiếu đồng bộ và còn tương đối lạc hậu.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế nông thôn ở Nam Định thực trạng và giải pháp (Trang 76)

- Từ nông, lâm, thuỷ sản Từ công nghiệp, xây dựng

2.3.1.3.Kết cấu hạ tầng nông thôn còn thiếu đồng bộ và còn tương đối lạc hậu.

Kết cấu hạ tầng nông thôn là điều kiện cơ bản, cần thiết cho sản xuất và thúc đẩy KTNT phát triển. Nó tác động mạnh mẽ và tích cực đến quá trình thay đổi cơ cấu sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội nông thôn, mở rộng thị trường và góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của cư dân nông thôn. Tuy nhiên, thực trạng của kết cấu hạ tầng nông thôn ở Nam Định vẫn chưa vượt khỏi tình trạng lạc hậu, đã và đang là “vật cản quan trọng” đối với sự phát triển của khu vực này. Thực trạng đó được biểu hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, sự thiếu hụt và lạc hậu của kết cấu hạ tầng so với thực tế, yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống ở nông thôn.

Mặc dù bộ mặt nông thôn hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ trước đổi mới về hệ thống giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, mạng lưới giáo dục, y tế nhưng sự phát triển đó vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết của sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Khả năng và mức độ “cung cấp hàng hoá công cộng” còn thấp xa so với nhu cầu.

Đối với hệ thống thuỷ lợi và tưới tiêu ở Nam Định, đến nay vẫn chỉ được chú trọng về số lượng nên chưa có đầu tư đúng mức để nâng cấp và từng bước hiện đại hoá. Nam Định có một trạm bơm lớn Cốc Thành ở huyện Vụ Bản, đã được xây dựng từ lâu, nó vẫn có thực hiện chức năng tưới tiêu và chống lũ cho nhiều huyện nhưng việc thay thể máy móc, cải tiến gần như dậm chân tại chỗ. Vì vậy việc xử lý vấn đề lũ lụt và hạn hán một cách nhanh chóng và có hiệu quả rất khó thực hiện được, gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp khi xảy ra thiên tai. Nhưng quan trọng là nó cản trở việc thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tình trạng của hệ thống các trạm kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu, dự báo, phòng chống sâu bệnh dịch hại và bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn cũng trong tình trạng tương tự. Trong rất nhiều trường hợp, sự thiếu hụt hoặc hoạt động kém hiệu quả của chúng đã làm cho năng suất và sản

lượng cây trồng, vật nuôi giảm sút đáng kể, khó nâng cao chất lượng. Đặc biệt, trong điều kiện chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá và kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay thì vấn đề đặt ra không chỉ là sự cần thiết đảm bảo tốt hơn các điều kiện phòng chống thiên tai, dịch bệnh nhằm làm giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do chúng gây ra mà còn ở chỗ, cần đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của cư dân về dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ công nghệ, thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm…Do đó, khả năng và mức độ cung cấp các dịch vụ trên của kết cấu hạ tầng là chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối với mạng lưới y tế cũng hết sức thiếu hụt. Ở nông thôn Nam Định, hầu hết các xã đều có trạm y tế, các huyện cũng đều có trung tâm y tế. Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh cho nhân dân lại hầu như không thực hiện được. Hầu hết người dân, nếu có khám chữa bệnh thì cũng đến thẳng các bệnh viện tỉnh và Trung ương.

Như vậy, sự thiếu hụt và lạc hậu của các điều kiện kết cấu hạ tầng như trên làm cho nó chưa thể hiện và phát huy đầy đủ tính định hướng và vai trò nền tảng đối với phát triển KTNT ở Nam Định. Trái lại, trong nhiều trường hợp, chính sự phát triển mang tính “đột phá” của sản xuất, dưới sự tác động của cơ chế, chính sách đổi mới lại trở thành nhân tố mở “đường” vừa thúc ép, vừa kéo theo sự phát triển của các yếu tố và điều kiện của kết cấu hạ tầng nông thôn.

Thứ hai, sự lạc hậu, mất cân đối trong hệ thống cấu trúc và trình độ của kết cấu hạ tầng nông thôn.

Ở Nam Định, có rất nhiều công trình đường xá, cầu cống, hồ đập, kênh rạch, hệ thống đê… đã được tạo lập từ nhiều năm trước đổi mới nhưng đến nay ít được cải tạo, nâng cấp hoặc đổi mới trang thiết bị một cách đồng bộ theo hướng hiện đại hoá. Đặc biệt là những công trình ở cấp cơ sở các xã và trên đồng ruộng. Ở nông thôn Nam Định, hệ thống các đường liên thôn, liên xã vẫn chủ yếu là đường cấp phối, chưa đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, mạng

lưới trạm y tế rộng khắp nhưng các thiết bị y tế hầu như không được trang bị và nếu có thì cũng đã quá lạc hậu, đội ngũ y tá lại yếu về chuyên môn. Hệ thống giáo dục của Nam Định được đánh giá rất cao, nhưng cũng có sự mất cân đối trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo.

Như vậy trên phương diện kỹ thuật và công nghệ xem xét thì cả kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội ở nông thôn Nam Định vẫn trong tình trạng thấp kém về trang bị, không đồng bộ và lạc hậu về công nghệ. Vì vậy, đối với Nam Định hiện nay, việc đổi mới và tăng cường đổi mới trang thiết bị một cách đồng bộ cho hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đang là một trong những vấn đề bức xúc và cấp thiết.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế nông thôn ở Nam Định thực trạng và giải pháp (Trang 76)