Chính sách về tài chính * Chính sách tín dụng

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế nông thôn ở Nam Định thực trạng và giải pháp (Trang 35)

* Chính sách tín dụng

Tín dụng là hình thức đầu tư vốn quan trọng trong các hình thức đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, chính sách đầu tư vốn tín dụng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển KTNT. Để chính sách tín dụng cho KTNT đáp ứng tốt nhu cầu vốn của nông nghiệp, nông thôn cần tập trung xử lý các vấn đề sau:

- Xác định các đối tượng và hình thức cho vay.

Nông nghiệp, nông thôn là một lĩnh vực hết sức rộng lớn và phức tạp, bao gồm nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực hoạt động cần vốn. Vì vậy, căn cứ vào nguồn vốn tín dụng, đặc điểm của hoạt động kinh doanh, các chủ thể kinh doanh để xác định đúng đối tượng được vay và hình thức cho vay phù hợp. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp, yêu cầu đầu tư lớn nên việc xác định đối tượng và hình thức cho vay cần dựa trên những căn cứ sau: Mục đích của việc cho vay; tính an toàn trong bảo tồn và phát triển nguồn vốn vay; hiệu quả của việc sử dụng vốn vay

Trong những năm tới, chính sách tín dụng nông thôn cần tiếp tục tập trung vào giải quyết các vấn đề dưới đây: vừa tập trung vào các vùng trọng điểm, vừa chú ý đến các vùng còn gặp nhiều khó khăn để tạo nên sự phát triển đồng đều giữa các vùng trên phạm vi cả nước; tập trung vào các ngành chủ yếu, khuyến khích các ngành, các loại cây trồng, gia súc mới, góp phần chuyển dịch mạnh hơn cơ cấu kinh tế nông thôn; chú ý đầu tư vào lĩnh vực

kết cấu hạ tầng nông thôn, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn. Đồng thời tạo điều kiện để áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đầu tư vào việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN và chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

- Vấn đề lãi suất cho vay:

Về nguyên tắc, nông nghiệp, nông thôn có những đặc điểm đặc thù so với các ngành, các lĩnh vực khác vì vậy đối với khu vực nông thôn cần áp dụng mức lãi suất thấp và thực tế nguyên tắc này được thực hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của KTNT. Tuy nhiên với tư cách là ngành kinh tế, ngân hàng một mặt phải đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, mặt khác phải đảm bảo tự trang trải và kinh doanh có lãi. Vì vậy xác định lãi suất tín dụng nông thôn là rất quan trọng đòi hỏi chính sách can thiệp lãi suất của nhà nước phải hết sức linh hoạt.

* Chính sách đầu tư vốn cho phát triển KTNT

Vốn và đầu tư vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn. Điều đó bắt nguồn từ vai trò của KTNT trong sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

- Chính sách vốn hợp lý sẽ cho phép huy động nguồn vốn đủ về số lượng, đáp ứng nhu cầu thời hạn và phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Đây là điều kiện hết sức quan trọng cho KTNT phát triển.

- Chính sách huy động vốn cho nông thôn một mặt bắt nguồn từ nguồn vốn ngân sách, mặt khác quan trọng hơn là phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút vốn đầu tư của các ngành, các lĩnh vực vào KTNT.

- Chính sách vốn đầu tư hợp lý sẽ góp phần chuyển tải vốn đến từng đơn vị sản xuất kinh doanh của KTNT, tạo điều kiện cho KTNT phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng và lợi thế, từng bước nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới.

- Chính sách đầu tư hợp lý cho phép đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự kết hợp giữa các nguồn vốn nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư cho KTNT cũng như tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở khu vực này.

- Chính sách đầu tư vốn hợp lý cho phép giải quyết các vấn đề kinh tế trong mối quan hệ hữu cơ với các vấn đề xã hội, thực hiện tốt các chính sách khác như xoá đói giảm nghèo, chính sách ưu đãi người có công…

Để chính sách vốn và đầu tư vốn phát huy được vai trò, sự ảnh hưởng của mình đến phát triển KTNT nó cần đáp ứng được một số yêu cầu sau:

- Phải tạo mọi điều kiện để huy động triệt để các nguồn vốn trong nước (vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn trong dân…) và nguồn vốn nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực trong KTNT bởi vì đối với nước ta, quá trình chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu KTNT theo hướng CNH, HĐH đã và đang yêu cầu phải có một lượng vốn rất lớn.

- Chính sách đầu tư vốn cần tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực, những ngành, những khâu có khả năng huy động được nhiều sức lao động, làm ra được nhiều sản phẩm và sản phẩm hàng hoá đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó tạo điều kiện cho nguồn vốn trong nông nghiệp, nông thôn ngày càng tăng trưởng.

- Cần có sự thay đổi trong chính sách đầu tư vốn theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư qua ngân sách trong tổng nguồn vốn đầu tư qua ngân sách cho các ngành, thực hiện các hình thức đầu tư đa dạng, phong phú, nâng cao hiệu quả của sử dụng vốn đầu tư.

* Chính sách thuế

Ruộng đất là tài sản quý giá, là tư liệu sản xuất chủ yếu đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn. Nó thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước thay mặt toàn dân thực hiền quyền sở hữu đó. Vì vậy cả Nhà nước và những người sử dụng đất đều phải có nghĩa vụ đối với việc sử dụng ruộng đất thông qua việc đóng thuế sử dụng đất.

Chính sách thuế cho phép việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngoài ra nó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc điều tiết lợi ích giữa các thành phần kinh tế, thực hiện công bằng xã hội ở nông thôn. Trong chính sách thuế sử dụng ruộng đất, vấn đề đặt ra là phải xác định mức thuế và hình thức thu thuế sao cho hợp lý. Về mặt nguyên tắc, bất cứ ai sử dụng đất đều phải đóng thuế. Bởi vì, thuế sử dụng ruộng đất là loại thuế đặt ra nhằm mục đích thu một phần lợi nhuận của người sử dụng ruộng đất. Đây là vấn đề phức tạp nhưng rõ ràng, mức thuế phải được phân biệt theo chất lượng ruộng đất và mục đích sử dụng.

Cần tính toán mức thuế để người sử dụng ruộng đất trong điều kiện bình thường còn có phần lãi để không chỉ tái sản xuất giản đơn mà còn thực hiện tái sản xuất mở rộng, thực hiện động viên hợp lý với những người sử dụng ruộng đất có hiệu quả, ưu tiên những vùng sản xuất khó khăn, trình độ thâm canh thấp. Cùng với đó là việc thu thuế phải có được các hình thức thu thuế và thời hạn thu thuế thật linh hoạt .

Chính sách thuế cần phải đặt trong mối quan hệ và phù hợp với các chính sách xã hội ở nông thôn.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế nông thôn ở Nam Định thực trạng và giải pháp (Trang 35)