Nghề nông trồng lúa nƣớc – nghề chính của nhân dân Vĩnh Hào

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 48)

8. Kết cấu của đề tài

2.1. Nghề nông trồng lúa nƣớc – nghề chính của nhân dân Vĩnh Hào

Cư dân các làng xã ở Nam Định nói chung và cư dân các làng xã miền hạ huyện Vụ Bản nói riêng đến đây sinh sống khá sớm, đời Vua Hùng dựng nước cách đây ít nhất hơn hai nghìn năm. Lịch sử làng Vĩnh Lại ghi rõ trước đời Tây Hán (206 TCN -3 SCN) tức là ngang với đời Hùng Vương ở nước ta, 5 họ Đoàn, Phạm, Vũ, Nguyễn, Trần đã từ vùng Tượng Lâm (núi Voi) ở Đông Triều – Yên Tử (nay thuộc vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) di cư về đây sinh sống, lập ra làng Cổ Sư, sau đổi là trang Vĩnh Phúc, rồi Vĩnh Lại, khi tế lễ thành hoàng làng, thường trong văn tế có khấn thỉnh “Ngũ gia tiên tổ Đoàn Phạm Vũ Nguyễn Trần”. Làng Hồ có “Tứ tộc gia tiên”. Làng Đại có “Thập nhị gia tiên” (12 dòng họ). Làng Tiên cũng có “Ngũ gia tiên tổ” [23, tr.29]. Đây là những dòng họ đầu tiên từ miền trung du miền núi các nơi ở Bắc Bộ dời cư xuống đây để lấn biển, cải tạo đầm lầy biến thành đồng ruộng để cầy cấy. Lúc đầu, họ có thể sống trên các gò đống cồn cát, bãi cát cao như Trại Sặt, cồn Dâu gò Đại (núi Khôi) mưỡu Cây Si, Cây Sến, Mưỡu Tiên ven những bờ lạch, ngòi nước. Trong buổi ban đầu họ từ miền trung du miền núi xuống ven chân núi đất phía Tây huyện Vụ Bản khai phá ruộng đất để cày cấy. Khi có lũ lụt lớn, họ phải lùi về những hanh động ven chân các núi đất hoặc vẫn còn khai thác sản vật của núi rừng mưỡu cây xung quanh, nên họ vẫn thờ thần Núi như Sơn Tinh công chúa, Tam vị Sơn thần đại vương hoặc thờ các tù trưởng bộ lạc, bản làng cũ như Quan Lang, nhưng cũng bắt đầu thờ các thần biển (như Đông Hải Quốc Mẫu), thờ thần nước (thần giếng nghè ở Đại Lại)...

Với thời tiết, khí hậu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa ở đồng bằng phía Nam châu thổ sông Hồng, điều kiện địa hình chủ yếu nằm ở vùng trũng “tứ thủy hồi triều” (bốn dòng nước đổ về), nên cư dân các làng này sớm trồng lúa nước, lấy nghề nông trồng lúa nước là chính. Nhiều biểu hiện phồn thực trong nghi lễ của các làng Vĩnh Hào xưa, lấy mẹ lúa làm tiêu biểu, đồng thời lễ vật tế thần đều là sản phẩm nông nghiệp. Như tục làm cồng chào, nhà trạm, cây nêu, cột cờ của các làng, nhất là làng Si thường dựng bằng cây tre, cây luồng, bện rơm quấn ngoài, theo các nhà nghiên cứu là tượng trưng cho mẹ lúa ấp ủ đàn con sinh trưởng nhanh như cây tre,

50

cây luồng. Đến tục lễ hạ điền, thượng điền, lễ thần nông đều cầu mong cho mùa màng tươi tốt. Lễ vật tế thần đều là những sản phẩm nông nghiệp như xôi, bánh dầy, bánh chưng, gà, cá, lợn, trâu.

Ở các làng xã này, ruộng đất công khá nhiều, chứng tỏ tính cộng đồng của cư dân khai phá chung các cánh đồng, rồi đua nhau cày cấy. Ruộng tư cũng có, theo kiểu “công tư điền gián” (ruộng công ruộng tư xen kẽ nhau). Sau này theo chế độ phong kiến, ruộng đất công được coi quyền sở hữu của Nhà nước, thường là 6 năm chia lại 1 lần cho dân. Nhưng thực chất vẫn do làng quản lý, làng cần tu bổ đường sá, đền chùa, giếng nước... ngoài việc bán các chức nhiêu xã còn bán đất công biến thành tư điền. Qua hàng ngàn năm khai phá làng Hồ Sen, vào thế kỷ XVII đã kiến tạo được 380 mẫu lúa công điềnn và 100 mẫu lúa tư điền. Làng Tiên Hào có 193 mẫu lúa thì ruộng công chiếm tới 80%, không có ai có tới 5 sào ruộng tư. Địa chủ có tới 5 -7 mẫu cũng chỉ là ruộng công được cầm cố mà thôi. Chế độ ruộng công được tồn tại lâu dài và sâu sắc, thể thức chia ruộng công thể hiện tính cộng đồng làng xã cao. Đặc biệt, các làng xã trong việc chia ruộng đất công có quan tâm đến dân nghèo, người quan qủa, cô đơn, già lão. Khi chia ruộng, theo từng hạng, các vị chức sắc trong làng thường được nhận trước trong hạng ruộng đó. Chỉ chia cho nam giới từ 18 – 59 tuổi. Khi bước sang tuổi 60 đã khao lão thì mỗi người vẫn được một sào ruộng công, gọi là ruộng dưỡng lão, đàn bà già cô đơn hoặc chồng chết phải nuôi con mọn cũng được chia ruộng cho đến khi con khôn lớn. Ruộng công được chia trong kỳ hạn 5 – 6 năm, nếu gia đình có biến động vẫn để nguyên cho đến hết kỳ hạn, khi chia lại cho cả làng mới thay đổi.

Chế độ ruộng đất cũng đã làm cho sự phân hóa giàu nghèo không sâu sắc, tính tự cấp tự túc cao, người dân gắn bó chặt chẽ với cộng đồng làng xã. Tuy nhiên, chế độ ruộng đất công không khuyến khích sản xuất, dân cho rằng “đồng lần, ruột lượt”, năm sáu năm sau đã phải trả lại ruộng chia lại nên không bỏ công sức cải tạo đất. Điểm nổi bật là ruộng thần từ phật tự, ruộng phe giáp, ruộng họ, ruộng nhà chung chiếm tới 20% diện tích.

Là vùng chiêm trũng, đồng đất được hình thành qua quá trình quai đê lấn biển nên đời sống chính của cư dân trong vùng là nghề nông trồng lúa nước. Các tín ngưỡng nguyên sơ còn lưu giữ đến ngày nay như thờ Bản thổ Thành hoàng ở làng

51

Tiên, thờ thần biển Đông Hải quốc mẫu, thờ thần núi, thần mưỡu: Sơn tinh công chúa. Ở làng Cựu Hào thờ Sơn thần đại vương. Tín ngưỡng phồn thực gắn liền với nghề nông trồng lúa được thể hiện qua trò diễn: bện rơm quanh cây tre tượng trưng cho mẹ lúa ôm ấp, che chở sự sinh sôi nảy nở, tục tế xuân ngưu (trâu đất) ở làng Hồ, làng Si và các lễ vật tế thần đều là xôi, gà, cá, bánh chưng... đã khẳng định điều đó.

Toàn bộ đất đai tự nhiên của 5 làng có 624,7ha, trong đó đất canh tác có 500ha chuyên trồng lúa, phần còn lại là các cồn, gò và một ít đất đồng cao. Vì thế một năm chỉ có một vụ chiêm và một vụ mùa. Vụ chiêm ruộng được cày từ tháng 6. Lúc này nước đồng đã dâng cao, người thợ cày phải dầm mình phải dầm mình trong nước đến thắt lưng nên phải ày mò và phải cắm vè để định hướng cho đường cày.

Mạ chiêm thường được gieo vào tháng 10 âm lịch. Để có thể chung sống được với nước người ta sẽ chọn những giống lúa cứng cây, cây cao như rự, ré, tám, di hương, lúa nếp, lúa cút, nhưng những giống lúa này có nhược điểm là thời gian sinh trưởng dài (từ lúc cấy đến lúc thu hoạch phải mất 4 tháng). Khi mạ đủ tuổi, cây cứng rẻ đanh thì bắt đầu nhổ, buộc thành từng đóm rồi mang đi cấy. Việc cấy chiêm trước đây thường hoàn thành vào trước Tết âm lịch. Những năm rét đậm kéo dài, lúa cấy bị chết, có khi phải cấy lại hoặc giặm đi giặm lại từ 2 – 3 lần. Tháng 2 cây lúa đã bén chân thì dân làng bón phân rồi làm cỏ bằng chiếc bồ cào nhỏ (răng bằng tre hoặc sắt có cán dài, diệt hết cỏ, làm đứt rễ cây già cho cây lúa sinh thêm rễ mới tiếp nhận nguồn thức ăn để phát triển. Tháng 3 trời ấm nắng, gặp mưa rào sấm sét, cây lúa đã cứng cáp, lại được tiếp thêm chất đạm thiên nhiên nên phát triển nhanh. Đây là thời kỳ đẹp nhất của cây lúa.

Tháng 5 là mùa thu hoạch lúa chiêm. Khi lúa được gặt về, những nhà khá giả có sân gạch, hoặc những nhà ở gần sân đình dải ra, dùng đá lăn cho lúa rụng. Hòn đá lăn hình trụ thon về hai đầu, dài chừng 60-70cm, đường kính khoảng 15-20 cm có đục lỗ ở hai đầu để cắm tai, mắc gông. Mỗi viên đá lăn thường có một người kéo và một người đẩy, hai người dùng nạng tre có ngạnh mắc vào thanh tre đóng ngang ở gông đá để đẩy. Khi thấy nhẹ chân tức là lúc hạt đã rụng nhiều, người ta dùng nạng (một cây tre nhỏ dài chừng 2m, vừa tay cầm, phần gốc hơi cong chẻ đôi van vát rồi nống ra chừng 15cm) để lật lúa rồi lại kéo cho đến khi hạt rụng hết. Sau cùng, dùng nạng gẩy, tay rũ để tách rơm ra khỏi lúa. Nhà không có sân gạch thì dùng con

52

néo kẹp chặt từng gồi lúa đập trên cối đá lớn thủng đáy (cối đá lỗ), đập ngang, đập ngược nhiều lần cho lúa rụng hết. Công việc nhà nông trăm nỗi nhọc nhằn, lại phụ thuộc vào thiên nhiên nên phải lo toan quanh năm, chỉ khi nào “hạt thóc lên quây, cái rơm lên đống, lòng này mới đỡ lo”.

Hết vụ chiêm lại đến vụ mùa. Vụ mùa là mùa nước to nên chỉ cấy được ở đồng cao, gọi là ruộng cạn, diện tích cấy mùa chính vụ chỉ chiếm 1/10, còn phần nhiều là cấy cưỡng. Ở vùng vùng “chưa nắng đã khô chưa mưa đã lụt” này bà con đã phải hơp sức, “chung lưng đấu cật” để làm hệ thống thủy lợi để đưa nước lên ruộng mỗi vụ “chiêm khê” và chống úng mỗi vụ “mùa thối”. Qua những hoạt động này, tinh thần đoàn kết của bà con lại càng được đẩy lên cao hơn.

Cả 5 làng trong vùng này đều không có đồng màu. Mỗi làng chỉ có một ít cồn, gò cao, bà con đã tận dụng để trồng cà, khoai lang và trồng vừng... dùng làm rau và thức ăn những ngày giáp vụ.

Dưới chế độ phong kiến và thời Pháp thuộc, hệ thống tưới tiêu, ruộng đồng không được cải tạo nên năng suất lúa rất thấp, chỉ khoảng 50 – 60kg/ sào, chân ruộng nào tốt lắm cũng chỉ được 60 – 70 kg/sào. Vì thế, người dân nơi đây phải rất tiết kiệm mới qua được ngày giáp hạt. Và cũng từ khó khăn này mà nhân dân địa phương đã biết học tập một số ngành nghề thủ công để tận dụng khoảng thời gian nông nhàn, kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống của chính mình.

Như vậy, nghề nông trồng lúa là nghề chính của vùng đất này, tuy nhiên với bản tính cần cù, ham học, người dân vùng trũng này đã tìm cách thoát khỏi nghèo khó bằng việc học tập và đã có nhiều người đỗ đạt. Ngoài ra họ còn tìm đến những nghề thủ công cổ truyền để tận dụng khoảng thời gian nông nhàn và tăng thu nhập, mang lại những đặc trưng rất riêng cho vùng đất này.

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 48)