Nghề buôn bán

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 59)

8. Kết cấu của đề tài

2.2.3. Nghề buôn bán

Các thời kỳ trước kinh tế hàng hóa, thương nghiệp địa phương phát triển chậm, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, tuy nhiên, vẫn có nhu cầu trao đổi, nên các chợ trong các làng xã trong khu vực này cũng xuất hiện sớm.

61

Theo thư tịch cổ, tại xã Vĩnh Hào vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII đã có chợ Đại và chợ Si khá phồn thịnh trên bến dưới thuyền, hàng quán sầm uất. Dựa theo bài thơ của Tiến sĩ Phạm Đình Kính thì nghề buôn ở xã Vĩnh Hào có sớm hơn:

Lý Mạt Trần sơ thương khách chí Tri an thủy quyết lập gia cư

Dương, Lê, Đoàn, Nguyễn lâm biên trụ Trần Phạm Bùi Hoàng thủy thượng du (Cuối Lý đầu Trần khách đến buôn Thấy đây yên ổn định cư luôn

Dương, Lê, Đoàn, Nguyễn bên rừng miễu Trần, Phạm, Bùi, Hoàng sống ven sông)

Như vậy, đời Lý, Trần, nghề buôn ở làng Vĩnh Lại đã phát triển, lái buôn các nơi đến buôn bán và định cư luôn ở Giáp Tư làng Si. Có khả năng chợ Si cũng ra đời từ đó, đến thế kỷ XVII-XVIII, nhờ nghề cót, nghề đan lát, nghề mộc các làng phát triển và được mở mang thêm. Làng Hồ Sen do nhu cầu bán các hàng thủ công mà cũng lập chợ Hồ. Ngày nay, chợ Đại và chợ Hồ không còn nữa nhưng chợ Si phát triển mạnh kết hợp với xu hướng đô thị hóa, chợ Si trở thành một thị tứ sầm uất, tập trung nhiều cửa hàng thương mại, dịch vụ. Chợ Si trước có đình chợ to làm bằng lim, hàng tấm, hàng tạp hóa và hiệu cắt tóc được ở trong đình. Ngoài ra có nhiều dãy quán, lều bán hàng. Chợ Si họp một tháng 6 phiên (ngày 5 và ngày 9), nhưng trong thực tế, hầu như ngày nào cũng có họp chợ phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Các phiên chính thường có bán những “ đặc sản” ở địa phương và thường họp chợ đến trưa mới tan, hàng hóa, kẻ mua người bán cũng đông hơn ngày thường. Ở chợ Si phiên chính bán nhiều sản phẩm mà nơi khác không có nhiều, như rễ chay, gối mây, nong nia và rất nhều cót các loại to và nhỏ. Khách buôn đến đây thường mua sỉ các mặt hàng để về bán ở các chợ khác. Họ có thể đi bằng thuyền để tiện chở được nhiều hàng, hoặc tự gánh hay thuê người gánh sau khi mua được hàng. Ngay cá cua tôm ốc cũng nhiều hơn chợ khác và giá rẻ hơn, nên người mua cũng thường thu mua về bán ở các chợ khác. Để khách các làng đi lại thuận lợi, cụ nghè Kính còn cho bắc cầu đá đi qua sông Vĩnh, nối làng Đại, làng Đế, làng Bái với làng Si làng Tiên, do đó, việc giao lưu chợ búa, chuyên chở hàng hóa thuận lợi. Chợ Si đã

62

đi vào văn học, người dân Vĩnh Hào còn truyền tụng bài thơ chữ Hán nói về tầm quan trọng của chợ Si (chợ Vĩnh) và sông Vĩnh Giang. Điều đó đã tỏ rõ lòng biết ơn cụ thượng Si của nhân dân trong làng xã. Nguyên văn bài thơ như sau:

Bất hữu Vĩnh thị Thương hà dĩ lợi Bất hưu Vĩnh giang Nông hà dĩ trì Vĩnh thị Vĩnh giang Công đức vĩnh trường Dân đại kỳ lợi

Hậu thế bất vong. (Không có chợ Vĩnh Nghề buôn không thông Không có sông Vĩnh Không tiện ruộng đồng Chợ Vĩnh, sông Vĩnh Công đức vững bền Dân được hưởng lợi Đời đời không quên).

Sách “Nam Định dư địa chí” của Nguyễn Ôn Ngọc ghi có 11 chợ ở huyện Vụ Bản, xếp thành 5 loại, thì chợ Si thuộc loại thứ 5 trong tỉnh. Ngoài ra Tiến sĩ Phạm Đình Kính đầu thế kỷ XVII còn mở thêm chợ Gôi (được xếp vào loại 1 của tỉnh Nam Định). Bến Cầu Chuối (thuộc Tổ Cầu – Liên Bảo) xưa là nơi thuyền chở cót làng Si tập trung hàng hóa đem bán ở các chợ khác hoặc chở về Nam Định.

Do có chợ Si, đi lại bằng đường sông thuận tiện, nghề thủ công tạo ra hàng hóa, dù là hàng hóa đơn giản, nhưng đều là những dụng cụ cần thiết phục vụ cho đời sống và sản xuất, nên các làng xã Vĩnh Hào đều sớm xuất hiện một số thương nhân thường đưa tiền trước, hoặc đưa nguyên liệu gia công cho các làng làm hàng rồi thu gom lại, chở đi bán nơi khác như cót, gối mây hay mua hàng các nơi khác về bán, thậm chí góp vốn buôn chung, dưới dạng buôn bán chung kiểu phường hội. Ở làng Si có phường Sắc chỉ góp vốn mua tranh tết, tranh vẽ ở Đông Hồ về bán, hay

63

lái buôn các làng Cựu Hào, làng Hồ lập công ty Ích Hưng đầu thế kỷ XX thu mua nón bán ở chợ Kiểu (Thanh Hóa). Làng Si còn phường bè, tổ chức góp vốn mua nứa đóng bè về gia công cho dân làng làm cót, thu mua hàng đem bán.

Nhìn chung, hàng mấy ngàn năm qua từ đời vua Hùng dựng nước, các trang ấp ở Vĩnh Hào đã được thành lập, cư dân đã về đây sinh sống ngày càng đông. Họ quai đê lấn biển lập trang điền, tạo nên vùng dân cư nông nghiệp sầm uất. Nhưng do trình độ sản xuất còn thấp kém, dân cư chưa đông, nền kinh tế cá thể phát triển, nên chưa đủ sức làm những công trình thủy lợi lớn, nông nghiệp còn gặp khó khăn, lũ lụt thường xuyên ở vùng đồng chiêm trũng, đời sống nhân dân thiếu thốn nhiều. Tuy nhiên, nhân dân các làng xã Vĩnh Hào xưa nay không cam chịu phận nghèo khó, luôn có tinh thần “quật cường”, đã tìm lối thoát bằng cách phát triển các nghề thủ công, nghề phụ trong gia đình, bằng các hình thức giao lưu buôn bán, quan tâm đến giáo dục và nghề làm thuốc góp phần nâng cao đời sống, cả về vật chất và tinh thần của nhân dân.

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 59)