Tín ngưỡng thờ Thành hoàng

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 103)

8. Kết cấu của đề tài

4.2.2.Tín ngưỡng thờ Thành hoàng

Làng nào trong xã cũng có đình, đền thờ Thành hoàng, đó là thần phù hộ cho làng, còn gọi là thần bản mệnh. Những vị thần thường là những người có công giúp vua đánh giặc cứu nước và giúp dân làng làm ăn sinh sống, khi chết thì linh ứng, dân làng cầu gì được nấy, được các triều đại Lê, Nguyễn phong là thần. Ngoài những vị được phong thần và tôn làm Thành Hoàng như trên, ở các làng còn thờ những vị Thành hoàng là những người có công khai phá lập làng và tổ sư các nghề.

105

Làng Cựu Hào thờ Lôi công đại vương Thượng đẳng phúc thần, sinh thời đã có công giúp Lý Bôn đánh thắng quân Lương lập nước Vạn Xuân và sau này còn hiển thánh giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.

Làng Hồ Sen thờ Cao Mang Tướng quân, có công giúp vua Lý đánh tan giặc Đà La ở Châu Hoan, Châu Diễn, giữ yên bờ cõi phương Nam, giúp dân khai phá đất đai lập trang Hồ Liễn (sau đổi thành làng Hồ Liên – Hồ Sen).

Làng Vĩnh Lại thờ hai vị thần: Bạch Đẳng và Cao Lôi là hai anh em kết nghĩa đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh tan giặc Tô Định. Đất nước thanh bình, hai ông được cấp thực ấp ở Thiên Bản, lập dinh sở ở làng Vĩnh Lại và giúp dân làng cày cấy. Hai ông mất, dân làng tôn Bạch Đẳng, Cao Lôi là Đức thánh Cả, Đức thánh Hai và lập đền thờ. Các triều đại phong kiến Lê – Nguyễn đã sắc phong hai ông là Thượng Đẳng Thần.

Làng Đại Lại thờ Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng - một võ quan đời Lý, quê ở Hải Dương, phò Lý Huệ Tông, sau bị Nguyễn Nộn đánh bại. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ. Sau này người dân làng Đại xin chân hương từ Hải Dương về thờ ở đền làng. Ông được gia phong Thượng đẳng thần (hiện còn 5 sắc phong triều Nguyễn).

Các vị thần được thờ ở đền làng thường hiện diện trong tâm linh dân chúng. Trong những ngày tế lễ, hội làng, nhân dân đều cầu mong các vị thần linh ứng bảo hộ, phù trợ cho dân làng.

Các vị Thành hoàng trong các làng đều là những nhân vật lịch sử có thật, nhưng tiểu sử của các vị được ghi trong thần phả đều pha thêm nhiều nét huyền thoại, làm cho các vị vừa gần gũi với dân chúng lại vừa có những nét huyền diệu khác với phàm trần, thỏa mãn được yêu cầu tâm linh và ước vọng của quần chúng.

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 103)