Tín ngưỡng Thiên chúa giáo dòng Tên (Jesuste)

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 110)

8. Kết cấu của đề tài

4.2.7.Tín ngưỡng Thiên chúa giáo dòng Tên (Jesuste)

Đạo Thiên chúa vào đất Vụ Bản khoảng thế kỷ thứ XVIII, lập xứ đạo Kẻ Báng, gồm cả họ giáo Si, Đại và Tiên. Cả ba làng này đều có giáo dân từ thế kỷ XVIII. Vào đời Nguyễn Gia Long đã có ông Vũ Đình Liêm ở làng Tiên Hào làm linh mục. Giữa thế kỷ XIX, Đạo Thiên chúa khá phát triển, cả ba làng đều có nhà thờ và tách thành xứ đạo kẻ Đại. Tính đến nay, làng Tiên Hào đã có 11 người làm linh mục. Số giáo dân ba họ Tiên, Si, Đại thuộc xứ Kẻ Đại có 1450 người, chiếm

112

40% dân số của ba làng, chiếm 26% dân số toàn xã Vĩnh Hào. Về tổ chức tôn giáo, xứ Kẻ Đại cai quản các phiên: phiên nhất: Đại Lại, phiên nhì: Tiên và Si, phiên ba: Làng Vó (Ý Yên), phiên tư: Trực Mỹ (Ý Yên). Nay, xứ đạo Đại Lại chỉ còn các họ đạo Đại, Si và Tiên, ngoài ra còn có Lạc Thiện là họ lẻ cũng thuộc xứ Đại Lại. Nhà thờ Đại Lại làm năm 1898. Nhà thờ có kiến trúc như kiểu đình làng, lòng rộng 14 mét, một vì kèo có tới 6 cột, nhà thờ có 10 gian, chiều dài nhà thờ 30m. Các cột đều có trụ đá. Năm 1934 mới xây tháp cao 25 mét. Năm 1953, nhà thờ bị thực dân Pháp ném bom phá hủy. Năm 1959, nhà thờ được lập lại lòng 8 mét. Năm 2002, sửa lại làm to rộng hơn, lòng 15 mét, dài 32 mét. Các họ lẻ ở Đại cũng có nhà thờ (nhà thờ Giáp nhất làm tháp, năm 1929 bị bom phá rạn nứt, nhà thờ Giáp nhì bị Pháp ném bom phá hủy hoàn toàn, nay mới sửa lại). Nhà thờ Kẻ Tiên làm năm 1900 (Canh Tý) theo kiểu kiến trúc đình làng, có 6 hàng cột lim. Tháp cao 20 mét, làm năm 1946. Năm 1953, thực dân Pháp ném bom làm hư hỏng nhiều, nay mới sửa chữa lại. Nhà thờ có hồ bán nguyệt rất đẹp mắt, sạch sẽ, dân vẫn dùng nước hồ làm nước ăn. Năm 2000, nhà thờ Tiên vừa tròn một trăm tuổi, được Bộ văn hóa thông tin công nhận. Nhà thờ Si có từ cuối thế kỷ XIX, trước quay về phía Tây theo kiểu kiến trúc đình đời Nguyễn, chủ yếu làm bằng gỗ. Năm 1920, linh mục Tuấn, chánh xứ Đại Lại chủ trì xây dựng nhà thờ mới, tháp gồm 5 tầng, cao 27 mét, kể cả thánh giá cao tới 30 mét. Nhà thờ cao tính tới nóc là 13 mét. Năm 1953 bị bom và đại bác của Pháp bắn nên hư hỏng nhiều. Trong trận bão năm 1986, nhà thờ bị đổ, năm 1989 tu sửa lại như ngày nay. Họ đạo Kẻ Si năm 1945 có tới 800 giáo dân, cùng phiên với Tiên Hào, nhưng chia làm hai phái Thượng Vạn và Hạ Vạn. Đa số nhân dân làm nghề cất vó bè, cắm đăng, buôn bè, chở bè và làm cót. Năm 1945, nạn đói làm chết nhiều người. Năm 1954, số giáo dân bị địch cưỡng ép di cư vào Nam cũng rất đông. Đến nay, họ đạo Kẻ Si có 35 gia đình với 101 nhân khẩu. Nhà thờ có kiệu bát cống hai tầng chạm lộng, bốn đao đầu phượng, chạm hoa điểu, rồng cách điệu rất đẹp. Năm Tự Đức thứ 15 (1862), giáo sứ Kẻ Đại, kể cả hai phiên Đại, Si, Tiên bị triều đình phong kiến giết hại nhiều giáo dân, nên đều dựng bia “tử vì đạo”.

Nhà thờ Thiên Chúa giáo còn là nơi diễn ra các lễ hội và mọi sinh hoạt tôn giáo của giáo dân. Đối với mỗi cá nhân, nghi lễ công giáo liên quan, gắn bó và chi

113

phối suốt cuộc đời họ thông qua việc thực hiện các phép rửa tội, xưng tội, chịu lễ lần đầu, lễ hôn phối, phép xác, đọc kinh sớm tối...

Đối với cộng đồng giáo dân trong một năm thì tuần nào, tháng nào cũng có lễ. Ví như ngày chủ nhật hàng tuần, giáo dân nghỉ phần xác đến nhà thờ tham dự Thánh lễ để chăm lo việc linh hồn. Các hoạt động Thánh lễ khác trong năm được quy vào 3 mùa: mùa chay, mùa thường niên và mùa vọng. Trong rất nhiều ngày lễ đó có 6 ngày “lễ trọng” hay “lễ buộc”, giáo dân nhất thiết phải nghỉ phần xác để tham dự, đó là:

- Lễ sinh nhật chúa Giê su ngày 25 tháng 12

- Lễ phục sinh, kỷ niệm chúa Giê su sống lại (vào một ngày của tháng tư). - Lễ chúa Giê su lên trời, tổ chức sau lễ phục sinh 40 ngày.

- Lễ Chúa thánh thần hiện xuống, sau lễ Chúa Giê su lên trời 10 ngày. - Lễ Đức bà Maria hồn và xác lên trời vào ngày 15 tháng 8.

- Lễ cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục vào ngày 2 tháng 11 (sau ngày lễ các thánh).

Đặc biệt có hai ngày lễ tuy không được coi là lễ trọng nhưng là hội lớn, đó là “Lễ thánh Quan Thầy” xứ đạo là vị Thánh coi sóc bản mệnh các tín đồ trong xứ, giống như Thành hoàng làng bên lương, và “Lễ cầu mùa”, cầu bình yên, tức là xin Chúa ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu giống như lễ hạ điền bên lương. Qua đó, chúng ta có thể thấy sự “thích nghi” về mặt văn hóa của công giáo với đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt.

Các Thánh lễ công giáo thường diễn ra theo trình tự: Ca nhập lễ, tưởng niệm, lời nguyện ca kết lễ và cuối cùng là chúc bình yên. Một số Thánh lễ có sự kết hợp giữa lễ và hội như rước kiệu, múa hát dâng hoa đức Mẹ, diễn kịch, diễn lại các Thánh tích... Đó là nét đẹp văn hóa trong lễ hội công giáo, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của làng xã.

Ngày nay, xứ đạo Đại Lại gồm có các họ đạo Đại Lại, Tiên Hào, Vĩnh Lại và Lạc Thiện. Số giáo dân của xã Vĩnh Hào là 1450 người, chiếm 26% dân số, cùng chung sống với đồng bào bên lương, đoàn kết xây dựng các làng văn hóa, đẩy mạnh công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn” mà Đảng và Nhà nước đề ra.

114

Nhìn chung, các làng xã Vĩnh Hào có khá đầy đủ các tôn giáo tiêu biểu của khu vực đồng bằng Bắc bộ và phát triển khá thịnh vượng từ thời Lê Trung Hưng. Trên nền của tín ngưỡng nguyên thủy bản địa như thờ cúng tổ tiên, thờ trời đất, thờ núi, thờ sông..., nhân dân đã tiếp nhận các tôn giáo ngoại nhập như đạo Lão, đạo Phật, đạo Nho và làm phong phú thêm đời sống tình cảm, đời sống tâm linh, tăng thêm niềm tin và sức mạnh để khai phá và phát triển làng xã. Do tính “cộng đồng” ấy mà các tôn giáo này không những không có sự xung khắc mà còn hòa vào nhau, đan xen, nương tựa nhau để cùng tồn tại. Đến khi đạo Thiên chúa truyền vào, giáo lý và nghi lễ bài bản hơn, tổ chức giáo hội chặt chẽ hơn. Thiên chúa giáo không đồng nhận các tôn giáo khác nhưng cũng không có sự xung đột. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, sự tranh chấp, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tôn giáo là điều không tránh khỏi, nhưng hiện tượng đó không gây mâu thuẫn sâu sắc, không làm phương hại đến tình làng nghĩa xóm, bởi vì dù lương hay giáo, người dân nơi đây cũng đều thuộc một dòng tộc, chung một tổ tiên. Từ năm 1975 đến nay, sinh hoạt họ hàng, lễ tết... ở các làng Tiên, Si, Đại đều chung cả lương lẫn giáo, tình thân thiết ngày càng sâu đậm.

Tôn giáo, tín ngưỡng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người. Những dịp hội hè, những ngày tuần tiết, sinh hoạt tôn giáo tạo nên không khí sôi nổi, đầm ấm, một cảnh quan sầm uất, nào nhiệt của một vùng quê vốn quanh năm yên bình tĩnh lặng sau lũy tre làng.

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 110)