8. Kết cấu của đề tài
4.3.3. Lễ tiết riêng ở một số làng
- Làng Hồ Sen, sau ngày lễ kỳ phúc, dân làng còn tế lễ ở đền thờ Cao Mang. Theo thần phả thì ông có công lập ra làng, dạy dân cày cấy và làm nghề đan lát, lại có công giúp vua nhà Lý đánh tan giặc xâm phạm vùng đất Châu Hoan. Về lễ nghi có tục làm “Nhự mao huyết”, lấy một túm lông đuôi trâu trộn với tiết lợn rồi đem chôn ở cồn Cửu miễu. Ngoài ra còn có lễ sa mao. Trước khi tế đặt trước bàn thờ một bó cỏ bái cắt ngắn, xếp gọn. Tế xong lấy một chén rượu đổ vào, khấn nguyện trời đất, thể hiện sự ngưỡng vọng đối với cả cha và mẹ của vị thần. Tế xong, lộc thánh được chia đều theo suất đinh từ 18 tuổi trở lên chứ không phân theo ngôi thứ.
Ngày 10 tháng 10 còn có lễ Đông thiên hóa nhật. Đây là ngày giỗ của thần Cao Mang. Ngày này có tục nặn trâu đất làm lễ vật tế thần. Tế xong, chọn trâu đất ở gò chôn Nhự mạo huyết.
- Làng Cựu Hào vào rằm tháng 11 làm lễ hậu chùa, cúng tất cả những người góp hậu nên gọi là hậu cớn. Lễ vật là oản và chuối. Lễ xong phát lộc cho mọi người dự lễ.
120
- Làng Si vào ngày lễ Thượng điền và Hạ điền, ngoài tế thần nông thì phường bè còn lập bàn thờ ông tổ nghề cót trên hòm đồ trong đình làng. Ngoài xôi, gà, các giáp còn có thêm mâm gỏi cúng ông Nguyễn Công Trừ, Đoàn Phúc Lành, Trần Ngọc Lâm đã có công dạy dân làm nghề đan cót.
- Vào tháng 8 làng Tiên Hào có hội đánh chuột trừ hại. Trai làng từ 18 tuổi trở lên ít nhất phải góp 30 đuôi chuột, nếu ai bắt được nhiều chuột hoặc rắn độc thì làng có thưởng. Tháng 8 nước dâng to, rắn, chuột dồn về các gò đống và vườn làng nên dễ đánh bắt để bảo vệ mùa màng. Tiếng trống, tiếng reo hò tạo nên không khí náo nhiệt cho cả làng.
- Trong các ngày lễ hội ở các làng, lễ vật tế thần thánh chủ yếu là xôi gà, bánh trái, trầu rượu về sau có thêm lợn hoặc trâu, nhưng lại tùy phong tục từng làng mà lễ vật có thêm những đặc sắc riêng.
- Ở Làng Hồ, ngày lễ kỳ phúc mỗi giáp đều sắm lễ vật rước ra đền gồm một “cây xôi”, một con lợn gần 30 kg và hai thúng gạo nếp. “Cây xôi” gọi là “xôi cả” của mỗi giáp phải dùng 20 thúng gạo nếp, hông nhiều nồi liên tục rồi rỡ ra đơm vào mâm. Sau đó, tám người khỏe mạnh khiêng mâm xôi ra đền. Dân trong vùng có câu “Bánh Gôi, xôi Hồ” là vì vậy. Tế xong, hai thúng gạo sống để lại chia cho các quan viên hành lễ và ban tổ chức, còn xôi và thịt lợn thì giáp mang về chia đều cho mọi gia đình (mỗi giáp có 4 sào ruộng thần từ dùng để cày cấy tạo điều kiện sắm những lễ vật này).
- Với làng Si, lễ vật tế thần độc đáo nhất là chiếc bánh chưng lồng. Người sửa lễ phải đan lồng bằng nứa vuông vắn, mỗi bên 30cm, cao 25cm, lót lá vào nồi đổ gạo nếp, đỗ, thịt, hành, gia vị theo từng lớp, sau đó gói lại, buộc chặt, đặt vào nồi ba mươi đun liền hai ngày hai đêm bánh mới chín. Trong lễ khánh hạ, mâm cỗ của làng Si có thêm các món cổ truyền như giò, ninh, mọc và hai món đặc sắc là nộm chua và nem lá. Nem lá hay còn gọi là bát cuốn, mỗi bát có 20 cái nem lá, lấy đường, mỡ gà, vừng, mẻ, mắm tôm chưng lệt sệt làm nhân đặt vào lá rau diếp đã được tuốt bỏ cuống và sống lá cuốn lại, sau đó dùng trứng tráng thật mỏng cuốn bên ngoài rồi lấy lá hành buộc lại, xếp vào bát. Theo các cụ truyền lại, việc ăn nộm chua và nem lá trong ngày lễ thánh là để tưởng nhớ ngày lễ ra quân của dân làng theo Bạch Đẳng – Cao Lôi đi đánh giặc Tô Định.
121
Nói chung, lễ tiết trong năm ở các làng xã thuộc vùng chiêm trũng này vẫn mang những nét chung như các lễ tết của cư dân vùng Thiên Bản và cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Lễ vật tế thần, thánh chủ yếu là xôi, gà, cá, là những sản phẩm phổ biến của cư dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh lịch sử - kinh tế - dân cư khác nhau mà mỗi làng lại có những sắc thái riêng. Điều này góp phần làm phong phú, đa dạng thêm và cũng tạo nên sự thống nhất về đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.