8. Kết cấu của đề tài
4.4.2 Tuổi trường thành:
Đầu tiên là lễ vào làng: Lễ trưởng thành còn gọi là lễ “cắt cột”. Con trai đến 18 tuổi phải sắm lễ vật gồm trầu, rượu, mâm xôi ( thổi bằng 5 đấu gạo nếp), con gà (hai quan) ra đền lễ Thánh trình làng. Kể từ đó, người làm lễ chính thức được ghi vào sổ đinh, được nhận ruộng công, được hưởng quyền lợi và thực hiện những nghĩa vụ đối với làng xã.
Tục cưới hỏi: ở các làng xã thuộc vùng chiêm trũng này, tục lễ cưới hỏi nhìn chung là giống nhau, được tiến hành theo các bước như sau:
(1) Bước 1 là lễ dạm ngõ
Theo truyền thống thì gia đình nào có con trai lớn, bố mẹ và người thân thường bàn bạc và chọn một cô gái ưng ý có gia cảnh phù hợp với gia đình mình rồi nhờ người “đánh tiếng” đến bố mẹ và bản thân cô gái. Nếu tín hiệu nhận được thấy xuôi xuôi thì nhà trai mời mối lái đến thưa chuyện với bố mẹ cô gái rồi đặt vấn đề. Nếu bố mẹ cô gái bằng lòng thì lại thông qua bag mối, nhà trai định ngày xin đến “chơi nhà” để chính thức ngỏ lời với nhà gái. Tục lệ này là để báo cho mọi người biết là cô gái đã có người chọn, vì thế gọi là lễ ăn hỏi hay lễ chạm ngõ, rào ngõ, trải
123
chiếu chiếm chỗ. Từ đây hai gia đình kết thân và tiếp tục xem xét kỹ lưỡng về gia cảnh, tuổi tác, tính cách, sức khỏe... của hai trẻ. Ngày nay thì không cần mối lái, nam nữ thanh niên sau khi tự tìm hiểu, người con trai báo cáo với bố mẹ đến nói chuyện với nhà gái xin cho hai trẻ tiếp tục được tìm hiểu để tiến tới xây dựng gia đình.
(2) Bước thứ 2 là lễ ăn hỏi (lễ đặt trầu)
Khi hai gia đình nhận thấy “lấy nhau” là phù hợp thì nhà trai mang trầu, rượu (nay có thêm thuốc lá, bánh kẹo...) đến xin nhà gái và họ hàng cho đôi trẻ được xây dựng hạnh phúc gia đình. Lễ này chính thức thông báo với dân làng là hai gia đình, hai họ nhất trí cho đôi trai gái này được lấy nhau.
(3) Bước thứ 3 là lễ cưới bao gồm các thủ tục như sau:
Lễ xin cưới: Nhà trai cử một số người trong họ dẫn lễ đến xin nhà gái cho đôi bạn trẻ cưới nhau, định ngày cưới, giờ đón dâu, định lễ vật (tục gọi là thách cưới) và thống nhất giờ nạp tài, lại mặt.
Lễ nạp tài: Đúng ngày giờ đã định, nhà trai cử một đoàn mang lễ vật đến nhà gái. Nhà gái nhận đủ lễ rồi hai bên thống nhất lần cuối về ngày giờ đón dâu, dẫn đầu là một ông đại diện, có uy tín, vợ chồng còn song toàn, có đủ trai gái nâng cơi trầu để xin dâu. Ở làng Cựu Hào lễ xin dâu có quả “trầu khem”. Đó là một quả nhỏ, sơn son thiếp vàng phủ vải đỏ, trong quả đựng trầu cánh phượng, có quế và đặt vào trong ba loại tiền đồng. Lễ xong người đại diện nhà gái mở quả, lấy trầu mời các vị có thứ bậc của hai họ, còn tiền thì trao cho đôi vợ chồng trẻ làm vốn. Sau khi cô dâu, chú rể làm lễ gia tiên, bái lạy ông bà, cha mẹ, đoàn rước dâu lên đường về nhà trai, số lượng họ gái đi dự cưới ở nhà trai nhiều hay ít tùy thuộc vào số cỗ hai gia đình đã thống nhất. Dâu gần về đến nhà thì nhà trai thường nhờ một bà tính tình xởi lởi, điềm đạm, đông con, đầy đủ trai gái giúp trải chiếu giường cưới để lấy may.
Mọi thủ tục xong xuôi, hai họ cùng ăn cỗ mừng hạnh phúc cho đôi trẻ. Nhà khá giả thì làm cỗ to, nhà nghèo thì vài mâm xôi, dăm ba cân thịt, hai họ cùng chung hưởng, nếu có trẻ con thì mỗi cháu được nắm xôi, miếng thịt; nhà nghèo quá thì trầu nước cũng xong.
Lễ cưới ở các làng đều có lệ cha mẹ chú rể không đi đón dâu và cha mẹ cô gái không đi đưa dâu. Khi dâu về nhà chồng thì mỗi làng lại có tục lệ riêng. Ví dụ, ở
124
làng Tiên, khi cô dâu về nhà chồng thì mẹ chồng ra dẫn con dâu vào trong buồng. Làng Cựu Hào khi con dâu về thì mẹ chồng lại ôm bình vôi chạy trốn để tránh sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu sau này.
Cuối cùng là lễ lại mặt: Sau hai hoặc ba ngày cưới thì bố mẹ nhà trai sắm lễ vật bao gồm trầu, rượu, mâm xôi, thủ lợn đưa sang nhà gái, gọi là lễ lại mặt. Tục lệ này là để các bậc bề trên của hai gia đình có dịp thư thái ngồi với nhau rút kinh nghiệm về việc tổ chức lễ cưới. Ngày nay thì nhà gái chuẩn bị mâm cơm mời các cụ đôi bên uống rượu tạo nên sự thân thiện giữa hai gia đình.
Bên cạnh các bước bắt buộc trong đám cưới trên đây, đám cưới trước đây ở vùng trũng này còn có một số tập tục khá đặc biệt, như tục tết bố vợ.
Tục tết bố vợ quy định là, từ sau lễ ăn hỏi, người con rể tương lai phải lễ tết bố vợ theo quy định, thông thường thì có ba kỳ trong một năm, gồm tết Nguyên Đán, quà tết bố vợ bao gồm trầu, rượu, một cặp bánh chưng và gà trống thiến, tết mồng 5 tháng 5 thường là gạo nếp, đậu đen hoặc đậu xanh và cân đường. Tết cơm mới thường là gạo nếp, chân giò hay cá chép.
Ngoài tục tết bố vợ còn có tục nộp cheo. Làng nào cũng có, nộp bằng tiền hay hiện vật nhiều ít tùy theo quy định của từng làng. Làng Đại Lại con gái đi lấy chồng phải nộp từ 300 đến 500 viên gạch, tùy theo chồng là người cùng làng hay khác làng. Ở làng Tiên Hào lấy chồng cùng làng nộp một mâm đồng, lấy chồng ngoài làng nộp hai mâm đồng. Các làng còn lại cheo nộp bằng tiền. Trai làng lấy gái làng nộp hai đồng, lấy vợ xa thì nộp ba đồng. Các khoản lễ vật gồm rượu một chai, trầu trăm miếng để trình làng thì làng nào cũng có.
Lệ thách cưới: Làng nào ở đây cũng có lệ thách cưới dù nhiều hay ít, nặng nhẹ khác nhau. Nhà gái thường yêu cầu nhà trai chuẩn bị trầu, cau, chè, rượu, gạo, thịt, lễ chín, quần áo, nón, dép... và một số tiền mặt để chuẩn bị cho lễ cưới. Nhà giàu còn có khuyên vàng, nhẫn vàng... Nói chung là mọi chi phí phải lo cho nhà gái. Chính vì tục lệ này mà ngày xưa nhiều đôi trai gái không lấy được nhau, nhiều đôi vợ chồng sau khi cưới xong phải ra sức làm ăn để kiếm tiền trả nợ. Song cũng có nhà tục thách cưới cũng chỉ đặt để khỏi mang tiếng “cho không”, như ở làng Tiên Hào nhà gái thách 100 phần, nhà trai xin nộp đi 60 phần, nhưng cuối cùng nhà trai
125
chỉ có 40 phần thì nhà gái vẫn vui vẻ ưng thuận. Vì vậy mà người dân nơi đây mới có câu “khôn làng Đại không bằng dại làng Tiên” là nói về việc thách cưới này.
Do ảnh hưởng của quan niệm môn đăng hộ đối về đẳng cấp xã hội nên trong hôn nhân, những gia đình tương đương nhau về quyền hành, thế lực, địa vị, của cải... mới gả con cho nhau. Con trai nhà nghèo mà muốn lấy con gái nhà giàu thì làng nước chê cười, coi là “đũa mốc muốn chòi mâm son”. Quan niệm này đã phá vỡ hạnh phúc của nhiều đôi trai gái. Duy chỉ có trường hợp vì quá nghèo bố mẹ phải gả bán con gái về làm thê thiếp cho nhà giàu. Thực chất đây là “gán nợ” chứ không phải hôn nhân.
Lễ hồi môn: Tục lệ này có nhưng đơn giản, thường là khi về nhà chồng, người con gái mang theo một chiếc hòm, trong đựng quần áo, tư trang. Ở làng Đại thì có mang thêm chăn màn, chiếu. Ở làng Hồ Sen có nét khác là khi đưa con gái về nhà chồng, gia đình nhà cô gái chọn một số người trong họ hiền lành, phúc hậu, mát tay mang của hồi môn bao gồm một ông cẩm một con dao nem, một bà mang đôi chiếu, một chị gánh đôi cong trong đựng nước, thả bèo và dưới đáy có vài đồng tiền, một chị mang một chục bát chiết yêu và một chục bát con. Gia đình nào nghèo quá thì cũng phải sắm cho con gái một con dao. Tục lệ này vừa thể hiện sự chăm lo hạnh phúc cho con gái, mong con tiếp tục giữ nghề chẻ nan đan lát mây tre truyền thống của làng.
Lệ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy là phổ biến. Việc dựng vợ gả chồng ngày trước là hoàn toàn do cha mẹ xếp đặt, con cái phải tuân theo. Nhiều gia đình lại cho rằng lấy vợ cho con là thường lấy người làm, nên thường cưới cho con những người vợ nhiều tuổi hơn, tạo nên những cảnh chồng bé vợ lớn, do đó thường không hòa hợp trong cuộc sống hôn nhân.
Lệ tảo hôn: theo quan niệm của các cụ ngày xưa thì “nữ thập tam, nam thập lục” nghĩa là con trai 15, con gái 13 tuổi được coi như đã đến tuổi trưởng thành nên thường dựng vợ gả chồng cho con ngay. Một số gia đình hiếm con, giàu có, vì quá lo lắng về người “nối dõi tông đường” nên đã cưới vợ cho con từ khi mười một mười hai tuổi, có trường hợp chú rể trong đám cưới còn chạy ra tranh pháo xịt với đám trẻ con trong làng.
126
Các hủ tục trong hôn nhân, ngày nay đã được xóa bỏ. Hôn nhân được xây dựng trên cơ sở tình yêu, cả hai gia đình phải có trách nhiệm chăm lo hạnh phúc cho con cái. Tuy nhiên vẫn còn một số người phô trương, tổ chức ăn uống linh đình gây tốn kém, lãng phí làm mất đi giá trị tinh thần đích thực của đám cưới.