Thờ cúng tổ tiê nở các làng

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 101)

8. Kết cấu của đề tài

4.2.1.3. Thờ cúng tổ tiê nở các làng

Làng Hồ Sen có “Tứ tộc gia tiên” là 4 vị tổ đến khai điền lập ấp gồm Phạm, Đặng, Vũ, Nguyễn. Ngày nay, làng có tới 12 dòng họ. Làng tế tổ họ thường vào ngày rằm tháng bảy. Không có lệ Thanh minh, nhưng mồng 10 xuân tế và mồng 9 tháng Giêng, các họ đều tổ chức tảo mộ tổ tiên rồi về lễ tổ trong nhà thờ. Họ Phạm, họ Vũ, họ Nguyễn và họ Trần đều có nhà thờ họ. Về gia phả, chỉ có họ Phạm là còn ghi chép được đầy đủ. Phả viết từ đời Tự Đức đến năm Thành Thái thứ 19 (1907) được sao lại và viết tiếp được 16 đời. Cụ tổ là Phạm Phúc Chính làm Huyện tả Thiên Bản từ đời Lê Thống Nguyên (1523) đưa gia đình về sống ở Hồ Liễn. Đây là dòng họ có nhiều người đỗ đạt, trong đó có Phạm Công Thưởng đậu Cống sĩ năm Nhâm Ngọ (1702).

Làng Si thờ Phụng “Ngũ gia tiên tổ” gồm Đoàn, Phạm, Vũ, Nguyễn, Trần. Tổ tiên của năm dòng họ này đã xây dựng làng xã, theo Bạch Đẳng Cao Lôi đi đánh giặc Hán. Về sau theo Phạm Phúc Quảng đi trấn trị khai phá đất Ma Linh (nay là huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị).

103

Các nhà thờ họ (từ đường) đều được gìn giữ tôn tạo như họ Vũ, họ Phạm Đình, họ Phạm Hữu... Các tộc họ làng Si đều tổ chức việc họ vào ngày rằm tháng Giêng (Tết Thượng Nguyên). Ngày 14 các họ đều tổ chức cho con cháu đi tảo mộ, thắp hương tại phần mộ tổ tiên. Người đi xa về nhận mộ, các bậc trưởng họ chỉ dẫn mộ tổ tiên cho con cháu nhớ. Tối đến, con cháu trong họ đến nhà thờ tế cáo, làm lễ nhập tịch, nhập họ cho con trai. Con gái trong họ đi lấy chồng cũng mang lễ vật về lễ tổ trong đêm 14 (còn gọi là lễ giải). Sau đó các họ mang trầu rượu đi chúc mừng, giao hữu giữa các họ nội ngoại. Ngoài đường tấp nập người đi kẻ lại, thăm hỏi râm ran. Nửa đêm, các cụ tế “bán dạ”, rồi ngồi hầu cho đến sáng. Thường các họ lớn có tổ chức hát ả đào hoặc đánh tổ tôm. Ngày rằm tháng Giêng, các họ đều tế xôi gà. Con cháu chung hưởng chia phần về cho gia đình. Có họ còn tổ chức giới thiệu lại gia phả cho con cháu được biết. Họ Phạm Đình, Phạm Hữu và họ Vũ đều còn gia phả nhưng viết tỉ mỉ nhất là gia phả họ Phạm Đình của cụ Nghè Phạm Đình Kính. Nhà thờ họ Phạm Đình cũng rất cổ kính, còn lưu giữ nhiều di vật quý của cụ Nghè Kính, như các hiện vật bằng đồng của vua ban (Kim khánh bằng vàng và các đồ dùng hàng ngày, bộ chấp kích bằng đồng, tiền đồng Cảnh Hưng loại lớn nhà vua ban tặng cho nhà thờ cụ Nghè). Bức hoành phi “Vạn thế Vĩnh Lại” cũng như các câu đối và sắc phong thần đều ca ngợi công đức của cụ Nghè với làng xã.

Làng Tiên Hào vẫn thờ phụng “Ngũ gia tiên tổ” tại đền là các họ Bùi, Nguyễn, Trần, Phạm, Vũ. Họ Bùi nay không còn ai ở làng. Các họ đều có nhà thờ riêng hoặc thờ ở nhà tộc trưởng. Họ Trần và họ Vũ còn gia phả. Gia phả họ Vũ viết khá tường tận gốc tích họ Vũ làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương có nhiều bậc khoa bảng.

Nhà thờ họ Nguyễn làm năm Kỷ Tị (1929) nay được tôn tạo lại, tổ tiên có người làm quan Hiến ti (quan ngành Tư Pháp thời Lê).

Làng Cựu Hào có các họ Nguyễn, Đỗ, Lê, Phạm, Ninh, Vũ, nhưng họ Nguyễn là đông nhất, có tới tám dòng họ khác tổ. Họ Nguyễn dòng dõi cụ Tế tửu Nguyễn Thuyên là thịnh vượng nhất, kể cả xưa và nay vẫn tiếp tục phát huy được truyền thống dạy học và làm thuốc, đóng góp nhiều nhân tài ưu tú cho đất nước.

104

Nhà thờ có thờ hai bà là con gái họ Nguyễn được vua Tự Đức ban tặng bốn chữ vàng “Tiết hạnh khả phong” ca ngợi tiết nghĩa của người phụ nữ, chồng chết vẫn ở vậy nuôi dạy con thành tài.

Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính vẫn còn lưu giữ cờ vàng vua ban “Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân” và bảng chữ vàng vua ban “Ân tứ vinh quy” (Ban ơn cho được vẻ vang về làng) khi ông đậu Tiến sĩ năm Tân Sửu (1901).

Làng Đại Lại có các họ Mai, Phạm, Hoàng, Nguyễn, Vũ, Lương, Ngô. Trong đó, họ Mai và họ Phạm còn gia phả nhưng viết sơ lược. Họ Ngô mới lập lại nhà thờ tại xóm Trại. Phả họ Mai viết vào năm Tự Đức thứ 7 (1854) ghi được 6 đời. Ông tổ đời thứ 2 làm Đồng tri phủ, phủ Trường Khánh đời Lê, thường gọi là cụ Già Phủ. Họ Nguyễn còn thờ trong nhà thờ một vị thần tổ đã 5 lần thi Hương đều trúng tú tài, làm quan được phong chức Hùng Đức Nam.

Các dòng họ là nhân tố tích cực để tạo dựng nên làng xã. Văn hóa dòng họ là một mảng văn hóa làng xã đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng bào theo đạo Thiên chúa, yêu nước kính chúa, đồng thời cũng biết kính trọng tổ tiên. Ở Tiên Hào, trước có giáp Đoài (thuộc đồng bào Thiên chúa) có quy định cụ thể các điều về đạo đức của nhân dân hàng giáp, nêu cụ thể nhiệm vụ của giáo dân với hội Thánh, với dân làng, với cha mẹ, tổ tiên. Hàng năm, đêm 30 Tết, họ đạo Tiên Hào họp dân đọc lại quy định một lần. Đến mồng 4 Tết lại đọc lại lần nữa, đồng thời nhắc nhở mọi người phải noi theo. Từ năm 1975, trong các làng Si, Tiên, Đại, mọi sinh hoạt họ hàng lễ tết, thăm hỏi nhau trong tang lễ, chung vui trong cưới xin đều có mặt chung cả lương lẫn giáo, tình thân ái đoàn kết ngày càng sâu sắc.

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)