8. Kết cấu của đề tài
3.2. Các công trình kiến trúc tôn giáo làng Hồ Sen
80
Hồ Sen là một làng Việt cổ, còn lưu giữ đậm nét bóng dáng thân quen của làng quê đất Việt: cây đa, giếng nước, đình làng hòa quyện vào nhau. Làng trước có ngôi đình hàng xã năm gian to rộng nhưng đã bị phá. Đầu làng phía đông có ngôi phủ thờ nhị vị Thánh Bà, thường được gọi là Vua Ả, Vua Dì. Ở Cồn Mưỡu phía Nam làng có miếu thờ Đặng Đình Hầu. Ông là phò mã nhà Mạc, được phong Lương Kiệt Bá, làm quan nhà Mạc tới 30 năm, đến đời Sùng Khang (Mạc Mậu Hợp 1566 – 1578) vì khảng khái can ngăn vua tránh nạn binh đao kéo dài, không hợp ý vua, ông từ quan về làng. Khi nhà Lê Trung Hưng đánh bại nhà Mạc, triều đình mời ông về Kinh trọng dụng. Ông đã tự tử để giữ trọn thanh danh với nhà Mạc. Cả họ Đặng và gia thần của ông cũng chết theo. Vua Lê cho là trung nghĩa, nên cấp quan tài, cho chôn cất tại làng, lập miếu thờ. Khi ông còn làm quan, một lòng yêu thương dân chúng, thường lấy tiền nhà lo thuế cho dân. Khi mất, dân thương tiếc cũng thành kính lập đền thờ.
Đền làng Hồ Sen ở phía Tây làng, nhìn về hướng Nam, tương truyền làm trên đất cũ dinh sở của tướng quân Cao Mang, một vị tướng đời Lý quê làng Tông Tranh, huyện Đường Hào (tỉnh Hưng Yên). Cao Mang sinh năm 1052. Khi 19 tuổi, ông vào Kinh thi tài, được vua Lý khen ngợi, cử làm Đô thiên giám sát. Ông đi kinh lý các miền, về đến làng Hồ Liễn, thấy đây là một mảnh đất đẹp bèn lập dinh sở, dạy dân cày cấy làm ăn, đưa người ở quê lên dạy nghề đan nong, đan gầu cho dân làng Hồ. Khi ông mất, dân làng lập đền thờ ngay trên dinh sở. Đền có bốn cung trùng thiềm, tọa lạc trên khu đất rộng có cây cổ thụ, có hồ nước lớn và sân vật võ, sân làm lễ khi làng vào đám. Cung đệ nhất có hương án lớn đặt ngai và thần vị, có mục bằng đồng và hia đồng. Hoành khóe còn có dấu vết nghệ thuật đời Lê. Cánh cửa chính cung được chạm bong đời Lê nhưng đã bị thay thế. Cung đệ nhất thờ tướng quân Cao Mang, Cung đệ nhị là một cung hẹp đặt dọc với cung đệ nhất thờ nhị vị Thánh bà Vua Ả, Vua Dì. Bộ cánh cửa cung đệ nhị chạm lộng nghệ thuật đời Lê, hai cánh cửa chạm rồng to rồng nhỏ uốn khúc đối xứng, vờn trong mây hỏa đao có phượng bay lượn và sóc đùa giỡn. Cung đệ tam ba gian rộng, được tôn tạo năm Kỷ Mão đời Gia Long (1819). Cung đặt hương án thờ và một kiệu bành đời Lê đặt trên cỗ ngai có bát hương cỡ lớn thờ thần Cao Mang. Hai gian bên có bốn bệ thờ Tứ tộc gia tiên khai sáng ra làng Hồ Sen là Đặng, Vũ, Phạm, Nguyễn. Đồ thờ tự cung
81
này rất nhiều, đặc biệt có một quán tẩy chạm trổ nghệ thuật thời Lê. Đền còn lại nhiều sắc phong, sớm nhất là Dương Hòa tam niên (1637), Phúc Thái, Cảnh Trị thế kỷ XVII. Đền còn có đôi câu đối cũng ghi nhận từ đời Dương Hòa đã được triều đình ban sắc nhiều lần.
Xuân mạnh kỳ thần, bàn hưởng linh thanh chung cổ tại Dương Hòa dĩ hậu, côn hoàn bảo điển lũy triều vinh
(Tháng giêng tế thần, vang vọng tiếng linh thiêng xưa nay lừng lẫy Từ đời Dương Hòa, rạng danh trong sử sách các triều tôn vinh)
Tiền đình năm gian hai chái rộng rãi, có sáu hàng cột to chắc, trùng thiềm với cung đệ tam, nối tiếp giữa hai cung có máng nước bằng đá dài suốt ba gian với bốn trụ đá vuông chống giữ. Máng được chạm hoa văn triện dắt kéo dài, ghi niên hiệu Thành Thái thứ năm (1893). Tiền đình được dựng vào năm Minh Mạng Mậu Tý (1828), có nhiều hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng đầy ý nghĩa, thể hiện sự kính ngưỡng của dân làng, trong đó có câu:
Vạn cổ phúc tinh huy công tại hạ nhân dân thượng lại Thiên thu thần thánh diệu linh ư thượng đẳng quốc do tư
(Muôn thuở là phúc tinh, đem lợi cho dân, người người trông cậy Ngàn năm là thần thánh, linh thiêng tại miếu, đất nước phụng thờ)
Cạnh đình còn có tấm bia Sùng Văn, nói về việc lập hội tư văn có tính chất quần chúng để giúp dân làng tế lễ trong những dịp hội hè.
Đền và chùa làng Hồ Sen đã được Nhà nước cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2000.