Tín ngưỡng Phật giáo

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 108)

8. Kết cấu của đề tài

4.2.6. Tín ngưỡng Phật giáo

Đạo Phật ở 5 làng xã Vĩnh Hào một thời hưng thịnh. Trong 5 xã ở Vĩnh Hào có đến 7 ngôi chùa, làng nào cũng có chùa. Riêng làng Đại Lại có tới 3 chùa, trong đó có hai chùa gốc là đạo quán của Đạo Lão. Chùa Hương Tản ở giữa làng, vốn xưa là Quán Găng ở giữa đồng, đầu thế kỷ XIX mới chuyển vào và đổi tên là chùa Hương Tản (chiếc ô thơm). Chùa Ngộ Tiên (có ý nghĩa là nơi gặp Tiên), trước cửa chùa là cánh đồng Cửa Quán. Điều đó cũng nói lên trước đây, chùa là một đạo quán, nơi thờ phụng của Đạo giáo. Chùa Ngộ Tiên (tên thường gọi là chùa Ngò) bị giặc Pháp ném bom năm 1953, hư hại nhiều, nay mới sửa sang lại. Chùa còn lại tấm bia quý vào loại sớm nhất của huyện Vụ Bản có niên đại Hoằng Định thứ 16 (1616) “Ngộ Tiên tự thị thạch bi” (bia chợ Chùa Ngộ Tiên) nói về việc trùng tu chùa và việc lập chợ cho ta biết ngôi chùa này là một ngôi chùa cổ, bên cạnh sông Vĩnh, địa thế đẹp, nay lập chợ để chùa thêm sầm uất. Qua sự xuất hiện của tám bia này, ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của chùa Ngộ Tiên khá rộng, dân nhiều làng Đại Lại, Vĩnh Lại, Ngọ Trang, Hổ Sơn, Cựu Hào, Trang Vĩnh, Quả Linh, Lương Kiệt... đã quyên góp xây chùa và dựng bia. Tên các làng này cũng như làng Tiên Hào đã có từ thời Lê Hoằng Định đầu thế kỷ XVII. Chùa này lại được vợ chồng Đồng Tri phủ Nghĩa Hưng Nguyễn Thăng Duệ đứng ra hưng công.

Chùa Phúc lâm làng Đại Lại cũng là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lê, cảnh quan thoáng đãng rộng rãi, vườn cây um tùm, hoa lá sum suê, nhưng bị

110

thực dân Pháp tàn phá và mới được tôn tạo lại. Chùa còn giữ được đôi chim vẹt bằng gỗ đặt trên điện thờ có nghệ thuật điêu khắc thời Lê thế kỷ XVIII, lông chim vẹt chạm cách điệu nhiều lớp, rất đẹp.

Làng Cựu Hào có chùa Phổ Minh, một ngôi chùa cổ kính có từ đời Lê, nằm bên cạnh đền thờ của làng, có giếng tròn long lanh đáy nước. Cảnh chùa thoáng đẹp, cây cổ thụ sum suê. Chùa có đôi câu đối của cụ Nghè Nguyễn Văn Tính ca ngợi cảnh đẹp chốn Thiền tăng:

Từ vân hóa tác hoàng vân thụy, Đức thổ chung thành lạc thổ ca. (Mây lành hóa đám mây vàng đẹp Đất đức hòa chung đất vui ca).

Chùa có hệ thống tượng Phật uy nghi. Đặc biệt là chùa còn hương án chân quỳ kiểu dáng điêu khắc cầu kỳ, mang đậm dấu ấn điêu khắc thời Lê, có hình rồng uốn khúc trong mây hỏa đao chầu mặt nguyệt, tất cả đều chạm bong, sơn son thiếp vàng. Ở chùa còn có bản khắc gỗ in kinh Phật bằng chữ Hán và bộ khắc gỗ in mẫu áo lục thù. Chùa cũng có nhiều bộ kinh chữ Hán.

Chùa Thuận An ở làng Si trước đây đặt tên là Mưỡu Cồn, chùa nằm ở phía Tây làng. Đến đời Lê Cảnh Hưng mới dời về bên cạnh đền. Phật đường trước xây thành tam quan, có lầu cao, sau này sửa thành 3 gian ngang. Có bức hoành phi niên đại Thiệu Trị năm thứ nhất (1894) có viết bốn chữ “Vi vạn tượng chúa” (làm chúa muôn vật) rất đẹp mắt.

Phật đường có một chuông lớn cao một mét mang niên đại Tự Đức thứ 25 (1872), có bài minh nói rõ lịch sử của chuông nguyên được đúc từ thời Lê Cảnh Hưng, đến đời Tây Sơn (1800) thì được đúc lại. Đời Tự Đức đúc lại lần thứ ba.

Chùa Thuận An còn nhiều mảng chạm bong và chạm lộng các ổ rồng ở Phật điện ba gian dọc như xà nóc nối với Phật đường, ổ rồng gồm hai rồng lớn, chín rồng nhỏ và bảy con nghê, hai con sóc với nghệ thuật điêu khắc thời Lê thế kỷ XVII. Chùa cũng còn lưu giữ một hương án đời Lê thế kỷ XVIII. Chùa Thuận An đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.

Chùa Chung Linh làng Hồ Sen ở bên trái đền làng, là một ngôi chùa xinh xắn, cổ kính, ẩn mình trong vườn cây rộng rãi sum suê. Phật điện có hệ thống tượng

111

Phật chạm khắc đẹp. Phật đường ba gian nhỏ còn mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc đời Lê. Hai thanh đao từ Phật điện vươn ra nối với Phật đường có chạm bong rồng, sóc uốn lượn trong mây hỏa đao. Xà nóc gian giữa nối với Phật điện là một ổ rồng có 17 con rồng lớn nhỏ và hơn chục con nghê cùng uốn lượn, vờn nhau, lại có phượng phía trên xòe đuôi, xòe cánh bay lượn, dưới cùng có bầy sóc và nghê đùa giỡn, đuổi nhau như trên mặt đất. Nghệ thuật chạm bong của chùa vào thế kỷ XVII rất cổ kính, hoàn mỹ, thể hiện tài nghệ của những người nghệ sĩ dân gian. Trước cổng chùa có một giếng cổ, đường kính miệng giếng là 8 mét, thu xuống đáy đường kính gồm 4 mét. Đặc biệt là đáy giếng được xếp tròn bằng những chiếc vại sành có đường kính 40cm, cao 65cm, dựng úp khít vào nhau thành vòng tròn. Riêng chỗ lên xuống gánh nước thì xếp nhiều lớp cối đá thủng hình tam cấp. Miệng giếng xây tường bao quanh bằng gạch rộng bản nhưng rất mỏng. Giếng cổ này làm cùng thời với chùa, xây lắp theo kiểu giếng khơi thời Trần như ở Tức Mặc.

Làng Tiên Hào có chùa Tăng Phúc, làm từ đời Lê, trùng tu năm Thành Thái thứ 14 (1902), là một ngôi chùa nhỏ nhắn xinh xắn, trong đó có đôi câu đối:

Thúy liễu phất khai kim tiên cảnh Hồng liên dũng phát ngọc hào quang (Liễu thắm phất phơ tô điểm nơi tiên cảnh Sen hồng nở rộ phát ánh ngọc hào quang)

Các chùa đều có kiến trúc kiểu chữ Đinh, Phật đường 3 gian hay 5 gian, Phật điện 3 gian dọc. Cả 7 ngôi chùa đều có nguồn gốc xây dựng từ thời Lê Trung Hưng trở về trước, cách ngày nay khoảng 300 – 400 năm, còn lưu giữ nhiều dấu ấn nghệ thuật điêu khắc thời Lê thế kỷ XVII – XVIII. Đây là những di tích lịch sử văn hóa quý giá cần được bảo tồn.

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)