8. Kết cấu của đề tài
4.2.3. Tín ngưỡng thờ những người có công khai phá lập làng và tổ sư các nghề
Vĩnh Hào xưa là vùng bãi biển ở gần cửa biển Côi Sơn (Côi Sơn hải khẩu). Cùng với quá trình biển lùi, con người tiến xuống chiếm lĩnh các dọi đất cao để cư trú rồi cùng nhau hợp sức khai phá đất đai, đắp đường sá, đào kênh mương, kiến tạo nên làng mạc, ruộng đồng. Những người đầu tiên đến khai phá lập làng trở thành ông tổ của dòng họ. Dân làng nhớ công ơn khai thiên lập địa tôn là Phúc Thần và thờ phụng ở đền làng. Bát hương thờ các Ngài thường được đặt ở ban bên Đông
106
hoặc bên Tây. Những dịp làng mở hội, kiệu các ngài được rước đi sau kiệu Thành Hoàng. Làng Hồ Sen thờ tứ gia tiên tổ là Đặng, Phạm, Nguyễn, Vũ, tương truyền đã về khai hoang lấn biển từ thuở vua Hùng dựng nước. Làng Si thờ ngũ gia tiên tổ là Đoàn, Phạm, Vũ, Nguyễn, Trần chẳng những đã có công lập làng mà những người trong năm họ trên còn theo Bạch Đẳng – Cao Lôi đi đánh giặc Tô Định. Làng Tiên Hào thờ năm cụ tổ thuộc năm họ Trần, Nguyễn, Vũ, Phạm, Bùi. Tương truyền năm cụ về đây khai phá, mở rộng đồng ruộng, xây dựng ấp làng. Riêng họ Bùi sau này chuyển vào sinh sống ở xứ Thanh nhưng cụ tổ họ Bùi vẫn được dân làng thờ phụng. Làng Đại Lại thờ 12 vị tổ tiên có công khai phá mở mang làng Đại, hiện trong đền vẫn còn thờ thập nhị gia tiên. Hiện nay sinh sống ở làng còn 7 họ là các họ Mai, Nguyễn, Phạm, Vũ, Hoàng, Lương, Ngô.
Ở các làng có nghề phụ như làng Hồ, làng Si, làng Tiên đều có người truyền nghề cho dân làng được tôn là cụ tổ của nghề và được thờ phụng trong đền.
Làng Hồ Sen có nghề đan nong nia, gầu sòng và gầu dây. Tương truyền khi dẹp giặc xong, tướng quân Cao Mang (đời Lý Thánh Tông) được cấp thực ấp ở Hồ Liễn, ông về đây xây dựng dinh sở và cho gia thần của mình dạy dân nghề đan lát nong nia, gầu tát nước, một nghề cổ truyền ra đời ở quê ông (làng Tôn Tranh, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương). Làng Tiên Hào có nghề đan gối mây. Hơn hai trăm năm trước, một giáo dân làng Tiên Hào là cụ Trùm Nguyễn Văn Tại đã từng sinh sống ở vùng xã Đoài, Nghệ An, học được nghề đan gối mây ở đây rồi đưa về truyền lại cho dân làng. Từ chiếc “gối nghệ” đơn giản, dân làng đã sáng tạo ra nhiều loại gối mới (gối sơn, gối xếp, gối tựa) và nhiều mặt hàng khác bằng mây như đĩa mây có kết các loại hoa hay chữ triện, lẵng mây, bàn mây, ghế mây... Cùng với nghề, trong làng đã xuất hiện những người thợ khéo tay nổi tiếng của từng loại sản phẩm như ông Cống gối xếp, ông Ban đĩa mây. Cụ trùm Tại được tôn là tổ sư nghề mây, hàng năm vào rằm tháng 3 âm lịch, dân làng (cả lương lẫn giáo) tổ chức lễ “Tri ân”.
Nghề đan cót của làng Vĩnh Lại đã có từ thế kỷ XVII. Người tìm nghề và mời thầy dạy nghề cho dân là cụ Phạm Thuần Hậu, người làng Vĩnh Lại, làm thừa chính sứ Lạng Sơn. Người có công dạy nghề cho dân là ông Nguyễn Công Trừ người làng Ngọc Lũ (huyện Tràng Định, Lạng Sơn và ông Trần Ngọc Lâm, Đoàn Phúc Lành là người làng Vĩnh Lại. Đầu thế kỷ XVIII, cụ Phạm Đình Kính (con cụ
107
Phạm Thuần Hậu) đã mở rộng sông Vĩnh để đưa bè nứa về tận làng và chở cót đi bán ở các vùng xa, nghề đan cót lại càng phát đạt. Dân làng nhớ ơn, tôn cụ Phạm Đình Kính là phúc thần (Đức thánh Ba) thờ chung trong đền Đức thánh Hai, tôn các cụ Nguyễn Công Trừ và Trần Ngọc Lâm, Đoàn Phúc Lành là tổ sư nghề đan cót. Hàng năm, vào ngày lễ thượng điền (24-6), cùng với việc lập đàn tế thần nông, dân phường bè lập ban thờ lễ tổ sư nghề cót tại đình làng. Lễ vật do các giáp sắm, gồm một mâm gỏi và mâm xôi, con gà. Lễ xong, mâm gỏi mang biếu quan viên, còn xôi gà thì dân hưởng lộc.
Cùng với việc thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng, thổ công, việc thờ cúng những người có công khai phá lập nên làng ấp và thờ tổ sư các nghề thể hiện lòng biết ơn và tôn kính của dân làng đối với những người có công với làng nước. Đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - một nét đẹp trong đời sống tình cảm, tâm linh của dân làng.
4.2.4. Đạo Nho
Là một vùng đất học, đạo Nho ảnh hưởng khá sớm và lan tỏa mạnh trong các làng xã Vĩnh Hào. Các làng đều có văn chỉ thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền cũng như văn thân sĩ phu trong xã. Do tác động của tính cộng đồng làng xã, giáo lý đạo Nho hầu như đã hòa nhập vào đạo đức, phong tục tập quán chung của địa phương. Thậm chí, hội Tư văn không những là tổ chức của những người học hành đỗ đạt mà còn mở rộng hơn đến những đối tượng khác. Làng Hồ Sen có hội Tư văn, nhưng lại có cả hội sùng văn (trọng văn) để nhiều người dân thường có ít nhiều học thức tham gia. Việc cưới xin ma chay không hoàn toàn theo lễ nghĩa phong kiến Nho giáo. Tôn sư trọng đạo vốn là một nội dung của đạo Nho nhưng đã hòa hợp vào lòng biết ơn thầy giáo, một đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. Làng nào cũng dành đất để trồng cấy nuôi thầy dạy học, đất mở trường, môn sinh tổ chức tang lễ trọng thể cho thầy, làm từ đường để thờ phụng thầy, giúp con cái thầy học hành thành đạt. Học trò của cụ Miên Khâm làm lễ tang cho thầy, tay cầm nến đứng sắp hàng hai bên đường từ nhà ra đến mộ hơn 1 km. Học trò cụ Mền Thành là Tế tửu Quốc Tử Giám Khiếu Năng Tĩnh làm nhà từ đường để thờ phụng thầy. Đốc học Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính làm từ đường để thờ phụng thầy là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh. Tình cảm thầy trò, đạo lý tôn sư trọng đạo của người dân Vĩnh Hào thật là sâu sắc. Ngoài ra,
108
dấu ấn Nho giáo còn thể hiện khá đậm trong tư tưởng trọng nam khinh nữ, tổ chức Giáp theo truyền thống nam giới vẫn còn được duy trì tới tận ngày nay.