Tín ngưỡng mang màu sắc Đạo giáo

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 107)

8. Kết cấu của đề tài

4.2.5. Tín ngưỡng mang màu sắc Đạo giáo

Đạo giáo từ Trung Quốc được truyền vào Việt Nam rất sớm. Theo tác giả “Bách khoa thư Hà Nội” thì vào thế kỷ thứ II nhiều đạo sĩ phương Bắc đã đến Giao Chỉ “luyện phép trường sinh” vì đất Giao Chỉ có nhiều đan sa”. Đến thời thuộc Đường thì Đạo giáo phát triển rộng ở nước ta, cả nước đã có 21 đạo quán rải rác khắp các huyện”.

Theo thời gian, Đạo giáo được truyền vào các làng xã nơi đây và có lẽ làng Đại Lại tiếp thu tôn giáo này sớm nhất. Hiện ở làng Đại Lại vẫn còn tồn tại một số dấu vết của các đạo quán, nơi hoạt động của các đạo sĩ như chùa Ngộ Tiên, chùa Quán Găng, cánh đồng cửa Quán... Có thể những địa điểm này là nơi hoạt động của các đạo sĩ theo trường phái tu tiên, luyện thuốc trường sinh bất lão. Trong các làng vẫn còn lưu các truyền thuyết về “Cao Biền dậy non”, chứng tỏ rằng những hoạt động ma thuật của Cao Biền (thời Đường) đã có ảnh hưởng sâu sắc đến vùng quê yên bình này. Nhưng có lẽ trường phái tu tiên, luyện đan không phù hợp với tâm lý và cuộc sống thực tiễn của nhân dân và nó biến dần sang một dạng khác là con người thả tâm hồn hòa nhập với thiên nhiên trong thú chơi cây cảnh, non bộ.

Ảnh hưởng của Đạo giáo lại sâu đậm hơn ở các hình thức hoạt động phép thuật. Các thầy cúng, thầy phù thủy, các hoạt động đồng cốt, lễ bái để chữa bệnh bằng tàn hương, nước lã, bằng bùa chú hoặc trừ tà ma bằng yểm bùa... đánh vào người bệnh, vì người ta cho rằng tà ma nhập vào làm cho con người mắc bệnh. Những hoạt động phép thuật cao cường của thầy cúng, thầy phù thủy buộc con ma phải thú nhận và không quấy rầy người bệnh nữa. Các hoạt động này thường diễn ra ở đền thờ Trần Hưng Đạo. Các thầy pháp đã dựa vào uy danh của bậc thánh nhân để hành nghề dưới nhiều hình thức mà trước đây, một thời đã ít nhiều mê hoặc được quần chúng. Ngày nay, dân trí ngày càng nâng cao, nhân dân không còn tin vào tà ma quỷ quái, những hoạt động mê tín dị đoan như trên của phái Nội đạo tràng đã bị loại trừ. Tuy nhiên, hiện nay trong dân chúng vẫn có một số người tìm đến thầy cúng, thầy tướng số và lên đồng vì họ cho rằng, qua các hoạt động này có thể tiếp xúc được với thần linh, với linh hồn để giải tỏa một vài bế tắc nào đó trong cuộc

109

sống đời thường hoặc cuộc sống tâm linh. Đây là một khía cạnh tiêu biểu về sự hòa nhập của Đạo giáo với tín ngưỡng bản địa của người Việt.

Thuật phong thủy được phổ biến rộng rãi trong đời sống. Từ quan niệm “Vạn vật hữu linh” người ta cho rằng đất đai có hình thể, có linh khí nên phải chọn đất, chọn hướng để làm nhà cửa, đặt mồ mả, cầu mong yên bình, mát mẻ và được thông thuận, thành đạt trong cuộc sống. Vì vậy trước đây xuất hiện một số người chuyên làm nghề này gọi là thầy địa lý.

Như vậy, Đạo giáo có ảnh hưởng sâu sắc trong mọi mặt của đời sống nhân dân, nhưng ngày nay khoa học càng phát triển, trình độ hiểu biết của nhân dân ngày càng cao thì hoạt động của Đạo giáo ngày càng co hẹp và tác động không nhiều đến con người.

Một phần của tài liệu Không gian văn hóa xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Trang 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(185 trang)