Quan niệm quản lý

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đại học (Trang 29 - 30)

Quản lý được thừa nhận như là hiện tượng lịch sử, luôn phản ánh rõ quy luật chung về tư duy tự nhiên và xã hội. Quản lý tồn tại từ khi loài người xuất hiện. Quản lý tồn tại như một tất yếu khách quan của loài người. Quản lý trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội như điều khiển học, ngôn ngữ học, khoa học quản lý, khoa học pháp lý…. Vì vậy, tùy thuộc vào cách tiếp cận mà người ta có những định nghĩa khác nhau về quản lý.

Tuy nhiên, dù xuất phát từ các góc độ khác nhau nhưng các định nghĩa về quản lý đều đề cập đến những nhân tố cơ bản của quản lý như: chủ thể quản lý, đối tượng quản lý và mục tiêu quản lý.

Do chỗ đối tượng tác động của quản lý xã hội là hành vi của con người, là hoạt động của các cơ quan, tổ chức của con người bao giờ cũng đa dạng, phức tạp nên bản thân quản lý xã hội cũng là một quá trình đa dạng, phức tạp không kém. Xã hội phát triển càng cao thì vai trò của quản lý càng lớn, phạm vi càng rộng và nội dung càng phong phú, phức tạp. Theo nghĩa này, quản lý xã hội là một khái niệm rộng bao gồm quản lý các công việc của nhà nước và quản lý các công việc của xã hội.

Quản lý các công việc của xã hội được thực hiện bởi tất cả các tổ chức xã hội, các cơ quan xã hội, gia đình, tổ chức tư nhân… và cơ sở của nó là quyền lực xã hội. Trong khi đó quản lý các công việc của nhà nước (hay còn gọi là quản lý nhà nước theo nghĩa rộng) được thực hiện chủ yếu bởi các cơ quan nhà nước và trên cơ sở quyền lực nhà nước, có nghĩa là được ghi nhận, củng cố bằng pháp luật và được đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của nhà nước 56, tr8.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đại học (Trang 29 - 30)