- Từ khi có quyết định thành lập đến khi được tuyển sinh khóa đầu tiên, rất nhiều trường chưa thực hiện đồng bộ bốn yêu cầu về đất đai, đội ngũ, vốn
4.3.2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục đại học
4.3.2.1.Sự cần thiết xây dựng Luật Giáo dục đại học
Pháp luật giáo dục Việt Nam hiện nay mới trong giai đoạn đầu tiên của quá trình xây dựng, nó còn rất nhiều “ngôi nhà tạm” được xậy dựng bằng một hệ thống văn bản dưới luật chưa có giá trị pháp lý cao, lại chồng chéo, thiếu động bộ, kém hiệu lực. Xét theo quan điểm hệ thống thì hệ thống pháp luật giáo dục Việt Nam đang ở giai đoạn đặt nền móng, nó cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để tạo thành hành lang pháp lý đầy đủ cho sự vận hành có hiệu quả và hiệu lực của hệ thống giáo dục quốc dân ở mọi cấp học và trình độ đào tạo, theo mọi loại hình trường học và phương thức giáo dục.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI khẳng định: “ Cần đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đổi ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt.
Sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, giáo dục đại học nước ta đạt được một số thành tựu nhưng còn nhiều hạn chế.
Văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học còn phân tán, hiệu lực pháp lý không cao. Nhiều vấn đề quan trọng của giáo dục đại học được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành, cần được điều chỉnh bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao, pháp điển hóa các quy định còn phân tán trong các văn bản dưới luật.
Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế càng sâu rộng, việc ban hành Luật Giáo dục đại học là cần thiết để phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên
- Nhằm thể chế hóa các Nghị Quyết của Đảng đặc biệt là Nghị Quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học và đổi mới quản lý của cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
- Đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục đại học và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục đại học phù hợp với năng lực quản lý, năng lực tổ chức hoạt động giáo dục và trách nhiệm xã hội.
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học, huy động nguồn đầu tư của xã hội đối với giáo dục đại học
4.3.2.3 Quan điểm xây dựng Luật Giáo dục đại học
1. Luật giáo dục đại học phải bảo đảm quyền tự do, dân chủ cho mọi người tham gia hoạt động giáo dục đại học và phải thể hiện được tinh thần tự trị đại học, phải xác lập quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học, nếu không có những quy định này, luật vẫn chỉ là những văn bản xa rời thực tế, không tạo ra được sự phát triển cho giáo dục đại học.
Điều này phải được coi là tư tưởng chủ đạo và xuyên suốt Luật giáo dục đại học.
2. Luật giáo dục đại học phải thể chế hóa quan điểm và đường lối đổi mới giáo dục đại học thể hiện ở Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 được ban hành theo Nghị quyết 14/2005/NQ - CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ.
3. Luật giáo dục đại học phải phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới trong những thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI là xã hội hóa, đại chúng hóa, hiện đại hóa, quốc tế hóa, trong đó xã hội hóa là trọng tâm. Xã hội hóa không có nghĩa là tư nhân hóa. Khi thực hiện xã hội hóa, cần chú ý tạo môi trường lành mạnh cho việc hình thành nhân cách và năng lực của sinh viên thông qua việc ưu đãi bố trí đất đai cho các trường công và tư. Hiện nay, các địa phương gây khó khăn trong việc giao đất cho các trường. Như vậy là cản trở khả năng bảo đảm chất lượng và sự phát triển của các trường, trên thực tế cũng có nghĩa là phá hoại chủ trương xã hội hóa giáo dục.
4.3.2.4 Quan hệ giữa Luật Giáo dục đại học với các văn bản pháp lý trong hệ thống pháp luật giáo dục Việt Nam.
a) Quan hệ giữa Luật giáo dục đại học với các văn bản luật khác.
- Quan hệ bổ sung: quan hệ giữa Luật giáo dục đại học và các luật khác trong hệ thống pháp luật giáo dục là quan hệ bổ sung cho nhau. Điều đó có nghĩa là Luật giáo dục đại học sẽ bổ sung mà không lập lại những quy định đã có trong các luật khác về giáo dục. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm vì trong các luật hiện hành về giáo dục đã có khá nhiều quy định liên quan đến giáo dục đại học. Chẳng hạn, Luật Giáo dục 2005, trong Chương II về hệ thống giáo dục quốc dân, có riêng cả mục 4 về giáo dục đại học với các quy định về cơ cấu đào tạo, mục tiêu, chương trình, văn bằng giáo dục đại học. Luật Dạy nghề 2006 trong Chương III về các trình độ đào tạo trong dạy nghề, có riêng cả mục 3 về cao đẳng nghề; trong Chương IV về các cơ sở dạy nghề, có các quy định về tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng nghề, kể cả trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Việc xây dựng Luật giáo dục đại học cần tính đến các quy định này để tránh trùng lặp; trong trường hợp cần thiết chỉ cần dẫn chiếu về các quy định đã có như thông lệ trong các văn bản luật nước ngoài.
- Quan hệ bình đẳng: Luật giáo dục đại học tuy ban hành sau Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề và rất nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật của ta nhưng vị trí và giá trị pháp lý cuả các văn bản luật là như nhau. Điều đó có nghĩa là trong khi xây dựng Luật giáo dục đại học, cần hết sức chú ý để đảm bảo tính nhất quán và tương thích với các văn bản luật đã có, nhưng không nhất thiết buộc các quy định của Luật giáo dục đại học phải lệ thuộc các quy định đã có. Trong trường hợp cần thiết, nếu quy định của Luật giáo dục đại học tỏ ra phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và buộc phải sửa đổi quy định đã có thì có thể dùng ngay luật mới để sửa đổi luật cũ. Điều này thấy khá phổ biến trong Luật giáo dục đại học của các nước. Chẳng hạn trong Luật giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên 1992 của Anh có riêng hẳn một phụ lục về việc sửa đổi một loạt các quy định của các luật giáo dục và luật khác để bảo đảm sự tương thích giữa luật mới ban hành với các luật đã ban hành trong lĩnh vực giáo dục cũng như các lĩnh vực có liên quan khác.
- Quan hệ tương đương về cấu trúc cơ bản: thông thường có 2 cấu trúc cơ bản của các văn bản luật: cấu trúc luật khung và cấu trúc luật chi tiết. Về mối quan hệ giữa 2 loại cấu trúc này, UNESCO đã lưu ý: cần phải cân bằng giữa mức độ chi tiết cần thiết của luật (cũng như tầm ảnh hưởng và hiệu lực của luật đó) với quy định quá tỷ mỉ cùng nhiều giàng buộc. Một điều trớ trêu là bộ luật có mức độ chi tiết quá cao đôi khi gây tác dụng ngược, tạo nhiều lỗ hổng trong thực hiện hơn so với bộ luật chỉ nêu những quy định tổng quát, kèm theo là những văn bản chính sách và hướng dẫn thực hiện chi tiết (linh hoạt hơn, dễ sửa đổi và dễ đi vào cuộc sống hơn). Thông thường đối với các nước có hệ thống luật pháp phát triển lâu đời thì luật giáo dục đại học được xây dựng chi tiết. Kể cả luật khung của các nước này, như Luật khung giáo dục đại học 1999 của Đức, cũng có mức độ chi tiết đáng kể so với luật khung thông thường. Đối với các nước đang phát triển, luật giáo dục đại học chỉ yếu là luật khung. Dĩ nhiên, giữa luật khung và luật chi tiết có cả một giải cấu trúc luật khung với mức độ chi tiết tăng dần. Chẳng hạn Luật giáo dục đại học Liên Bang Nga có thể coi là luật khung tương đối chi tiết. Malayxia chọn cách ban hành nhiều luật khung cho các lĩnh vực khác nhau của giáo dục đại học như lĩnh vực thành lập trường, lĩnh vực kiểm định chất lượng, lĩnh vực đại học tư thục….
Ở nước ta, Luật giáo dục cũng như Luật dạy nghề có thể coi là các luật khung tương đối chi tiết. Vì vậy, để đảm bảo tính tương đương về cấu trúc giữa các văn bản luật trong cùng hệ thống, luật giáo dục đại học nên là luật khung tương đối chi tiết.
b) Quan hệ giữa Luật giáo dục đại học với các văn bản dưới luật về giáo dục đại học.
Hệ thống văn bản dưới luật về giáo dục đại học của Việt Nam khá phong phú và đầy đủ. Về các nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học, có Nghị quyết 14. Về quyền tự chủ có Nghị định 43. Về xã hội hóa giáo dục có Nghị định 05. Về tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học có Nghị định về các đại học quốc gia, Quyết định về điều lệ trường đại học, điều lệ trường cao đẳng, quy chế trường
của Bộ Giáo dục và đào tạo như Quyết định 65 về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, Quyết định 66 về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường cao đẳng, Quyết định 06 về đào tạo liên thông…. Có thể nói với hệ thống văn bản dưới luật này, đủ để xây dựng một luật giáo dục đại học chi tiết. Tuy nhiên, như đã nói trên, việc xây dựng một luật chi tiết trong điều kiện trình độ pháp luật còn thấp như ở nước ta hiện nay, chắc sẽ khó đưa được luật vào cuộc sống. Với định hướng xây dựng một luật khung tương đối chi tiết, vấn đề đặt ra là đánh giá đúng đắn và tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật giáo dục đại học thời gian qua, rút ra những quy định đã thực sự đi vào cuộc sống để luật hóa. Khi đó, có thể nói Luật giáo dục đại học là văn bản kết tinh từ các văn bản dưới luật này, nó sẽ là cơ sở pháp lý để tạo nên sự gắn kết và thống nhất của các văn bản dưới luật, khắc phục những khiếm khuyết hiện nay về tình trạng chồng chéo, trùng lặp, không đồng bộ, thiếu hiệu lực của các văn bản này.
4.3.2.5 Ban hành Nghị định của Chính phủ
a) Về việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học
Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước và đã được pháp lý hóa tại Điều 60 của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục năm 2009. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học vẫn tập trung quá nhiều quyền lực. Ngay cả những việc như tổ chức tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo…vốn là công việc tác nghiệp thường xuyên của các trường nhưng các trường cũng không có quyền quyết định. Đúng như ý kiến của giáo sư Phạm Phụ: “Ở Việt Nam, quyền lực chủ yếu nằm ở cấp Chính phủ, bộ. Cấp trường, khoa, bộ môn, giảng viên gần như không có quyền lực gì, trong khi ở các nước khác thì hoàn toàn ngược lại” 50.
Trong bài “Giáo dục đại học Việt Nam: khủng hoảng và phản ứng”, Thomas Valely và Ben Wilkinson, Trường Đại học Kennedy thuộc Đại học Harvard đã viết: “nguyên nhân tạo nên khủng hoảng là sự thất bại sâu rộng trong chính sách quản lý của nhà nước. Tất cả các trường Việt Nam đều phải chịu sự kiểm soát của một hệ thống quản lý, tập trung cao độ. Nhà nước quyết định cả con số sinh viên được tuyển nhận” 61.
Chỉ cần nhìn vào danh mục các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục đại học đã được ban hành cũng thấy rõ là: trên thực tế các cơ sở giáo dục đại học chưa được giao quyền tự chủ một cách toàn diện và đồng bộ. Chính vì vậy, cần phải có một Nghị định của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa Điều 60 của Luật Giáo dục năm 2005, năm 2009 về việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học.
Tăng cường hơn nữa trong việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc tự quyết định ngành nghề đào tạo của trường, Các trường được tự chủ động đào tạo ngành nghề đã có trong danh mục đào tạo của Nhà nước mà không cần phải xin phép Bộ giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xóa bỏ việc xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh và tiến tới giao quyền tự chủ cho các trường được tự quyết định lựa chọn số lượng sinh viên đào tạo hàng năm. Đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí đào tạo sau đại học cho các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tính đủ cả chi phí tiền lương và các chi phí hoạt động thường xuyên khác; quy định cụ thể hơn về cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học. Có chế tài đủ mạnh để xử lý kiên quyết đối với những trường không đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng mà vẫn tuyển sinh, tổ chức đào tạo.
b) Ban hành các tiêu chí xác định trường đại học, cao đẳng hoạt động theo nguyên tắc “ không vì lợi nhuận” và “ vì lợi nhuận hợp lý” để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp với từng loại trường, quan tâm thỏa đáng đến quyền lợi của người học cũng như của nhà đầu tư.
c) Ban hành cơ chế, chế tài buộc người sử dụng lao động qua đào tạo phải có trách nhiệm đóng góp, đầu tư để phát triển giáo dục đại học.