Quản lý nhà nước và các đặc trưng của quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đại học (Trang 30 - 32)

Trong khoa học luật và cả trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam tồn tại quan niệm phổ biến “quản lý nhà nước” gồm các hoạt động ban hành chính sách; ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật; tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản đó.

Hoạt động quản lý của nhà nước được gọi là quản lý nhà nước, là một loại hình của quản lý xã hội. Nhà nước là chủ thể quản lý xã hội quan trọng nhất, nhà nước là trung tâm của quản lý xã hội. Vì vậy, Hiến Pháp Việt Nam năm 1992 đã khẳng định “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật”.

Quản lý nhà nước là sự chỉ huy, điều hành xã hội để thực thi quyền lực nhà nước, là tổng thể về thể chế, về tổ chức và cán bộ của bộ máy nhà nước có trách nhiệm quản lý công việc hàng ngày của nhà nước, do các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) có tư cách pháp nhân công pháp (công quyền) tiến hành bằng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà nhà nước đã giao cho trong việc tổ chức và điều hành các quan hệ xã hội và hành vi của công dân 65, tr40.

Theo nghĩa hẹp, quản lý nhà nước là hoạt động chấp hành và điều hành của nhà nước (hay còn gọi là hoạt động quản lý hành chính nhà nước).

Tính chất chấp hành thể hiện ở mục đích quản lý nhà nước là đảm bảo thực hiện trên thực tế các văn bản pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước, mọi hoạt động quản lý hành chính nhà nước đều được tiến hành trên cơ sở pháp luật và để thực hiện pháp luật.

Tính chất điều hành của quản lý nhà nước thể hiện ở chỗ để bảo đảm cho các văn bản pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước được thực hiện trên thực tế, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước phải tiến hành hoạt động tổ chức và chỉ đạo trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền.

Đặc trưng của hoạt động điều hành là ban hành văn bản dưới luật mang tính pháp lý (hay còn gọi là hoạt động lập quy). Hoạt động chấp hành đồng thời bao hàm sự điều hành bởi trong đa số trường hợp, thiếu hoạt động điều hành thì không thể chấp hành pháp luật một cách nghiêm chỉnh được.

Từ sự phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm khoa học về quản lý nhà

nước như sau: QLNN (hiểu theo nghĩa hẹp) là hoạt động chấp hành và điều

hành do các cơ quan hành chính nhà nước và bộ máy trực thuộc thực hiện (trong một số trường hợp nhất định có thể được thực hiện bởi các chủ thể khác khi được Nhà nước trao quyền), đồng thời là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng pháp luật của các cơ quan nhà nước đối với các quá trình xã hội, các hành vi hoạt động của con người để duy trì, phát triển các mối quan hệ, cũng như trật tự pháp luật nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước 56, tr11.

Quản lý nhà nước là sự biểu hiện khả năng của nhà nước trong việc tổ chức và điều chỉnh đời sống xã hội, quản lý biểu hiện chất lượng xã hội. Quản lý nhà nước biểu thị một năng lực có ý thức điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách ý thức. Khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách có ý thức được thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước.

Để quản lý nhà nước cần phải đặt ra các quy tắc hành vi, ứng xử của con người (ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và ban hành các quyết định quản lý, nhưng không vì thế mà quan niệm quản lý nhà nước là ban hành văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các quyết định quản lý cá biệt cụ thể. Điều này là cần thiết trong quản lý nhà nước, nhưng nếu đi theo lô gic này tất yếu đẫn đến tình trạng: quản lý tức là thông qua các văn bản giấy tờ hoặc tổ chức triền miên các cuộc họp. Thật ra quản lý chính là kết quả của các hoạt động ấy, nói cách khác, quản lý là tác động một cách có ý thức lên quá trình phát triển xã hội, lên nhận thức của con người trong xã hội, quản lý chỉ tồn tại khi ý thức, ý chí, các biện pháp của người lãnh đạo được thể hiện ở trong các hoạt động cải tạo cụ thể, trong đời sống của toàn xã hội, nó buộc mọi người phải suy nghĩ, hành động theo cách mới.. Trong thực tế chúng ta có thể nhận thấy là có nhiều trường hợp khi thấy quản lý yếu kém là các nhà khoa học, quản lý, chính trị… đều cho rằng do thiếu pháp luật, thế là hàng loạt văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật được ban hành, nhưng không ít các văn bản đó chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, không được thực hiện, hoặc chỉ được thực hiện một cách hình thức.

Bởi vậy điều quan trọng đối với các nhà quản lý, là phải luôn ghi nhớ đó là sự tác động mạng lại hiệu quả nhất định. Cho nên quản lý với tư cách là sự tác động phải được quán triệt trong toàn bộ máy quản lý, trong từng cơ quan, trong ý thức của từng người cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Chính sự tác động này phải tạo ra những thay đổi thật sự trong đời sống của toàn xã hội, cải tạo được xã hội, nếu không quản lý mất đi ý nghĩa xã hội của nó.

2.1.3. Quan niệm quản lý nhà nước về giáo dục và bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đại học (Trang 30 - 32)