Khi đứng vững trên quan điểm duy vật về khả năng con người nhận thức được và nhận thức ngày càng đầy đủ thế giới, Phoiơbắc cho rằng, giới tự nhiên và con người chứ không phải lý tính lôgích trừu tượng hay Thượng đế là khách thể của nhận thức. Chủ thể nhận thức cũng không phải là lý tính lôgích trừu tượng mà là con người sống động, tồn tại trong thực tế, có cảm giác và lý trí. Cảm tính trực quan là nguồn gốc của tư duy lý luận, còn tư duy lý luận xử lý tài liệu cảm tính để khám phá ra chân lý. Chân lý là sự phù hợp giữa tư tưởng trong chủ thể với đối tượng được tư tưởng – khách thể. Nhờ vào năng lực của cảm giác và lý trí mà con người có khả năng nhận thức đầy đủ giới tự nhiên, nhưng đó là một quá trình lâu dài, thông qua các cá nhân và các thế hệ khác nhau. Nếu một người không thể nhận thức được thế giới thì tất cả mọi thế hệ nối tiếp có thể nhận thức được thế giới khách quan vô tận.
Dù có quan điểm khả tri, nhưng Phoiơbắc chỉ coi nhận thức là một quá trình tĩnh tại, thụ động của chủ thể tiếp nhận hình ảnh của khách thể mà không phải là quá trình mang tính thực tiễn năng động, sáng tạo thế giới của con người – chủ thể nhận thức. Trong lý luận nhận thức của mình, Phoiơbắc hoàn toàn không thấy được vai trò của thực tiễn đối với nhận thức. Theo ông, thực
tiễn mang tính thấp hèn, do đó, nó cần được loại ra khỏi nhận thức, trục xuất ra khỏi hệ thống triết học. Bản thân ông cũng không hiểu chính hoạt động khoa học cũng là hoạt động thực tiễn. Ông không thấy được vai trò to lớn của thực tiễn là làm hoàn thiện con người, thúc đẩy phát triển sản xuất nói riêng, xã hội nói chung. Vì không thấy trong thực tiễn động lực phát triển xã hội nên ông cố đi tìm nó trong tình yêu.
Mặc dù triết học của Phoiơbắc đầy tính duy vật và nhân bản nhưng nó cũng không ít màu sắc siêu hình. Bởi vì, một mặt, do phủ nhận hệ thống duy tâm của triết học Hêghen nên ông phủ nhận luôn phép biện chứng; mặt khác, ông hiểu biện chứng rất hời hợt, - phép biện chứng không phải là sự độc thoại của một nhà tư tưởng với bản thân mình mà là sự đối thoại giữa Tôi và Anh…
Trong lĩnh vực xã hội, Phoiơbắc cũng như mọi nhà tư tưởng trước Mác đều sa vào chủ nghĩa duy tâm, quá đề cao sức mạnh tinh thần, trước hết là giáo dục, đạo đức, pháp luật… mà không thấy được vai trò của nền sản xuất vật chất đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Triết học của Phoiơbắc không sâu, còn nhiều quan niệm siêu hình, phiếm diện trong lý giải đối tượng triết học, trong việc phân tích bản chất con người, trong việc tìm hiểu thực tiễn và xác định vai trò của nó trong nhận thức và cuộc sống… Đặc biệt, trong việc xác định nguồn gốc, động lực phát triển và phương tiện cải tạo xã hội, quan điểm của Phoiơbắc còn đầy tính duy tâm. Thái độ đối với tôn giáo của ông không nhất quán… Dù vậy, triết học của ông cũng đã khôi phục được truyền thống duy vật thế kỷ XVIII trong hoàn cảnh chủ nghĩa duy tâm thống trị đời sống tinh thần ở Phương Tây, và phát triển chủ nghĩa duy vật thêm một bước. Ông đã trình bày sáng rõ nhiều quan điểm duy vật; ông phê phán triệt để chủ nghĩa duy tâm và Cơ đốc giáo; ông biết đặt con người vào đúng tâm điểm phân tích triết học. Triết học của ông chất chứa đầy tính duy vật và nhân bản, nó là một cội nguồn tư tưởng của triết học Mác.
Câu 16: Trình bày các quan niệm cơ bản của triết học duy vật về vật chất?
Nếu vấn đề kết cấu và tính chất của thế giới vật chất được các ngành khoa học làm sáng tỏ, thì vấn đề bản chất của thế giới
được triết học vạch ra thông qua phạm trù thực thể - cái cơ sở thống nhất của mọi tồn tại. Nếu thực thể của thế giới được triết học duy tâm coi là một bản nguyên tinh thần nào đó như ý niệm tuyệt đối, linh hồn vũ trụ…, thì đối với triết học duy vật, nó là một bản nguyên vật chất. Bản nguyên vật chất này được diễn đạt bằng phạm trù vật chất - phạm trù cơ bản nhất của trào lưu triết học này.
Triết học duy vật đã phát triển trải qua các hình thức duy vật biện chứng chất phác,duy vật siêu hình máy móc và duy vật biện chứng hiện đại. Điều này đã làm cho cách hiểu vật chất với tính cách là một phạm trù triết học ngày càng hoàn thiện và chính xác hơn.