Dù các hình thức nhận thức khác nhau có thể có tiêu chuẩn riêng, nhưng không có tiêu chuẩn nào thay thế tiêu chuẩn thực tiễn, và xét đến cùng, chúng cũng phụ thuộc vào tiêu chuẩn thực tiễn. Vì vậy, C.Mác viết: “Vấn đề tìm hiểu xem tư duy của con người có thể đạt tới chân lý khách quan hay không, hoàn toàn không phải là một vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý…”55.
Thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý phải được hiểu một cách biện chứng, bởi vì nó vừa mang tính tương đối vừa mang tính tuyệt đối. Tính tuyệt đối nói lên tính khách quan của tiêu chuẩn thực tiễn trong việc xác định chân lý, khi thực tiễn được xác định ở một giai đoạn phát triển nhất định. Tính tương đối của tiêu chuẩn thực tiễn thể hiện ở chỗ thực tiễn không chỉ mang yếu tố khách quan mà còn bao hàm cả yếu tố chủ quan, và bản thân nó là một quá trình luôn vận động, biến đổi và phát triển. Những yếu tố chủ quan sẽ được khắc phục, tính xác định của thực tiễn ở giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ khác đi. Vì vậy, tiêu chuẩn thực tiễn không cho phép biến những tri thức mà con người nhận thức được ở một giai đoạn hoạt động thực tiễn nhất định thành chân lý tuyệt đích bất di bất dịch, mà là đòi hỏi phải tiếp tục kiểm nghiệm chúng ở mọi giai đoạn nhận thức tiếp theo của con người.
Quán triệt tính biện chứng của tiêu chuẩn chân lý – thực tiễn sẽ giúp chúng ta xây dựng quan điểm thực tiễn. Quan điểm này đòi hỏi:
Việc nhận thức của chúng ta dù ở bất cứ giai đoạn, trình độ nào đều phải xuất phát từ thực tiễn, dựa trên cơ sở thực tiễn, đi sâu vào thực tiễn, phải coi trọng việc tổng kết thực tiễn; Học đi đôi với hành; Lý luận phải gắn liền với thực tiễn.
Xa rời quan điểm thực tiễn sẽ dẫn đến chủ nghĩa giáo điều, quan liêu, bảo thủ, sẽ sa vào chủ nghĩa tương đối, quan điểm chủ quan, duy ý chí.
Câu 36: Phương pháp là gì? Hãy trình bày các phương pháp nhận thức khoa học.