Mối quan hệ biện chứng

Một phần của tài liệu NGÂN CÂU CÂU HỎI VÀ ĐÁP ÁN MÔN TRIẾT HỌC CAO HỌC (Trang 48)

Vấn đề mối quan hệ biện chứng giữa cái riêng và cái chung là một trong những vấn đề quan trọng và khó nhất của triết học nói riêng, của sự nhận thức của nhân loại nói chung. Trong quá trình tìm cách giải quyết vấn đề này đã hình thành nên hai quan điểm đối lập nhau.

Phái duy thực cho rằng cái chung tồn tại độc lập với ý thức con người, không phụ thuộc vào cái riêng, sinh ra cái riêng. Còn cái riêng thì hoặc không tồn tại, hoặc nếu có tồn tại thì cũng là do cái chung sản sinh ra và chỉ tồn tại tạm thời, thoáng qua, không phải là cái tồn tại vĩnh viễn. Cái riêng sinh ra và chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định rồi mất đi, chỉ có cái chung mới tồn tại vĩnh viễn, không trải qua một biến đổi nào cả.

Phái duy danh thì ngược lại, họ cho rằng chỉ có cái riêng là tồn tại thực sự, còn cái chung chẳng qua là những tên gọi trống rỗng do lý trí con người đặt ra, tạo ra, chứ không phản ánh một cái gì tồn tại trong hiện thực.

Cả hai quan niệm của phái duy danh và phái duy thực đều là những quan niệm sai lầm. Họ đã tách rời cái riêng khỏi cái chung, tuyệt đối hoá cái riêng, phủ nhận cái chung; hoặc ngược lại. Nếu xuất phát từ những quan niệm đó thì chúng ta không thể nào tìm ra được những phương pháp đúng đắn để giải quyết các vấn đề được đặt ra trong hoạt động nhận thức và thực tiễn. Vì nếu theo quan điểm của phái duy thực coi cái chung tồn tại trước và độc lập với cái riêng, sinh ra cái riêng, ta phải đi đến kết luận rằng, khái niệm tồn tại trước và độc lập với cái mà nó phản ánh, và như vậy cũng có nghĩa là ý thức là cái có trước và sản sinh ra vật chất, đây thực chất là một quan niệm hoàn toàn duy tâm. Ngược lại, nếu theo quan điểm của phái duy danh, coi cái chung không tồn tại, là những tên gọi trống rỗng do lý trí con người đặt ra, nó không phản ánh một cái gì tồn tại trong hiện thực cả, như vậy thì khái niệm vật chất cũng trở thành một cái hoàn toàn trống rỗng, không biểu thị một cái gì cả. Vậy chủ nghĩa duy vật sẽ là giả dối khi mà toàn bộ lý luận của nó được xây dựng trên quan niệm cho rằng vật chất là cái tồn tại thực sự và khách quan. Và cả hai phái đều tỏ ra siêu hình, vì đều không nhận thức được mối quan hệ vốn có giữa cái riêng và cái chung.

Phép biện chứng duy vật khẳng định rằng, cả cái chung và cái riêng đều tồn tại khách quan, giữa chúng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Điều đó thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng để biểu hiện sự tồn tại của mình.

Điều đó có nghĩa là cái chung thực sự tồn tại, nhưng nó chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng chứ không tồn tại biệt lập, lơ lửng ở đâu đó bên cạnh cái riêng, ngoài cái riêng. Ví dụ, không có con “động vật” chung tồn tại bên cạnh con trâu, con bò,

con gà cụ thể. Trong bất cứ con trâu, con bò, con gà riêng lẻ nào cũng đều bao hàm trong nó thuộc tính chung của động vật, đó là quá trình trao đổi chất giữa cơ thể sống và môi trường.

Thứ hai, cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ dẫn tới cái chung, bất cứ cái riêng nào cũng bao hàm cái chung.

V.I.Lênin viết: “cái riêng không tồn tại như thế nào khác ngoài mối liên hệ dẫn tới cái chung”49. Điều này có nghĩa là cái riêng tồn tại độc lập, nhưng sự tồn tại độc lập đó không phải là hoàn toàn cô lập với cái khác. Ngược lại, bất cứ cái riêng nào cũng nằm trong mối liên hệ dẫn tới cái chung và bất cứ cái riêng nào cũng bao hàm trong nó cái chung. Ví dụ, nền kinh tế của mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng phong phú là những cái riêng. Nhưng bất cứ nền kinh tế nào cũng bị chi phối bởi các quy luật chung như quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng v.v..

Thứ ba, cái chung là một bộ phận của cái riêng, còn cái riêng là cái toàn bộ, nó không gia nhập hết vào cái chung. Cái riêng là cái toàn bộ, phong phú hơn cái chung vì ngoài những đặc điểm, thuộc tính chung được lặp lại ở các sự vật khác ra thì bất cứ cái riêng nào cũng còn chứa đựng những cái đơn nhất, tức là những mặt, những thuộc tính v.v. chỉ có ở nó và không được lặp lại ở bất cứ một kết cấu vật chất nào khác, những đặc điểm riêng phong phú đó không gia nhập hết vào cái chung. Cái chung phản ánh những thuộc tính, những mối liên hệ bản chất tất nhiên, lặp lại ở nhiều sự vật, hiện tượng riêng lẻ, những thuộc tính chung ấy chỉ là bộ phận của cái riêng nhưng lại sâu sắc hơn cái riêng, vì nó gắn liền với cái bản chất chung của cả một tập hợp những cái riêng, nó quy định phương hướng tồn tại và phát triển của những cái riêng đó.

Thứ tư, cái riêng và cái chung có thể chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật thông qua sự chuyển hoá giữa cái đơn nhất, cái đặc thù,cái phổ biến.

Trong hiện thực, cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay một lúc, ban đầu nó xuất hiện dưới dạng cái đơn nhất, cái cá biệt ở một cái riêng nhất định; về sau, theo quy luật tất yếu, cái mới nhất định phát triển mạnh dần lên và mở rộng ra ở một số cái riêng với tư cách là cái đặc thù; cuối cùng, cái mới hoàn thiện và hoàn toàn chiến thắng cái cũ và trở thành cái chung - cái phổ biến. Ngược lại, cái cũ lúc đầu là cái chung, cái phổ biến, nhưng về sau cái cũ ngày càng mất dần thành cái đặc thù, rồi thành cái đơn nhất trước khi hoàn toàn mất hẳn.

3. Ý nghĩa phương pháp luận

Vì cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng để biểu hiện sự tồn tại của mình. Do đó, trong hoạt động thực tiễn không nên nhấn mạnh tuyệt đối hóa cái chung phủ nhận cái riêng.

Vì cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ dẫn tới cái chung, bất cứ cái riêng nào cũng bao hàm cái chung. Do đó, trong hoạt động thực tiễn không được nhấn mạnh tuyệt đối hóa cái riêng, phủ nhận cái chung.

Để phát hiện ra cái chung, quy luật chung chúng ta phải xuất phát từ cái riêng, phải xuất phát từ việc phân tích các sự vật, hiện tượng riêng lẻ. Cái chung sau khi đã được rút ra từ cái riêng, khi đem áp dụng vào cái riêng lại phải căn cứ vào đặc điểm của cái riêng để làm cho nó phù hợp.

Cái chung là cái sâu sắc, cái bản chất chi phối cái riêng. Cái riêng là cái phong phú hơn cái chung. Cho nên trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn phải căn cứ vào cái chung sâu sắc làm cơ sở, đồng thời chú ý đến cái riêng phong phú để bổ sung cho nó hoàn thiện.

Trong những điều kiện nhất định cái đơn nhất có thể chuyển hóa thành cái chung và ngược lại. Vì vậy, trong hoạt động thực tiễn muốn xác định được đâu là cái chung đâu là cái đơn nhất phải đặt nó trong một quan hệ xác định. Có thể và cần phải tạo điều kiện thuận lợi để cái đơn nhất có lợi cho con người trở thành cái chung và cái chung bất lợi trở thành cái đơn nhất.

 Câu 27: Phân tích mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả. Ý nghĩa phương pháp luận của cặp phạm trù này? Nhìn vào thế giới vật chất đang vận động, chúng ta thấy rằng bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng nằm trong mối liên hệ vật chất, cái này ra đời từ cái kia và khi mất đi thì trở thành cái khác, không có sự vật, hiện tượng nào ra đời từ hư vô và khi mất đi lại trở về hư vô. Sự thay thế lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng đó biểu hiện một sự thật là tất cả các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan đều tồn tại và vận động trong mối liên hệ nhân quả với nhau. Cái này là nguyên nhân của cái kia, là kết quả của cái khác. Vậy nguyên nhân và kết quả là gì?

1. Khái niệm

Nguyên nhân là phạm trù triết học chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hay giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó ở các sự vật.

Ví dụ, sự tác động của dòng điện với dây dẫn là nguyên nhân làm cho dây dẫn nóng lên. Ở đây, cần phân biệt nguyên nhân khác với nguyên cớ và điều kiện. Trước hết, cần hiểu nguyên nhân là do mối liên hệ bản chất bên trong sự vật quyết định,còn nguyên cớ được quyết định bởi mối liên hệ bên ngoài có tính chất giả tạo. Ví dụ, nguyên nhân của việc mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc nước ta là ở bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ. Nhưng chúng đã dựng nên “Sự kiện vịnh Bắc bộ” vào ngày 49 V.I.Lênin, Toàn tập, T. 29, tr. 318 (tiếng Nga).

5/8/1964 để lấy đó làm nguyên cớ ném bom miền Bắc. Nguyên nhân là cái gây ra kết quả, còn điều kiện tự nó không gây ra kết quả, nhưng nó đi liền giúp cho nguyên nhân gây ra kết quả. Ví dụ, vận động bên trong hạt thóc là nguyên nhân tạo thành cây lúa, nhưng hạt thóc muốn trở thành cây lúa phải có điều kiện độ ẩm, ánh sáng v.v. thích hợp. Nguyên nhân phải gây ra kết quả mới được gọi là nguyên nhân, và sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật là quan trọng vì nó nói lên sự vận động tự thân của sự vật, hiện tượng.

Kết quả là phạm trù triết học chỉ các biến đổi do nguyên nhân tương ứng gây ra.

Ví dụ, hiện tượng dây dẫn nóng lên là kết quả tác động của dòng điện với dây dẫn. Cần lưu ý rằng kết quả phải là kết quả của nguyên nhân sinh ra nó. Ví dụ, quả trứng gà B là kết quả của con gà A sinh ra nó, chứ không thể là kết quả của mọi con gà C, D nào khác. Kết quả phải là biến đổi đã hoàn thành mới đựơc gọi là kết quả. Ví dụ, tấm bằng cử nhân là kết quả học tập của một sinh viên sau thời gian học tập ở bậc đại học, còn điểm số từng môn học trong quá trình học ở đại học là quá trình hình thành của kết quả ấy.

Tính chất của mối liên hệ nhân quả

Thứ nhất, tính khách quan. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì mối quan hệ nhân quả mang tính khách

quan. Tính khách quan của mối liên hệ nhân quả thể hiện ở chỗ mối liên hệ đó tồn tại trong bản thân các sự vật, nó diễn ra ngoài ý muốn của con người, không phụ thuộc vào việc người ta có nhận thức được nó hay không. Ngược lại, quan điểm của chủ nghĩa duy tâm lại cho rằng mối quan hệ nhân quả là do Thượng đế sinh ra hoặc do cảm giác của con người quyết định.

Thứ hai, tính phổ biến. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì tất cả mọi sự vật, hiện tựơng xuất hiện đều có nguyên nhân, không có hiện tượng nào không có nguyên nhân cả, chỉ có điều là con người đã biết hoặc chưa biết nguyên nhân đó mà thôi, các nguyên nhân này vẫn tồn tại một cách khách quan và sớm hay muộn con người sẽ phát hiện ra nó. Đây là nguyên tắc quyết định luận duy vật biện chứng hết sức quan trọng trong nghiên cứu khoa học, nó đòi hỏi khi khoa học đứng trước một sự vật, hiện tượng nào đó cần phải tìm ra nguyên nhân của sự vật, hiện tượng đó. Chủ nghĩa duy tâm hiện đại ra sức phủ nhận nguyên tắc này và thay vào đó bằng nguyên tắc vô định luận cho rằng không có sự ràng buộc nhân quả trong tự nhiên, rằng có những hiện tượng không có nguyên nhân, đây là quan điểm sai lầm và gây ra tác hại to lớn trong hoạt động thực tiễn.

Thứ ba, tính tất yếu. Tính tất yếu thể hiện ở chỗ, với một nguyên nhân nhất định, trong một điều kiện nhất định sẽ cho ra đời một kết quả nhất định và ngược lại. Ví dụ nước nguyên chất luôn luôn sôi ở 1000C trong điều kiện áp suất 1 at.

2. Mối quan hệ biện chứng

Một là, nguyên nhân là cái sinh ra kết quả.

Nguyên nhân luôn luôn có trước kết quả, được sản sinh ra trước kết quả. Còn kết quả chỉ xuất hiện sau khi nguyên nhân sinh ra nó đã xuất hiện. Tuy nhiên, trong tự nhiên, chúng ta bắt gặp rất nhiều các hiện tượng kế tiếp nhau như ngày luôn đến sau đêm, sấm luôn đến sau chớp v.v., nhưng ngày không phải là nguyên nhân sinh ra đêm, sấm không phải là nguyên nhân sinh ra chớp. Mối liên hệ nhân quả không đơn thuần là sự kế tiếp nhau về mặt thời gian. Ngoài sự kế tiếp nhau về thời gian, mối quan hệ nhân quả còn là mối quan hệ sản sinh, trong đó nguyên nhân là cái đẻ ra (cái sản sinh), là cái sinh ra kết qua (cái phái sinh).

Nguyên nhân sinh ra kết quả rất phức tạp, bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Cùng một nguyên nhân trong điều kiện hoàn cảnh khác nhau sẽ gây nên những kết quả khác nhau. Ví dụ, hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, nhưng do thể trạng của người hút thuốc khác nhau thì mức độ tác hại với mỗi người sẽ khác nhau. Một kết quả có thể do một hay nhiều nguyên nhân khác nhau tác động riêng lẻ hay tác động cùng một lúc. Ví dụ, vật thể nóng lên có thể do bị đốt nóng, có thể do cọ sát với vật thể khác, có thể do ánh sáng mặt trời chiếu vào v.v., hoặc năng suất lúa cao do nhiều nguyên nhân như giống tốt, nước tưới đủ, phân bón đủ, chăm sóc chu đáo. Ngược lại, một nguyên nhân lại dẫn đến nhiều kết quả. Ví dụ, do nguyên nhân chặt phá rừng đã gây ra nhiều kết quả như lũ lụt, hạn hán, nạn đói, sự tuyệt chủng của một số loài sinh vật v.v..

Khi các nguyên nhân tác động cùng một lúc lên sự vật thì hiệu quả tác động của từng nguyên nhân tới sự hình thành kết quả sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào hướng tác động và cường độ tác động của nó. Nếu nhiều nguyên nhân tác động cùng chiều sẽ thúc đẩy và tăng cường kết quả, nếu nguyên nhân tác động ngược chiều thì nguyên nhân này làm suy yếu, tiêu diệt tác dụng của nguyên nhân kia làm hạn chế và kìm hãm kết quả.

Do chỗ một kết quả có thể đựơc gây nên bởi tác động đồng thời của một số nguyên nhân và hiệu quả tác động của từng nguyên nhân tới sự hình thành kết quả không giống nhau, cho nên chúng ta cần phân loại để xác định đựơc vai trò, tác dụng của từng nguyên nhân đối với việc hình thành kết quả.

Tuỳ theo vai trò, tính chất,vị trí của nguyên nhân mà người ta phân ra các loại nguyên nhân như: nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp.

Nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân mà thiếu nó thì kết quả không thể xảy ra, còn nguyên nhân thứ yếu là những nguyên nhân chỉ quyết định những đặc điểm nhất thời, không ổn định, cá biệt, và khi tác động, nó phụ thuộc vào nguyên nhân chủ yếu. Ví dụ, để có năng suất lúa cao thì giống là nguyên nhân chủ yếu, còn nước, phân bón, chăm sóc là nguyên nhân thứ yếu. Nước, phân

Một phần của tài liệu NGÂN CÂU CÂU HỎI VÀ ĐÁP ÁN MÔN TRIẾT HỌC CAO HỌC (Trang 48)