- Tâm lý xã hội bao gồm toàn bộ tình cảm, xúc cảm, kinh nghiệm, thói quen v.v của con người, được hình thành tự phát dưới tác động trực tiếp của đời sống hàng ngày và phản ánh đời sống đó.
3. Vai trò rất quan trọng của lãnh tụ trong lịch sử
Trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, lãnh tụ có nhiệm vụ: Một là, nắm bắt xu thế của dân tộc, quốc tế và thời đại trên cơ sở hiểu biết những qui luật khách quan của các quá trình kinh tế, chính trị, xã hội; Hai là, định hướng chiến lược, hoạch định chương trình hành động cách mạng; Ba là, tổ chức lực lượng, giáo dục, thuyết phục quần chúng, thống nhất ý chí và hành động của quần chúng vào giải quyết những công việc then chốt nhất. Lãnh tụ có vai trò rất quan trọng trong lịch sử; vai trò đó được thể hiện ở chỗ:
Một là, lãnh tụ có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự tiến bộ xã hội. Nếu lãnh tụ nhận thức được những qui luật vận động của xã hội, trên cơ sở đó định hướng đúng đắn phong trào cách mạng thì sẽ thúc đẩy xã hội phát triển; ngược lại, nếu lãnh tụ không nắm bắt được xu thế vận động của dân tộc, thời đại thì sẽ kìm hãm sự phát triển đối với xã hội, thậm chí có thể dẫn lịch sử trải qua những bước quanh co, phức tạp.
Hai là, lãnh tụ thường là người sáng lập ra các tổ chức chính trị, xã hội, là linh hồn của tổ chức xã hội. Do đó, lãnh tụ là người sáng lập, quản lý, điều khiển các tổ chức xã hội và có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các tổ chức đó.
Ba là, lãnh tụ còn là tấm gương mẫu mực để quần chúng phấn đấu, học tập nhằm nâng cao nhân cách của các thành viên trong tổ chức. Sau khi hoàn thành vai trò của mình, lãnh tụ trở thành biểu tượng tinh thần sống mãi trong tình cảm và niềm tin (tâm khảm) của quần chúng nhân dân.