Do bản thân khách thể nhận thức luôn tồn tại một cách cụ thể và không ngừng vận động, phát triển nên chân lý – hình ảnh chủ quan phù hợp với khách thể khách quan cũng phải mang tính khách quan, tính cụ thểvà tính quá trình (tính tương đối và tính tuyệt đối).
+ Tính khách quan là tính chất cơ bản của chân lý, vì vậy mọi chân lý còn được gọi là chân lý khách quan. Tính khách quan của chân lý thể hiện ở chỗ nội dung của nó không phụ thuộc vào con người và loài người, mà chỉ phụ thuộc vào khách thể mà nó phản ánh. Thừa nhận chân lý khách quan cũng có nghĩa là thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới và sự phản ánh thế giới vào trong bộ óc con người, nghĩa là thừa nhận chủ nghĩa duy vật, cho dù hình thức tồn tại của chân lý là chủ quan.
+ Tính cụ thể cũng là tính chất cơ bản củachân lý, vì vậy mọi chân lý còn được gọi là chân lý cụ thể. Tính cụ thể của chân lý thể hiện ở chỗ khách thể mà chân lý phản ánh bao giờ cũng thuộc về một lĩnh vực cụ thể, đang tồn tại trong một điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, vì vậy chân lý phải phản ánh những điều kiện, quan hệ cụ thể đó của khách thể vào trong nội dung của chính mình. Vượt qua điều kiện lịch sử – cụ thể, chân lý sẽ không còn là chân lý nữa. Tính cụ thể của chân lý và quan điểm lịch sử – cụ thể có liên hệ mật thiết lẫn nhau. Đó là “linh hồn sống động” của triết học Mác.
+ Tính quá trình (tính tương đối và tính tuyệt đối) cũng là tính chất cơ bản của chân lý, vì vậy mọi chân lý đều là những
quá trình. Tính quá trình của chân lý thể hiện ở mối liên hệ biện chứng giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối; nó phản ánh tính vô tận của quá trình nhận thức của con người. Chân lý tương đối là tri thức phản ánh đúng hiện thực khách quan (khách thể) nhưng chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, cần phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình phát triển tiếp theo. Chân lý tuyệt đối là tri thức hoàn toàn đầy đủ, hoàn chỉnh về thế giới khách quan.
Thừa nhận chân lý cụ thể, chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối cũng có nghĩa là thừa nhận sự tồn tại khách thể trong mối liên hệ với mọi khách thể khác và trong sự vận động, phát triển của bản thân khách thể, cũng như của sự phản ánh nó vào trong bộ óc con người, nghĩa là thừa nhận phép biện chứng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng, “tư duy con người có thể cung cấp và đang cung cấp cho chúng ta chân lý tuyệt đối mà chân lý này chỉ là tổng số những chân lý tương đối. Mỗi giai đoạn phát triển của khoa học lại đem thêm những hạt mới vào cái tổng số ấy của chân lý tuyệt đối”54. Do bản tính khách quan mà trong mỗi chân lý tương đối vẫn chứa một yếu tố nào đó của chân lý tuyệt đối. Sở dĩ như vậy là vì thế giới khách quan là vô cùng tận, nó biến đổi, phát triển không ngừng, không có giới hạn tận cùng, trong khi đó, nhận thức của từng con người, của từng thế hệ lại luôn bị hạn chế bởi điều kiện khách quan và năng lực chủ quan.
• Quán triệt sự thống nhất biện chứng giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng. Nó phê phán và khắc phục những thái độ cực đoan trong hành động thực tiễn và sai lầm trong nhận thức khoa học. Bởi vì, nếu cường điệu chân lý tuyệt đối, hạ thấp chân lý tương đối sẽ rơi vào quan điểm siêu hình, chủ nghĩa giáo điều, đầu óc bảo thủ trì trệ; còn ngược lại, nếu cường điệu chân lý tương đối, hạ thấp chân lý tuyệt đối sẽ rơi vào chủ nghĩa tương đối và từ đó đi đến chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa hoài nghi và thuyết bất khả tri.