Đặc điểm của doanh nghiệp ngành công nghiệp tiêu dùng

Một phần của tài liệu Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngành công nghiệp tiêu dùng Việt Nam (Trang 30)

6. Kết cấu đề tài

1.1.2. Đặc điểm của doanh nghiệp ngành công nghiệp tiêu dùng

Các DN ngành CNTD giữ vị trí quan trọng của bất kỳ nền kinh tế nào với trách nhiệm tạo ra những sản phẩm thiết yếu phục vụ xã hội, mang trong mình những đặc điểm sau:

Thứ nhất, DN ngành CNTD sử dụng nhiều lao động xã hội. Cũng như phần lớn các DN trong ngành công nghiệp, các DN ngành CNTD sử dụng lực lượng lao động có quy mô lớn, đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Người lao động của các DN ngành CNTD tùy thuộc vào trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ DN áp dụng cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn về trình độ, kỹ năng… khác nhau. Trong xu thế hội nhập những sản phẩm toàn cầu đặt ra những thách thức trong sản xuất, đó là những sản phẩm phải được tạo ra bởi những người lao động

được làm việc trong một môi trường phải đảm bảo những điều kiện theo các tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia vềđiều kiện làm việc (hạn chế việc làm bấp bênh, hạn chế ô nhiễm, độc hại đối với người lao động, đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động, chú ý độ tuổi lao động, đặc thù của lao động nữ,…). Chính vì vậy, một trong những đòi hỏi đối với DN ngành CNTD là phải thực hiện TNXH định hướng người lao động, bao gồm TNXH đảm bảo quyền (theo luật định: quy định tại tiêu chuẩn quốc tế của ILO, pháp luật lao động quốc gia, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, hợp đồng lao động) và TNXH đảm bảo lợi ích.

Thứ hai, DN ngành CNTD tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiêu dùng trực tiếp. Đây là đặc điểm khác biệt của DN ngành CNTD so với các DN ngành công nghiệp khác. Sản phẩm của DN ngành CNTD có tác động trực tiếp đến NTD cả về vấn đề kinh tế (giá cả, chi phí,…) đến các vấn đề về sức khỏe, sự an toàn, dịch vụ, xu hướng tiêu dùng,... Vấn đề này yêu cầu DN ngành CNTD phải có TNXH đảm bảo quyền lợi trực tiếp của người tiêu dùng như đảm bảo chất lượng sản phẩm, tính an toàn của sản phẩm, không phân biệt đối xử trong định giá sản phẩm, quảng cáo trung thực về sản phẩm, thực hiện đúng các cam kết khác đối với khách hàng (khuyến mại, dịch vụ đi kèm, khiếu nại…). Trong xã hội hiện đại ngày nay, những khách hàng thông thái sẽ tẩy chay những sản phẩm không được ra bởi sự tôn trọng họ, điều đó đồng nghĩa với việc DN sẽ không bán được hàng, không có doanh thu, không có lợi nhuận, thậm chí phá sản. Trong nền kinh tế thị trường các DN ngành CNTD thực hiện “bán những sản phẩm mà thị trường cần” song sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở cấp độ cao hơn đã trao cho DN ngành CNTD thêm nhiệm vụ “định hướng tiêu dùng khách hàng” bên cạnh các nhiệm vụ “đáp ứng nhu cầu khách hàng” vốn có. Điều này giải thích cho sự đòi hỏi tính chủ động cao hơn của DN ngành CNTD khi tiếp cận khách hàng. Tóm lại, DN ngành CNTD phải coi thực hiện TNXH định hướng khách hàng là nhiệm vụ then chốt đối với sự tồn tại và phát triển.

Thứ ba, sự phát triển của DN ngành CNTD chịu ảnh hưởng của sự phát triển của DN phụ trợ. Đầu vào của DN ngành CNTD chính là sản phẩm đầu ra của các DN phụ trợ, ví dụ: DN ngành công nghiệp dệt may sử dụng sản phẩm của các DN sản xuất nguyên liệu, phụ kiện như sợi, bông, chỉ, vải, hóa phẩm vải,… DN ngành công nghiệp giày da sử dụng sản phẩm của các DN sản xuất, chế biến cao su, da

thuộc, vải giả da, hóa chất thuộc da, da muối, chỉ may giày, vật liệu giấy và bao bì… DN ngành công nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng sản phẩm của các DN sản xuất bao bì, nguyên liệu thực phẩm, hóa chất thực phẩm,… Thực tế cho thấy ở đâu ngành công nghiệp phụ trợ phát triển thì ởđó ngành CNTD có lợi thế so sánh cao hơn. Hiện nay trên thế giới có các mô hình phát triển công nghiệp phụ trợ, đó là phát triển theo hướng tự phát, phát triển theo chiến lược cầu – cung, phát triển theo chiến lược cung – cầu, phát triển chiến lược dựa vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Lựa chọn mô hình phát triển nào thì tùy thuộc vào điều kiện và chiến lược của mỗi quốc gia đối với từng ngành công nghiệp. Để có căn cứ hoạch định chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ rất cần có những thông tin minh bạch về tình hình tài chính, định hướng phát triển, nhu cầu sản xuất,… từ các DN ngành CNTD – đó chính là một TNXH nữa của các DN này.

Thứ tư, DN ngành CNTD có tác động đến môi trường tự nhiên. Điều này được giải thích trước hết bởi DN ngành CNTD sử dụng nhiều nguyên liệu là tài nguyên thiên nhiên như nguồn thủy hải sản, lâm sản, nông sản,… Việc khai thác và sử dụng những nguồn tài nguyên này cần phải được thực hiện một cách có “trách nhiệm” nếu không muốn chúng cạn kiệt, tuyệt chủng. Tiếp nữa, DN ngành CNTD thường sử dụng nhiều máy móc, thiết bị trong sản xuất nên tạo ra nhiều chất thải độc hại, rác thải công nghiệp có thể gây ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước, nguồn thổ nhưỡng) nếu không có những biện pháp xử lý phù hợp. Vì vậy một đòi hỏi nữa đối với DN ngành CNTD trong việc thực hiện TNXH là cần xây dựng và thực hiện những biện pháp trong việc chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Ngoài ra, DN ngành CNTD với những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người nên khá dễ dàng trong việc tiếp cận với các thành viên khác trong xã hội (người nghèo, trẻ em khuyết tật, người bị thiên tai, các đối tượng yếu thế khác…) bằng chính sản phẩm của mình bên cạnh việc sử dụng các nguồn tài chính. Ví dụ các DN dệt may có thể thực hiện hoạt động từ thiện bằng việc trao các phần quà là quần áo; DN chế biến lương thực phẩm có thể trao các phần quà là mì ăn liền, bánh kẹo, sữa, gạo… cho các đối tượng này. Vì vậy hình ảnh, thương hiệu của DN ngành CNTD trong các hoạt động xã hội thường gắn với hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm.

Một phần của tài liệu Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngành công nghiệp tiêu dùng Việt Nam (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)