Nhóm giải pháp duy trì lợi thế cạnh tranh của Xí Nghiệp:

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh của xí nghiệp kinh doanh xăng dầu kiên giang trong phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh kiên giang (Trang 93)

Giải pháp 4: Không ngừng nâng cao năng lực quản lý, điều hành

Con người quyết định hiệu quả công việc nên trong thời gian tới Xí Nghiệp phải chú trọng hơn nữa công tác quản lý điều hành nhất là ở Ban Giám Đốc vì đây là bộ não hoạch định kế hoạch, chiến lược kinh doanh của Xí Nghiệp; đồng thời củng cố và xây dựng đội ngũ quản lý điều hành trong tất cả các khâu, các bộ phận bằng cách bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho những nhân viên quản lý hiện có, có kế hoạch luân chuyển, hoán đổi vị trí, chuẩn hóa đội ngũ quản lý ở khâu Kho chứa, cửa hàng bán lẻ, phương tiện vận tải. Có chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện tốt nhất cho những người quản lý hiện hành học tập nghiên cứu, rèn luyện bản lĩnh dám làm dám chịu, có tư duy sáng tạo, đạo đức văn hóa nghề nghiệp. Và quan trọng nhất là tuyển dụng, quy hoạch và bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo để thay thế khi cần thiết.

Giải pháp 5: Duy trì và nâng cao chất lượng xăng dầu

Phương châm kinh doanh của Xí Nghiệp là lấy chất lượng và đo lường là tiêu chí hàng đầu. Trên thực tế hai tiêu chí này được người tiêu dùng, khách hàng, đại lý tín nhiệm và đánh giá cao trong thời gian qua.

Một nghiên cứu đã đanh dấu bước chuyển mới của cách nhìn về việc tiếp cận vấn đề lợi thế cạnh tranh trên thế giới: trong một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm ở Mỹ và Nhật tiến hành bởi một tập hợp một số trường đào tạo quản trị kinh doanh nổi tiếng của Mỹ, kết quả cho biết là 82% lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đề cao chất lượng sản phẩm như là lợi thế cạnh tranh có tính quyết định vào đầu thiên niên kỷ 21. Trong khi đó 86% các lãnh đạo doanh nghiệp của Nhật cho rằng đổi mới sản phẩm là lợi thế cạnh tranh cơ bản nhất. [7]

Vì vậy, để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, Xí Nghiệp cần phải lưu ý đến những giải pháp sau:

(1) Quản lý tốt chất lượng sản phẩm ở tất cả các khâu: giao nhận đầu nguồn tại kho nhà cung ứng, trong quá trình vận chuyển đến kho Xí Nghiệp, trong thời gian tồn chứa, đến quá trình vận chuyển bằng xe bồn cho người mua cũng như hoạt động tồn chứa bơm rót tại các điểm bán lẻ trực thuộc.

(2) Kiểm soát khâu đo lường trong giao nhận bơm rót như lưu lượng kế tại kho, cửa hàng bán lẻ, barem xà lan, xe bồn.

(3) Rút ngắn thời gian tồn chứa để tránh màu sắc của xăng dầu biến đổi gây nghi nghờ cho người mua đặc biệt là xăng và dầu DO.

(4) Thực hiện tốt việc quản lý chất lượng, đo lường theo tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN hiện hành. Trang bị từng bước các công cụ kiểm tra octan, hàm lượng nước, và kiểm định đúng hạn về đo lường cho lưu lượng kế, barem xà lan, xe bồn.

Giải pháp 6: Đẩy mạnh đầu tư vào nâng cấp trang thiết bị, công cụ, máy móc hiện đại trong khâu đo lường.

Đo lường chính xác đóng vai trò rất quan trọng để cạnh tranh trên thương trường. Quá trình hoạt động dẫn đến hao mòn, xuống cấp hoặc kém hiệu suất, lạc hậu so với sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường, Xí Nghiệp cần phải đầu tư, đổi mới cụ thể như sau:

(1) Đầu tư đồng bộ các trụ bơm mới hiện đại, chính xác, hoạt động ổn định, dễ kiểm soát và dễ quan sát tại các cây xăng bán lẻ vì đa số chúng đã được sử dụng gần 10 năm.

(2) Nâng cấp hệ thống máy bơm xuất, nhập, đường ống công nghệ ở tất cả các kho xăng dầu vì chúng đã xuống cấp do sử dụng hơn 10 năm qua.

(3) Đầu tư một số bồn chứa mới để thay thế cho những cái cũ gần 20 năm (4) Tiếp tục mua mới thêm xe bồn để có đội xe vận tải mới hiện đại, bắt mắt khách hàng và an toàn trong chuyên chở.

Giải pháp 7: Duy trì và phát triển uy tín thương hiệu ngày càng vững chắc

Thương hiệu được coi là một tài sản vô hình rất khó đo lường bằng những con số cụ thể. Uy tín thương hiệu của Xí Nghiệp được khách hàng, đại lý và nhân viên bán hàng đánh giá ở mức cao nhất. Tên tuổi có sức lan tỏa rất lớn và có khả năng tác động đến thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Sự nhận biết thương hiệu là giai đoạn đầu tiên của tiến trình mua sắm tác động đến quyết định tiêu dùng của khách hàng và là một tiêu chí quan trọng để đo lường sức mạnh của doanh nghiệp. Sự nhận biết thương hiệu được tạo ra từ chất lượng sản phẩm, phân phối, giá cả, quan hệ cộng đồng, quảng cáo, khuyến mãi, nhân sự …v.v. Vì vậy, trong tương lai, Xí Nghiệp phải đề ra chiến lược phát triển thương hiệu một cách rõ ràng, cụ thể, triển khai đến tất cả các bộ phận bên trong để thống nhất ý chí hành động. Cần lưu ý những giải pháp sau:

(1) Chất lượng xăng dầu, công tác chăm sóc khách hàng, là những yếu tố cốt lõi tạo nên uy tín thương hiệu; vì vậy Xí Nghiệp phải quan tâm, đầu tư thích đáng vào hai lĩnh vực này.

(2) Xây dựng thương hiệu trên cơ sở nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng; phát triển hệ thống kênh phân phối qua đại lý và bán lẻ trực tiếp

(3) Coi trọng các biện pháp phụ như quảng cáo, khuyến mãi, quan hệ cộng đồng tại thị trường khu vực.

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh của xí nghiệp kinh doanh xăng dầu kiên giang trong phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh kiên giang (Trang 93)