2. CHƯƠNG TRÌNH VÀ SÁCH GIÁO KHOA HIỆN HÀNH CHÚ TRỌNG VIỆC SỬ DỤNG TRI THỨC VĂN HÓA TRONG DẠY HỌC TÁC PHẨM
2.2. Sách giáo khoa và sách giáo viên chú ý cung cấp tri thức văn hóa cho học sinh và giáo viên
hóa cho học sinh và giáo viên
Chính vì coi trọng tính văn hoá của tác phẩm văn học và vai trò của tri thức văn hóa trong đọc hiểu tác phẩm văn chương nên sách giáo khoa và sách giáo viên hiện hành rất chú trọng cung cấp các tri thức văn hóa cần thiết cho học sinh và giáo viên, phục vụ cho việc đọc hiểu tác phẩm văn học.
Tri thức đọc hiểu chủ yếu được trình bày ở sách giáo khoa, trong đó, tri thức văn hóa là bộ phận quan trọng của tri thức đọc hiểu. Các tri thức này có ở phần Tiểu dẫn, phần bài học về tác giả - đối với những tác gia lớn. Đặc biệt trong sách Ngữ văn 10( bộ nâng cao), tri thức đọc hiểu còn được trình bày dưới dạng một đề mục riêng, một phần trong cấu trúc bài học. Đây thực sự là những tri thức văn hóa bổ ích và thiết thực đối với người học khi tìm hiểu những giá trị văn học của tác phẩm. Chẳng hạn trong bài về “Tác gia Nguyễn Du”, sách giáo khoa Ngữ văn 10 cung cấp tri thức văn hóa về những yếu tố tác động đến con người tác giả: “ Nguyễn Du may mắn được tiếp nhận truyền thống văn hóa của nhiều vùng quê khác nhau, đó là tiền đề thuận lợi cho sự tổng hợp nghệ thuật của nhà đại thi hào dân tộc.” hay: “ Hơn mười năm lăn lộn chật vật ở các vùng nông thôn khác nhau cũng là dịp Nguyễn Du học hỏi, nắm vững ngôn ngữ nghệ thuật dân gian. Đây là vốn hiểu biết rất cần thiết cho sự hình thành phong cách ngôn ngữ của các sáng tác bằng chữ Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều ”[ 93,37 ]. Hơn thế, sách giáo khoa đưa ra những nhận định về những biểu hiện về văn hóa của tác phẩm Truyện Kiều : “ Cái tình trong nội dung thơ Nguyễn Du, tình đời và tình người, cảm thông và chia sẻ”, “ Nguyễn Du trau dồi vốn ngôn ngữ văn học dân tộc, làm giàu cho ngôn ngữ Tiếng Việt qua việc Việt hóa nhiều yếu tố ngoại nhập...”[96, 37]. Đây vừa là tri thức văn hóa cần thiết để học sinh hiểu rõ sự sáng tạo, vị trí của tác giả đối văn học đất nước cùng những đóng góp của tác giả vào tổng thể văn hóa tinh thần dân tộc, vừa là những nhận định, đánh giá quan trọng giúp định hướng cho học sinh hiểu các đoạn trích của Truyện Kiều.
Với giáo viên, những tri thức văn hóa còn được cung cấp trong Sách giáo viên. Ở phần Nội dung bài học của Sách giáo viên - phần nhấn mạnh trọng tâm bài học, thường đưa ra những lưu ý về nội dung, đó có thể là những tri thức về văn hóa quan trọng.
Sách giáo viên Ngữ Văn 10, tập hai đã bổ sung cho giáo viên những tri thức văn hóa cần thiết để hướng dẫn học sinh đọc hiểu từng đoạn trích cụ thể trong Truyện Kiều. Chẳng hạn như trong bài học về đoạn trích “Trao duyên”: “ Đoạn trích cho thấy cách nhìn hiện thực và nhân văn của Nguyễn Du về con người. Thúy Kiều không đơn thuần bị biến thành một mẫu người nêu gương đạo đức, chỉ biết đến bổn phận mà còn là người con gái thiết tha với tình yêu, tức là cũng thiết tha với cuộc sống riêng tư. Đây là một quan niệm rất mới nếu so với quan niệm sáng tác của Nho gia...”[95, 39], “Đoạn trích có nhiều từ ngữ cổ, nhất là những từ ngữ mang hàm nghĩa văn hóa riêng của thời trung đại. Trao duyên thực chất là Thúy Kiều nhờ Thúy Vân trả nghĩa . Khái niệm
nghĩa diễn tả sắc thái....Vì thế đối với người xưa, Tình (cũng như Đạo, Nhân,
Lễ ) thường gắn liền với Nghĩa...”[96, 39]. Trong bài học về đoạn trích “Nỗi thương mình” cũng có những tri thức văn hóa như vậy: “ Đánh giá Kiều trong tình cảnh éo le này (làm kĩ nữ tiếp khách) là vấn đề gây tranh cãi trong lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều. Một nhà nho cùng thời với Nguyễn Du là Nguyễn Công Trứ đã lên án Kiều “tà dâm”( bài hát nói Vịnh Thúy Kiều). Nguyễn Du đã phát huy được đặc điểm của nghệ thuật ước lệ để giải quyết bài toán nan giải này”[99, 38].
Có thể thấy, các tri thức văn hóa có thể được trình bày trong sách giáo khoa hay sách giáo viên, dưới hình thức là một mục riêng hay kết hợp với các loại tri thức khác thì cũng đều hết sức ngắn gọn và bổ ích cho giáo viên và học sinh khi đọc hiểu tác phẩm văn học. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò, ý nghĩa của tri thức văn hóa trong dạy học tác phẩm văn học cũng như sự cần thiết phải vận dụng những tri thức này trong quá trình dạy - học đọc hiểu tác phẩm văn chương.