Nam thời trung đại
Mỗi thời đại lịch sử đều có một hình mẫu lí tưởng riêng. Hình mẫu lí tưởng đó là kết tinh cao nhất về mặt văn hoá của thời đại đó. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã xây dựng nàng Kiều thành con người của vẻ đẹp,
một vẻ đẹp toàn diện từ bên ngoài đến phẩm chất bên trong. Đó là biểu tượng thẩm mĩ của người phụ nữ Việt Nam thời trung đại với đủ Sắc, Tài, Tình.
Nàng Kiều rất đẹp, xưa nay ai cũng thừa nhận điều đó. Chúng ta hãy xem cụ Nguyễn miêu tả vẻ đẹp của nàng:
Kiều càng sắc sảo mặn mà So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai
Thúy Kiều có được vẻ đẹp tuyệt mĩ, "Sắc đành đòi một", vẻ đẹp "
nghiêng nước nghiêng thành ", đến nỗi hoa phải ghen, liễu phải hờn với sắc đẹp của nàng. Sắc đẹp thì "đành đòi một" còn tài cũng "họa hai". Nghĩa là tài năng của nàng cũng hết sức, họa chăng may mới có ngang sức. Đó là tài năng trên mọi lĩnh vực:
Thông minh vốn sẵn tính trời Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương
Tài năng của nàng Kiều không chỉ là tài làm thơ, tài đánh đàn, tài vẽ tranh mà còn là sự thông minh, khôn khéo trong mọi tình huống. Thúy Kiều đã trải qua nhiều nghịch cảnh, nhiều khó khăn, gặp đủ hạng người, nhưng dường như ở hoàn cảnh nào, với đối tượng nào nàng cũng nói được những điều cần nói, làm được những điều cần làm, lần nào nàng cũng thể hiện là người đáng yêu. Điều này có thể thấy rõ nhất qua cách nàng ứng xử với Thúc Sinh, với Từ Hải, với Hoạn Thư… Đây là sự khiêm tốn trước một anh hùng như Từ Hải:
Thưa rằng:"Lượng cả bao dong Tấn Dương được thấy mây rồng mấy phen
Rộng thương nội cỏ hoa hèn Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!"
Ở đây nàng đã thể hiện con mắt tinh đời, qua thái độ khiêm tốn, nhẹ nhàng, thể hiện thái độ tin cậy, cũng như ngợi ca, tấm lòng hào hiệp của Từ Hải. Vì thế mà nghe những lời này, Từ đã "Nghe lời vừa ý gật đầu/ Cười rằng: tri kỉ trước sau mấy người".
Nàng cũng là người giàu tình cảm. Nàng Kiều đa tình không phải vì trong cuộc đời mình, nàng đã từng yêu rất nhiều người mà trước hết nàng là người nhạy cảm, dễ đồng điệu với nỗi đau của con người. Vào ngày thanh minh nàng đã khóc cho người ca kĩ Đạm Tiên, một người mà nàng không hề quen biết:
Rút trâm sẵn dắt mái đầu Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
Lại càng mê mẩn tâm thần Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.
Trong khi Vân cười chị "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa " thì Kiều lại thấy thương cảm, thương xót. Điều này là xuất phát từ trái tim nhân hậu, giàu tình yêu thương của nàng. Trái tim này đã dẫn nàng đến quyết tâm hi sinh tình yêu, mối tình đẹp đẽ mà nàng đã tìm đến và gìn giữ để bán mình, lấy tiền chuộc cha, làm tròn chữ Hiếu. Nàng Kiều chính là hiện thân của lí tưởng thẩm mĩ Nguyễn Du. Ông không chỉ xây dựng nàng như một con người tài sắc vẹn toàn, mà cũng là người có phẩm hạnh đạo đức cao quý. Nàng đã trải qua bao nhiêu ngộ biến, nhưng bao giờ cũng vươn lên sự tốt đẹp. Nguyễn Du trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp ấy của nàng. Truyện Kiều đã hình thành một quan niệm rất độc đáo về đạo đức, về giá trị, về vẻ đẹp của người phụ nữ. Nàng Kiều là kết tinh những vẻ đẹp của con người, kết tinh trong mình sắc đẹp, tài năng, những khát khao tình cảm của người phụ nữ thời trước, những mơ ước vươn tới cái gì đáng sống, là cao đẹp ở đời. Đó là vẻ đẹp cao nhất, vẻ đẹp của con người văn hóa.