Sử dụng triệt để biện pháp đọc hiểu

Một phần của tài liệu lịch sử tiếp nhận và cách thức hướng dẫn dạy học truyện kiều ở thpt (Trang 64)

3. CÁC BIỆN PHÁP VẬN DỤNG TRI THỨC VĂN HÓA VÀO DẠY ĐỌC HIỂU ĐOẠN TRÍCH “NỖI THƯƠNG MÌNH”

3.4. Sử dụng triệt để biện pháp đọc hiểu

Trong quá trình đọc hiểu tác phẩm văn chương, đọc là hoạt động thường xuyên được sử dụng. Việc đọc kết hợp với các hoạt động khác như phân tích, lí giải, bình giảng... sẽ giúp học sinh tìm ra nội dung, ý nghĩa, giá trị của đoạn trích hay tác phẩm văn học. Vì thế, giáo viên có thể sử dụng đọc như một cách để học sinh vận dụng tri thức văn hóa để giải mã giá trị văn chương của tác phẩm.

Hoạt động đọc là một quá trình hoạt động tâm lí gồm nhiều mức độ khác nhau. Đọc là quá trình tiếp nhận ý nghĩa từ văn bản, tất nhiên phải hiểu ngôn ngữ của văn bản : ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ thể loại. Đọc là giao tiếp và đối thoại với người tạo ra văn bản ( tác giả, xã hội, văn hóa). Đọc cũng là quá trình tiêu dùng văn hóa văn bản( hưởng thụ, giải trí, học tập). Cuối cùng, đọc là quá trình tạo ra năng lực người( hiểu mình, hiểu văn hóa và hiểu thế giới). Đọc gắn liền với hiểu. Hiểu bản chất quá trình đọc hiểu như vậy, người giáo viên phải tổ chức hoạt động học một cách phù hợp để vận dụng tri thức văn hóa vào việc khai thác nội dung tác phẩm.

Có nhiều hình thức và dạng đọc khác nhau. Muốn học sinh vận dụng được tri thức văn hóa trong hoạt động học thì đó không chỉ là quá trình đọc lướt hay là đọc qua tác phẩm. Học sinh chỉ có thể vận dụng tri thức văn hóa khi đọc sâu, đọc kĩ, đọc diễn cảm và đọc một cách sáng tạo đoạn trích mà thôi.

Đọc sâu tác phẩm là con đường học sinh tìm hiểu những mối quan hệ bên trong của tác phẩm, “làm bộc lộ mối quan hệ thống nhất nhiều mặt của đời sống và nghệ thuật, trí tuệ và tình cảm”[15, 21]. Để đọc sâu tác phẩm, học sinh phải đọc chậm, phát hiện ra cái mới lạ của từ, của hình ảnh, của cách diễn đạt. Gắn liền với đọc là thao tác liên tưởng, tưởng tượng. Đặc biệt, trong đoạn trích “Nỗi thương mình” nhà thơ thể hiện tài năng Việt hóa từ Hán, dùng từ ngữ vào diễn đạt hoàn cảnh, tâm trạng nhân vật cũng như sử dụng một cách sáng tạo ẩn dụ và nghệ thuật đối. Học sinh muốn phát hiện ra những đặc điểm

mới trong nghệ thuật diễn đạt của Nguyễn Du thì phải đọc chậm, đọc nhiều lần và đọc gắn với liên tưởng, so sánh, phân tích.

Khi đọc sâu tác phẩm, người học cũng phải gắn liền thao tác đọc với việc tham khảo, tìm hiểu thời đại của tác phẩm, nhất là bối cảnh văn hóa và hệ thống tư tưởng, quan niệm nghệ thuật. Điều này rất có ích, giúp người học xác định được cái mới mẻ và sự sáng tạo của nhà văn thể hiện trong tác phẩm. Ở đoạn trích “Nỗi thương mình”, đó là cái nhìn mới về vẻ đẹp con người, về giá trị và nhân phẩm, ý thức về hạnh phúc:“ đọc nhiều, thật nhiều lần để hóa giải những băn khoăn, ngộ nhận về một số điểm sáng thẩm mĩ và chi tiết nghệ thuật chưa có lời giải đáp phù hợp với văn cảnh và văn bản, với bối cảnh thời đại và lẽ sống”[23, 21]

Khi đọc sâu tác phẩm, học sinh phải hòa mình vào những xúc cảm của nhà văn, của nhân vật trong đoạn trích. Đó là khi người học đã đọc diễn cảm tác phẩm, giọng đọc biến đổi theo những cảm xúc, những rung động của người đọc, lúc đó người đọc đã cảm nhận được ý đồ, tư tưởng của nhà văn. Đọc diễn cảm không phải chỉ là sự phát huy chất giọng của người đọc mà là sự nhập thân của người đọc vào tác phẩm, là sự hòa điệu về cảm xúc. Để làm được điều này, quá trình đọc cũng là quá trình vận dụng tri thức, vốn sống, vốn văn học, khả năng cảm thụ thẩm mĩ của người đọc: “Việc đọc diễn cảm đòi hỏi học sinh phải vận dụng vốn sống, vốn tri thức, năng lực liên tưởng, tưởng tượng hết sức phong phú của mình để đón bắt thông điệp của nhà văn trong tác phẩm”[89, 24].

Nhưng để vận dụng được tri thức văn hóa vào đọc hiểu đoạn trích một cách hiệu quả thông qua việc đọc thì giáo viên cần phát huy khả năng đọc sáng tạo của học sinh. Theo GS. TS Nguyễn Thanh Hùng thì “ Đọc sáng tạo để bổ sung những nội dung mới, làm giàu có, về ý nghĩa xã hội và ý vị nhân sinh của tác phẩm. Đọc biểu hiện sự đánh giá và thưởng thức giá trị vĩnh hằng của tác phẩm” [23, 21]. Đọc sáng tạo là người đọc đã nắm vững những nội dung của đoạn trích, của tác phẩm để có thể suy ngẫm, đánh giá, mở rộng giá

trị đoạn trích và tác phẩm. Đọc sáng tạo là đọc để phân tích và đánh giá ý nghĩa của hình tượng đối với quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở đoạn trích “

Nỗi thương mình” chính là hình tượng nàng Kiều với đời sống nội tâm phong phú, là nỗi dằn vặt khổ đau, thương thân, là ý thức và tình cảm thương xót bản thân. Điều này chưa từng có trong những tác phẩm văn học trước đó. và cùng thời. Trong thời đại của Nguyễn Du, con người nàng Kiều vẫn là con người tiến bộ, con người nhân văn. Con người nhân văn ấy đã được văn học hiện đại tiếp nối ở phong trào thơ mới.

Đọc cũng để phát hiện và kết nối tác phẩm với những yếu tố văn hóa bên ngoài với giọng điệu và tuyên ngôn nghệ thuật, quan điểm nghệ thuật về con người cùng tư cách nhà văn của tác giả. Nhờ sự vận dụng tri thức văn hóa, người học đọc tác phẩm, đọc đoạn trích trong quan điểm mở rộng, không chỉ đóng khung, bó hẹp trong nội dung đoạn trích mà hiểu được tầng sâu của tác phẩm, ý nghĩa tư tưởng, quan niệm nhân sinh của nhà văn. tư cách, con người văn hóa của nhà văn hiện lên trong tác phẩm. Không những thế, sự vận dụng văn hóa khi đọc hiểu đoạn trích chính là học sinh sẽ bình luận thuộc tính nghệ thuật của tác phẩm theo quan điểm văn hóa truyền thống. Là sự sáng tạo của tác giả trong tác phẩm về ngôn từ, về hình tượng, là sự đóng góp của tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Du trong quan hệ với thời đại trong hệ thống quan niệm văn hóa thời đại, đặc biệt là quan niệm tiến bộ về con người, vẻ đẹp con người cũng như quan niệm về phẩm hạnh, hạnh phúc của con người. Qua đó chúng ta có thể thấy rõ sự tiến bộ, sự đóng góp của thiên tài Nguyễn Du.

Ở mức độ cao hơn, thông qua sự vận dụng tri thức văn hóa trong đọc hiểu tác phẩm là người đọc có khả năng cân nhắc chiều hướng định giá trong lịch sử tiếp nhận tác phẩm và sự tiếp nhận của cá nhân trên nền tảng văn hóa hiện đại. Truyện Kiều là tập đại thành trong nền văn học dân tộc. Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều vì thế cũng rất phong phú và hết sức khác nhau. Rất nhiều người đánh giá, đề cao tác phẩm, nhưng cũng có rất nhiều người đọc phê phán nàng Kiều, chê trách Nguyễn Du. Những ý kiến khen chê, đề cao hay hạ thấp

tác phẩm như vậy, phần nhiều dựa trên sự đánh giá của cá nhân người đọc trên nền tảng đạo đức của thời đại. Những người chê vẫn lên án Kiều là tà dâm( Nguyễn Công Trứ), là gái giang hồ, không giữ được phẩm giá trong sạch như những người phụ nữ tiết hạnh khác trong các truyện Nôm Hoa Tiên,

Lục Vân Tiên cùng thời. Nguyễn Du lại xây dựng nàng Kiều là con người lí tưởng, hết sức ngợi ca. Những người yêu thích Truyện Kiều là cảm phục tài năng và khả năng sáng tạo của Nguyễn Du trong tác phẩm cũng như quan niệm tiến bộ, tấm lòng của ông dành cho con người. Người học phải nắm được lịch sử tiếp nhận tác phẩm và có những đánh giá, nhận xét riêng trên nền tảng sự hiểu biết văn hóa truyền thống và văn hóa thời đại, chuẩn mực thẩm mĩ của thời đại.

Đọc sáng tạo là người đọc phải nâng mình lên, vận dụng những hiểu biết, vốn văn hóa của mình để cảm thụ và đánh giá. Bởi vì, đọc sáng tạo là : “biết lí giải và đánh giá văn bản theo suy nghĩ riêng một cách logic và hợp lí, có khả năng vận dụng văn bản, sáng tạo văn bản”[47, 36]. Vận dụng tri thức văn hóa trong đọc sáng tạo chính là cách giúp học sinh đọc hiểu tác phẩm văn chương một cách sáng tạo.

Một phần của tài liệu lịch sử tiếp nhận và cách thức hướng dẫn dạy học truyện kiều ở thpt (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w