Con người của tình thương và lẽ phả

Một phần của tài liệu lịch sử tiếp nhận và cách thức hướng dẫn dạy học truyện kiều ở thpt (Trang 32)

Truyện Kiều là “những điều trông thấy”, là suy nghĩ về cuộc đời, đồng thời là cảm khái về cuộc đời. Thế giới hiện tượng, thế giới những điều trông thấy đã được nghệ sĩ Nguyễn Du miêu tả với tiếng nói tình cảm, tiếng nói của yêu thương và căm ghét. Vì thế, tác phẩm là tiếng kêu xé ruột của con người bị đày đoạ, nỗi đau khổ cũng như những khát vọng về nhân phẩm, tình yêu, hạnh phúc.

Tấm lòng yêu thương, nhân đạo của Nguyễn Du trong tác phẩm là điều cũng dễ dàng nhận thấy như sự trải nghiệm và thấu hiểu con người ở ông vậy. Tấm lòng yêu thương đó ông dành cho Nàng Kiều, cho chàng Kim, cho Từ Hải...cho tất cả những người hiền lành, lương thiện và bị áp bức, bị khổ đau. Ông thông cảm với những bất công mà con người phải chịu, trân trọng với khát vọng vươn lên những gì tốt đẹp. Rõ ràng nhất là tình cảm ông dành cho

nàng Kiều. Ông đau với nỗi đau của nàng, hạnh phúc với hạnh phúc của nàng, lúc nào ông cũng dành cho nàng sự nâng niu, quý trọng :

Thiếp danh đưa đến lầu hồng Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa

Thúy Kiều lúc này là một cô gái ở lầu xanh, thế nhưng chúng ta hãy xem, ông gọi nơi ở của nàng là “thiếp danh đưa đến lầu hồng”, một nơi ở sang trọng, đẹp đẽ.

Nguyễn Du là con người không chỉ biết yêu thương mà còn là người hết sức công bằng. Nguyễn Du không chỉ yêu thương, trân trọng cũng như tin tưởng ở phẩm chất tốt đẹp ở những con người nghèo khổ, bất hạnh mà ông còn tìm cách mang lại công bằng cho họ. Từ Hải là con người ông dành nhiều tình cảm yêu thương, cũng là người lí tưởng, con người ông mơ ước. Từ xuất hiện đã làm thay đổi cuộc đời nàng Kiều. Không những chỉ cứu nàng thoát khỏi cuộc sống lầu xanh mà còn giúp nàng trả ơn, báo oán :

Nàng từ ân oán rạch ròi Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng

Sau đó là cảnh trừng phạt được nêu ra một cách ngắn gọn:

Lệnh quân truyền xuống nội đao Thề sao thì lại cứ sao gia hình

Máu rơi thịt nát tan tành Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời

Nguyễn Du đã không đi vào tả chi tiết cảnh hành hình như Thanh Tâm tài nhân mà dành những dòng thơ để nêu cao chính nghĩa. Nội dung này được thể hiện qua ngôn ngữ nhân vật :

Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao Hại nhân nhân hại sự nào tại ta”

và và lời bình luận trữ tình ngoại đề của tác giả:

Cho hay muôn sự tại trời Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta

Những phường bạc ác tinh ma Mình làm mình chịu kêu mà ai thương

Nguyễn Du đã mượn triết lí thiên mệnh, triết lí nhân quả “hại nhân nhân hại” để nêu ra lẽ công bằng. Đây là triết lí của người dân lao động, là quan niệm sống của họ:

Ác giả ác báo vần xoay

Hại nhân nhân hại, xưa nay lẽ thường.

(Ca dao)

Nguyễn Du là người công bằng và luôn bênh vực cho những người hiền, những người lương thiện. Vì thế mà những người lao động nghèo cảm thấy Truyện Kiều gần gũi với tâm hồn, tình cảm của họ. Con người Nguyễn Du gần gũi với con người, cảm thông và yêu thương, chia sẻ với họ, hiểu sâu sắc những khát vọng, ước mơ của họ. Vì thế mà ông có thể viết lên được “Tập đại thành” cho mọi thế hệ, mọi tâm hồn Việt Nam.

Một phần của tài liệu lịch sử tiếp nhận và cách thức hướng dẫn dạy học truyện kiều ở thpt (Trang 32)