- Khả năng cạnh tranh về giá: giá cả là vấn đề khá nhạy cảm, nó là một trong những yếu tố cạnh tranh chủ yếu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên theo các chuyên gia thì đây là yếu tố mà nhà sách tương đối yếu. Trong thời gian qua, do thực hiện chiến lược khác biệt hóa nên mức giá các mặt hàng của nhà sách cao hơn so với những đối thủ cạnh tranh khác. Đây là điều tất yếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn sử dụng chiến lược khác biệt hóa. Ngoài ra, giá bán cao còn do giá mua hàng hóa và chi phí vận chuyển tăng dẫn đến việc nhà sách phải tăng giá bán. Điều này đòi hỏi nhà sách phải hết sức nỗ lực trong việc kiểm soát chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
- Khả năng nắm bắt thông tin thị trường: hiện tại nhà sách chưa thành lập một bộ phận chuyên trách về nghiên cứu và phát triển thị trường nên việc nắm bắt thông tin về khách hàng và đối thủ cạnh tranh còn hạn chế. Nhà sách đang quá phụ thuộc vào số liệu do tổng công ty cung cấp và số liệu thống kê từ việc mua sản phẩm của khách hàng. Các số liệu này tuy là có thể áp dụng nhưng nó còn quá bị động và nếu thị hiếu mua hàng của khách hàng biến đổi mà nhà sách chưa kịp thay đổi các mặt hàng của mình cho hợp lý thì sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của nhà sách.
- Năng lực quản lý và điều hành: đây có thể nói là chỉ tiêu không quá yếu của nhà sách. Tuy nhiên trước đây chức danh giám đốc nhà sách và cửa hàng trưởng
là hoàn toàn khác nhau. Nhưng hiện tại cơ cấu tổ chức của nhà sách đã có sự thay đổi cho chức giám đốc kiêm cả chức cửa hàng trưởng nên lượng công việc của nhà quản lý tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, nhà sách đang thực hiện chiến lược mở rộng thị trường đòi hỏi giám đốc phải làm việc và phân tán nguồn lực nhiều hơn. Vì thế hoạt động quản lý và điều hành nhà sách có phần trở nên quá tải.
- Nhà sách vẫn chưa có bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm: hiện tại nhà sách chỉ có một nhân viên đảm nhận trách nhiệm kiểm nhận hàng hóa khi nhập về kho nên khó tránh khỏi tình trạng sai sót, nhầm lẫn trong quá trình kiểm tra và phân loại sản phẩm.
- Tuy chất lượng và độ đa dạng sản phẩm của nhà sách được các chuyên gia và khách hàng đánh giá cao nhưng vẫn chưa tạo được sự khác biệt lớn và chỉ dừng lại ở mức tương đồng với nhà sách Fahasa. Đây là điều mà nhà sách cần phải lưu ý trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
CỦA NHÀ SÁCH PHƯƠNG NAM NHA TRANG
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là một quy luật không thể tránh khỏi. Mỗi doanh nghiệp khi tham gia vào nền kinh tế đó đều phải cố gắng phát huy những thế mạnh, khắc phục những hạn chế để từ đó phát huy năng lực cạnh tranh cuả mình. Nhà sách Phương Nam Nha Trang đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những mặt còn tồn tại và những khó khăn nhất định đòi hỏi nhà sách cần nỗ lực hơn nữa, năng động thích nghi với môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Phải có những giải pháp cụ thể và mạnh mẽ để nhà sách nâng cao năng lực cạnh tranh, giành ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh và đạt được các mục tiêu đặt ra.
Qua phân tích thực trạng về năng lực cạnh tranh của nhà sách Phương Nam Nha Trang cũng như tổng hợp kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh của nhà sách so với các đối thủ cạnh tranh, tác giả nhận thấy, nhà sách còn tồn tại những điểm yếu, những hạn chế cần khắc phục nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của mình và không bị đào thải trên thị trường kinh doanh hiện tại. Vì vậy, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà sách Phương Nam Nha Trang.