Chiến lược cạnh tranh quốc gia cần đặc biệt chú ý đến hình thành liên kết trong ngành và liên kết liên ngành. Sự liên kết này không bó hẹp trong phạm vi giữa các doanh nghiệp trong một ngành mà giữa các doanh nghiệp hay các định chế thuộc các ngành khác nhau. Việc hình thành các chùm hay các mạng lưới doanh nghiệp sẽ củng cố năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt các DNVVN trong xu thế toàn cầu hoá được đặc trưng bởi môi trường cạnh tranh gay gắt hơn và sự lũng đoạn của các công ty đa quốc gia. Ngoài ra, những biện pháp khuyến khích của chính phủ cho một nhóm đối tượng doanh nghiệp sẽ được thực hiện có hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn là nhằm vào từng doanh nghiệp đơn lẻ. Chính vì vậy chính phủ nên đề ra những chính sách hỗ trợ hình thành các chùm và mạng lưới các doanh nghiệp với mục tiêu hình thành liên minh nâng cao giá trị sản phẩm. Chính phủ cũng có thể trở thành một thực thể độc lập tham gia vào mắt xích giá trị đó.
Các chùm DNVVN công nghiệp ở Italia đã có khả năng khẳng định được vị trí của mình trên thị trường thế giới về các sản phẩm như giày dép, túi da, hàng dệt, đồ gỗ nội thất, gạch ốp lát, nhạc cụ, thực phẩm chế biến và ở cả các ngành cung cấp máy móc cho các khu vực này. Thực tế, chùm các DNVVN này đã hình thành nên khái niệm các quận công nghiệp với những đặc điểm sau: gần nhau về mặt vị trí; chuyên môn hóa; hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở đổi mới công nghệ và sáng tạo; tin cậy lẫn nhau dựa trên bản chất văn hoá và xã hội tương đồng; duy trì các tổ chức tương trợ nhau; và có sự ủng hộ tích cực của chính quyền thành phố.
Mạng lưới các doanh nghiệp là nhóm các công ty phối hợp trên cơ sở dự án liên kết các doanh nghiệp (bao gồm các DNVVN và các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn), bổ sung cho nhau và chuyên môn hoá cao nhằm vượt qua những vướng mắc chung để đạt được hiệu quả chung và thâm nhập các thị trường mà từng cá nhân doanh nghiệp không thể thực hiện được. [13, 112]