- Phát triển cơ sở hạ tầng
2.1.4. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu
Trong điều kiện hội nhập với kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm để tồn tại và phát triển. Thành công của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp mà còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường kinh doanh chung của nền kinh tế.
Trong 10 năm qua, cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Ngành viễn thông có tốc độ phát triển nhanh thứ hai trên thế giới, được trang bị công nghệ hiện đại không thua kém các nước trong khu vực. Giao thông vận tải phát triển khá nhanh, đặc biệt vận tải biển tăng gấp 6 lần. Tuy nhiên mức độ cải thiện đó chưa đủ để đưa cơ sở hạ tầng nước ta ngang tầm với các nước trong khu vực. Để thấy được khoảng cách giữa chúng ta và các nước, có thể so sánh với Thái Lan là nước có trình độ phát triển trung bình của ASEAN.
Về viễn thông, hiện nay số mạng điện thoại chính tính trên 100 dân của Việt Nam là 2,6 trong khi của Thái Lan là 7,9; số người sử dụng điện thoại di động trong 100 người dân của Việt Nam là 0,18 , trong khi ở Thái Lan là 3,31. Mức độ chênh lệch lớn hơn hẳn khi so sánh số người sử dụng Internet tính trên 10.000 dân: Việt Nam có 0,02 người, Thái Lan có 6 người. Mức năng lượng điện tính theo đầu người chỉ bằng 15% của Thái Lan và 75% dân số Việt Nam được dùng điện trong khi của Thái Lan là 87 %. Về giao thông, Việt Nam chỉ có 25% mạng lưới đường bộ được rải nhựa. Mạng đường sắt hẹp, đường tàu chỉ có một chiều, không có toa xe chuyên dụng chở công ten nơ và toa lạnh. Ngành hàng không mặc dù có đội bay hiện đại nhưng số lượng ít và mạng đường bay tương đối hẹp; hành khách và hàng hoá đến Việt Nam phải trung chuyển qua các sân bay đầu mối ở nước khác, làm tăng chi phí về thời gian và tiền bạc. Đội tàu thuỷ, kể cả tầu viễn dương chủ yếu là tàu cũ, trọng tải thấp. Các cảng biển nhỏ và không đủ sâu cho các tàu đúng tiêu chuẩn quốc tế; khả năng giải phóng hàng thấp do thiết bị bốc
dỡ lạc hậu, kho hàng không đủ diện tích và điều kiện bảo quản. Khả năng bốc xếp gạo của cảng Sài gòn là 1.000T/ngày so với 6.000 T/ngày của cảng Bangkok.
Một số giá dịch vụ cơ sở hạ tầng của Việt Nam cao hơn mức trung bình của các nước trong khu vực, trong khi một số giá khác lại quá thấp không đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Nghiên cứu của cơ quan JETRO (Nhật bản) so sánh giá dịch vụ giữa 12 thành phố của 5 nước là Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, Ấn Độ và Việt Nam cho thấy 5 chỉ số giá cả của Việt Nam cao hơn mức trung bình của 8 thành phố được so sánh. Mức chênh lệch lớn nhất là giá cước điện thoại quốc tế (136%), giá thuê bao điện thoại cố định (91%), giá nước sạch (71%), giá điện (25%), giá cước điện thoại di động (14%). Nghiên cứu của Văn phòng Chính phủ cho thấy chi phí vận tải và bốc xếp ở cảng Sài gòn cao gấp đôi so với cảng Bangkok: phí vận hành cảng đối với tàu 1 vạn tấn ở cảng Sài gòn là 40.000 USD, cảng Bangkok là 20.000 USD. Cước điện thoại quốc tế của Việt Nam cao hơn gấp 9 lần so với những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor, Hồng Công và chỉ thấp hơn một số ít nước như Afganistan, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều tiên, Campuchia, Cu ba.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường phải chịu hậu quả của thủ tục hải quan chậm trễ và dịch vụ cảng biển khó tiếp cận đến và ít hiệu quả. Các thủ tục hải quan chậm trễ và hay bị trì hoãn đã dẫn đến sự phổ biến của các khoản thanh toán phi chính thức, các khoản này đã làm tăng chi phí cũng như thời gian giao dịch của hoạt động kinh doanh.
Chi phí viễn thông ở Việt Nam rất cao. Nguyên nhân một phần là do ngành này vẫn chưa mở cửa cho cạnh tranh. Trong khi đầu tư nước ngoài được cấp phép thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh, không một dịch vụ quản lý viễn thông nước ngoài nào được chấp nhận. Chỉ có các nhà kinh doanh điện thoại di động là đã tham gia vào thị trường.
Các dịch vụ như trung gian tài chính, bảo hiểm, pháp luật và kế toán, bất động sản, hậu cần đang ngày càng trở thành những yếu tố đầu vào chính cho sản xuất và xuất khẩu. Chính vì vậy, cải thiện chất lượng dịch vụ của nền kinh tế sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Thực tế trong ngành chế biến hướng về xuất khẩu như dệt may và giày dép cũng như sản xuất thực phẩm cho thấy các ngành của Việt Nam
đang sử dụng rất ít các dịch vụ kinh doanh. So với các nước phát triển và đang phát triển khác trên khía cạnh sử dụng dịch vụ kinh doanh trong ngành dệt may và giày dép thì Việt Nam đang ở vị trí rất thấp. Tình hình cũng tương tự trong ngành chế biến thực phẩm [14, 154 ].