* Xây dựng Chiến lƣợc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia:
Theo kinh nghiệm của các nước đã thành công trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu, Chính phủ có vai trò hết sức quan trọng không chỉ ở việc đề ra định hướng, xây dựng chiến lược cạnh tranh mà còn ở việc tạo ra thể chế, môi trường và điều kiện thuận lợi để các thực thể trong nước có điều kiện chuyển từ lợi thế so sánh sang lợi thế cạnh tranh trên cơ sở xây dựng chiến lược nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Chiến lược này sẽ giúp thống nhất trình tự áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và xác định ưu tiên phân bổ nguồn lực, cải thiện cơ sở hạ tầng và các biện pháp nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chính sách và tạo ra môi trường an toàn để sản xuất kinh doanh nhưng việc thực hiện chiến lược lại phụ thuộc vào giới kinh doanh.
Do đó, việc xây dựng sự liên kết hay cơ chế đối thoại chính thức giữa Chính phủ và doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng giúp Chính phủ thường xuyên cập nhật được những thông tin đáng tin cậy, cần thiết cho việc xây dựng chiến lược và giới kinh doanh - những người trực tiếp thực hiện và bị tác động nhiều nhất từ những chiến lược của Nhà nước - có cơ hội thể hiện tiếng nói của mình; tất cả tạo ra sự đồng thuận trong nước để hỗ trợ cho phát triển.
Kế hoạch quốc gia về Xúc tiến và Cạnh tranh của Paraguay là một chiến lược xuất khẩu quốc gia kiểu mới, có sự phối hợp giữa Chính phủ và
đại diện của khu vực tư nhân trong việc đề ra và thực hiện các chính sách công và các chính sách đối với khu vực tư nhân với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ nhận thức được rằng thành công sẽ phụ thuộc vào khả năng các ngành kinh tế xây dựng được chiến lược phát triển, đối phó với những thay đổi bất ngờ trên thị trường toàn cầu thông qua việc áp dụng công nghệ mới và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả và sáng tạo [13, 92]. Các nước Đông Á cũng rất thành công trong việc tạo ra sự đối thoại trực tiếp giữa các quan chức chính phủ và cộng đồng kinh doanh. Chính phủ được cập nhật đầy đủ thông tin về môi trường kinh doanh, những thách thức đối với phát triển kinh tế đất nước và luôn có sự tham vấn với khu vực kinh tế tư nhân để xây dựng các định hướng chiến lược, tận dụng thời cơ và chú trọng xuất khẩu dựa trên lợi thế so sánh. Qúa trình tham vấn này được thực hiện thông qua các “hội đồng”. Tại đây, các quan chức chính phủ và đại diện các giới kinh doanh gặp gỡ nhau để trao đổi thông tin thị trường, trao đổi về các khía cạnh chiến lược, điều phối hoạt động và hiểu sâu hơn về chiến lược của Chính phủ [18,21].
* Xây dựng "nhãn hiệu quốc gia" (National Brand)
Xây dựng "nhãn hiệu quốc gia" là một phần rất quan trọng trong chiến lược cạnh tranh quốc gia. Nhãn hiệu quốc gia nhằm xây dựng hình ảnh về một đất nước dựa trên những giá trị tích cực của quốc gia và nhấn mạnh đến hình ảnh đó trong xúc tiến xuất khẩu, phát triển du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài. Xây dựng nhãn hiệu quốc gia giúp cá biệt hóa sản phẩm của một nước trên thị trường hàng hóa quốc tế đang ngày càng trở nên tương đồng trong xu hướng toàn cầu hóa. Làm được điều này không phải đơn giản và đòi hỏi đầu tư tương đối lớn, đặc biệt từ phía Chính phủ, nhưng nếu đặt ra mục tiêu trên thì tất cả các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của một nước đều phải cố gắng hoàn thiện để đạt được chất lượng cam kết.
Nhật Bản đã xây dựng được hình ảnh về một đất nước có sản phẩm chất lượng cao, hàm lượng công nghệ và sáng tạo lớn, đặc biệt đối với hàng điện tử. Thụy Sĩ đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh của đất nước là “chất lượng và sự tin cậy” và thành lập một cơ quan “Presence Suisse - Sự hiện diện của Thụy Sĩ” phụ trách chương trình này. Một số nước đang phát triển trước đây đã rất thành công trong việc xây dựng nhãn hiệu quốc gia hay nhóm quốc gia như “những con hổ châu Á”, “những con hổ mới”, “những con sư tử châu Phi”.
* Thành lập các hội đồng chuyên trách về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Đi kèm với việc xây dựng chiến lược cạnh tranh quốc gia, cần xác định phương pháp đánh giá hiệu quả của chiến lược cạnh tranh quốc gia. Việc đánh giá sẽ giúp cải thiện hơn những mặt còn chưa được và sửa chữa những sai lầm trong chiến lược quốc gia. Nhiều quốc gia đã thành lập các hội đồng chuyên trách về nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia để thực hiện nhiệm vụ này. Mỹ có Hội đồng Chính sách về Năng lực cạnh tranh (Competiveness Policy Council); Ai-xơ-len có Hội đồng về Năng lực cạnh tranh Quốc gia (National Competiveness Council); Singapore có Uỷ ban về Năng lực cạnh tranh của Singapore (Committee on Singapore's Competitiveness); Hồng Kông có Hội đồng Năng suất Hồng Kông (Hong Kong Productivity Council); Malaysia có Hội đồng Năng suất Quốc gia (National Productivity Council). Đây là 5 nước xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh. Như vậy cần có một cơ quan cấp quốc gia nghiên cứu đề xuất chính sách và thực hiện điều phối hoạt động của các bộ ngành và giới kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia [25,18].