Trung tâm giáo dục thường xuyên

Một phần của tài liệu Quản lí ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn hà nội_luận án tiến sĩ giáo dục (Trang 26)

GDTX (Continuing Education) là một khái niệm được sử dụng nhiều ở các nước phát triển. Và mới xuất hiện ở các nước đang phát triển vào những năm 80 của thế kỷ XX trong chương trình giáo dục cho mọi người ở Châu Á – Thái Bình Dương (gọi tắt theo tiếng Anh là APPEAL)

Theo UNESCO, GDTX được hiểu là sự giáo dục tiếp tục sau giáo dục ban đầu, sau giáo dục cơ bản (sau xoá mù chữ hay sau giáo dục tiểu học, giáo dục THCS tuỳ theo giáo dục phổ cập bắt buộc của từng nước) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Sau khi đạt trình độ phổ cập, mỗi người có thể tiếp tục học theo các phương thức khác nhau: chính quy, không chính quy hoặc phi chính quy tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Vì vậy, GDTX là một khái niệm rộng, bao gồm cả giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy và giáo dục phi chính quy.

Ở Việt Nam, GDTX hiện đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau và còn chưa có sự phân biệt rõ ràng. GDTX ở Việt Nam chính thức được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh là “Continuing Education”. Tuy nhiên việc dịch ra như vậy chưa hoàn toàn chính xác về mặt ngữ nghĩa, dễ gây ra tranh cãi và sự hiểu lầm. GDTX theo nghĩa tiếng Việt chỉ sự giáo dục liên tục, suốt đời, bao gồm giáo dục cả trẻ em và giáo dục người lớn. Còn “Continuing Education” là sự giáo dục tiếp tục, tiếp nối sau giáo dục cơ bản. Vì vậy “Continuing Education” nên được dịch ra tiếng Việt là “Giáo dục tiếp tục”. Do vậy GDTX ở Việt Nam được hiểu theo nghĩa hẹp hơn so với các nước. Điều 44 Luật Giáo dục 2005 đã xác định GDTX có mục tiêu là: “giúp mọi người vừa làm, vừa học, học liên tục, suốt đời, nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm và thích nghi với đời sống xã hội” [51].

Theo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDTX ban hành ngày 02/01/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trung tâm GDTX là cơ sở GDTX của hệ thống giáo dục quốc dân. [63] Trung tâm GDTX bao gồm trung tâm GDTX quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là trung tâm GDTX cấp huyện), trung tâm GDTX tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là trung tâm GDTX cấp tỉnh).

Trung tâm GDTX có nhiệm vụ:

(1) Tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục:

- Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ;

- Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm: chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ứng dụng, CNTT; chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc, miền núi theo kế hoạch hàng năm của địa phương.

- Chương trình GDTX cấp THCS và THPT.

(2) Điều tra nhu cầu học tập trên địa bàn, xác định nội dung học tập, đề xuất với Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương việc tổ chức các chương trình và hình thức học tập phù hợp với từng loại đối tượng.

(3) Tổ chức các lớp học theo các chương trình GDTX cấp THCS và THPT dành riêng cho các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tàn tật, khuyết tật, theo kế hoạch hàng năm của địa phương.

(4) Tổ chức dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp, các hoạt động lao động sản xuất và các hoạt động khác phục vụ học tập.

(5) Nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục góp phần phát triển hệ thống GDTX.

Ngoài các nhiệm vụ trên, trung tâm GDTX cũng được phép liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo khác như:

- Trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện chương trình GDTX lấy bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, được phép liên kết với trung tâm GDTX:

+ Trung tâm GDTX phải bảo đảm các yêu cầu về CSVC, thiết bị và CBQL phải phù hợp với yêu cầu của từng ngành được liên kết đào tạo;

+ Việc liên kết đào tạo được thực hiện trên cơ sở hợp đồng liên kết đào tạo; trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm toàn diện về việc liên kết đào tạo.

- Cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện chương trình GDTX lấy bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, được phép liên kết với trung tâm GDTX cấp tỉnh với điều kiện:

+ Trung tâm GDTX cấp tỉnh phải bảo đảm các yêu cầu về CSVC, thiết bị và CBQL phải phù hợp với yêu cầu của từng ngành được liên kết đào tạo;

+ Việc liên kết đào tạo được thực hiện trên cơ sở hợp đồng liên kết đào tạo; cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm toàn diện về việc liên kết đào tạo.

Đặc điểm của giáo viên ở trung tâm GDTX

Đội ngũ GV của các trung tâm GDTX chia làm hai nhóm: GV trong biên chế Nhà nước (GV cơ hữu) và GV hợp đồng. GV hợp đồng hầu hết là GV của các trường phổ thông chính qui kiêm nhiệm hoặc GV đã nghỉ hưu.

Đội ngũ GV ở các trung tâm GDTX trong những năm qua đã có sự tăng trưởng về số lượng. Tuy nhiên đội ngũ GV dạy tại trung tâm GDTX trong biên chế vẫn còn thiếu. Hiện nay, biên chế của một trung tâm GDTX chỉ được từ 11-12 người (kể cả CBQL, GV và công nhân viên) nhưng nhiều trung tâm GDTX ở các tỉnh mới chỉ có 7-8 người. Vì vậy đội ngũ GV trong biên chế còn thiếu rất nhiều, nhiều trung tâm không đủ GV dạy 7 môn bắt buộc (như: Ngữ Văn, Toán, Vật Lý, Hoá Học, Sinh Học, Lịch Sử và Địa Lý). Các trung tâm GDTX có thể tổ chức dạy 3 môn tự chọn (Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục công dân). Đa số các trung tâm GDTX phải hợp đồng với các GV dạy ở các trường THPT, họ bận nhiều công việc ở trường phổ thông và họ cũng chưa quen cải tiến nội dung và PPDH cho phù hợp với đặc điểm của HV người lớn.

Đặc điểm HV ở trung tâm GDTX

Đối tượng người học ở trung tâm GDTX gồm hai nhóm chính sau:

- Học viên của các trung tâm GDTX đa số là những người lớn tuổi, là những cán bộ, công nhân đang lao động sản xuất ở các cơ quan xí nghiệp, theo học bậc trung học. Họ là những thanh niên - cán bộ công nhân đã nghỉ học nhiều năm nay do nhu cầu công tác đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trình độ và học tiếp lên. HV lớn tuổi bị thiệt thòi về giáo dục không có điều kiện học chính quy hoặc phải bỏ học dở chừng trước đây do nhiều nguyên nhân khác nhau như: những người mù chữ, tái mù chữ, những người bỏ học trước đây nay có nhu cầu tiếp tục học để đạt được trình độ tiểu học, THCS đặc biệt là THPT… HV ở các trung tâm GDTX thường có trình độ thấp hơn so với THPT do kiến thức ở các lớp dưới bị hổng nhiều. Chính vì vậy trong quá trình giảng dạy GV cần quan tâm đến đặc điểm này để có thể khai thác ưu thế của CNTT mang lại: như minh hoạ bằng hình ảnh cụ thể, mô phỏng các tình huống khó tưởng tượng nhằm giúp HV quan sát dễ hơn và hiểu bài hơn.

- Mọi người dân có nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Sách giáo khoa và tài liệu học tập

Trung tâm GDTX sử dụng sách giáo khoa và tài liệu học tập theo quy định về chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu GDTX của Bộ GD&ĐT, các tài

liệu học tập riêng cho địa phương do Sở giáo dục và đào tạo hoặc cơ quan quản lí Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Một phần của tài liệu Quản lí ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn hà nội_luận án tiến sĩ giáo dục (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w