Đặc điểm quản lí chuyên môn ở trung tâm GDTX

Một phần của tài liệu Quản lí ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn hà nội_luận án tiến sĩ giáo dục (Trang 58)

Vai trò của giám đốc trong việc ứng dụng CNTT vào DH

GĐ trung tâm là người được xã hội giao cho những trọng trách và quyền hành nhất định; là người đứng đầu, cao nhất và chịu trách nhiệm chính ở trung tâm;

là người nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; là người trực tiếp quản lí và điều hành một đội ngũ nhân lực, được cung cấp về tài lực, vật lực và nắm trong tay các phương tiện thông tin… Đó là những yếu tố mà người GĐ trung tâm có quyền sử dụng để điều khiển hoạt động quản lí của mình có hiệu quả.

Với những nhiệm vụ và quyền hạn đó, GĐ trung tâm GDTX có vai trò rất quan trọng đối với việc ứng dụng CNTT trong DH của GV. GĐ trung tâm là người đứng đầu và chịu trách nhiệm chính trong việc nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong DH. Vì vậy, GĐ trung tâm GDTX cần phải phối kết hợp với đội ngũ CBQL thực hiện tốt các chức năng quản lí việc ứng dụng CNTT trong DH tại trung tâm.

Trước tiên, phải làm tốt công tác kế hoạch hoá việc ứng dụng CNTT vào DH

Phải đưa việc ứng dụng CNTT trong DH vào kế hoạch cụ thể, đồng thời phải chỉ rõ từng bước đi, phải dự kiến các biện pháp cần thực hiện cũng như phải đảm bảo các nguồn lực để đạt được các mục tiêu trong kế hoạch đã đề ra.

Kế hoạch ứng dụng CNTT trong DH cần dựa trên những định hướng lớn về phát triển giáo dục, ứng dụng CNTT của Đảng, Nhà nước cũng như các văn bản pháp quy, hướng dẫn thực hiện. Căn cứ vào điều kiện thực tế của từng trung tâm có thể lập kế hoạch riêng cho việc ứng dụng CNTT vào DH, có thể lập kế hoạch tổng thể của trung tâm trong đó có mảng ứng dụng CNTT vào DH. Nên xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm học và mang tính pháp quy. Kế hoạch được xây dựng càng cụ thể, chi tiết, xác định rõ mục tiêu cần đạt được, thì khâu thực hiện sẽ có tính khả thi cao.

Cần thực hiện tốt khâu tổ chức việc ứng dụng CNTT vào DH

Chức năng tổ chức có vai trò hiện thực hoá các mục tiêu trong kế hoạch đã đề ra đồng thời tạo nên sức mạnh của cá nhân, tập thể để tiến hành từng phần việc một cách khoa học và hợp lí.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch về việc ứng dụng CNTT trong DH cần chú ý đến việc phân phối và sắp xếp các nguồn lực theo từng cách thức cụ thể, đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.

Để làm tốt công việc này, GĐ cần phải xác lập được một mạng lưới tổ chức nhân sự để giải quyết tốt các công việc tại trung tâm. Đặc biệt là sự phân quyền cho các phó giám đốc, tổ trưởng chuyên môn cũng như những người có năng lực trong

công việc. GĐ cần quan tâm đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ GV cơ hữu đồng thời có cơ chế quản lí đối với GV hợp đồng. Do tính đặc thù của trung tâm GDTX nên đội ngũ CBQL phải có cơ chế quản lí, phân bổ nguồn lực và quy định thời gian cho các bộ phận thật khoa học, nhịp nhàng nhằm thực hiện đúng kế hoạch đã định. Cần chú trọng ưu tiên cho hoạt động chuyên môn đồng thời giải quyết tốt các mối quan hệ giữa các bộ phận bên trong trung tâm.

Chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng CNTT vào DH

GĐ chỉ đạo công việc tới mọi thành viên ở trung tâm, nhằm biến những yêu cầu chung về ứng dụng CNTT trong DH của trung tâm thành nhu cầu hoạt động của từng bộ phận, từng người cụ thể, nhất là đội ngũ GV cơ hữu. Khi được giao việc, từng bộ phận, từng cá nhân sẽ tích cực, tự giác thực hiện các phần việc của mình để có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Vì vậy, chức năng chỉ đạo là cơ sở, là động lực để hiện thực hóa công việc nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Sự chỉ đạo của GĐ trung tâm có thể là chỉ đạo trực tiếp hoặc thông qua các quyết định giao việc cho các cá nhân, tổ chức thực hiện. GĐ trung tâm nên thực hiện quyền chỉ huy và hướng dẫn các bộ phận triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong DH. Thường xuyên theo dõi, giám sát, động viên, khuyến khích, liên kết mọi người và các bộ phận thực hiện tốt kế hoạch theo sự sắp xếp đã được xác định trong khâu tổ chức.

Cần chú ý đến khâu kiểm tra việc ứng dụng CNTT vào DH

GĐ trung tâm phải thường xuyên theo dõi, giám sát, các bộ phận thực hiện tốt kế hoạch ứng dụng CNTT vào DH theo sự sắp xếp đã được xác định trong khâu tổ chức.

Làm tốt công tác kiểm tra chính là công cụ sắc bén tăng cường hiệu lực quản lí của người lãnh đạo. Để thực hiện tốt khâu này, GĐ cần phải có năng lực chuyên môn vững vàng, đặc biệt phải có tố chất quản lí mới có thể chỉ đạo việc xây dựng tiêu chí kiểm tra, đo lường việc thực thi nhiệm vụ của cấp dưới được chính xác và hiệu quả.

Đồng thời thông qua công tác kiểm tra giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của tất cả các thành viên trong trung tâm. Đó cũng là căn cứ để GĐ trung tâm đưa ra các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng hoặc phê bình, kiểm điểm kịp thời tạo động lực cho việc ứng dụng CNTT trong DH cũng như cho sự phát triển của trung tâm.

Như vậy, chức năng kiểm tra cần tập trung xem xét thực tiễn, để đánh giá thực trạng về ứng dụng CNTT trong DH tại trung tâm, đồng thời có thể phát hiện sớm những sai lệch để đưa ra các quyết định điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó sẽ khuyến khích được từng bộ phận, từng cá nhân làm tốt, nhân rộng những nhân tố tích cực, tạo động lực phát triển bền vững về nhiều mặt cho trung tâm.

2.1.3. Việc triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và những điều kiện để ứng dụng CNTT trong DH ở các trung tâm GDTX

Đối với GDTX thì nghị định 90/CP ngày 24/11/1993 của Chính phủ đã nêu rõ: ''GDTX được thực hiện bằng nhiều hình thức (như không tập trung, không chính quy, tại chức, bổ túc, tự học, từ xa...) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân ở mọi trình độ có thể học tập thường xuyên, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ". Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII đã khẳng định "Cần phải thực hiện một nền GDTX cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân. Đổi mới giáo dục bổ túc và đào tạo tại chức, khuyến khích phát triển các loại hình giáo dục- đào tạo không chính quy, khuyến khích tự học".

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX cũng nêu rõ: "... Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, thực hiện công bằng trong giáo dục, tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên suốt đời".

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong DH, xem CNTT như là công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập ở tất cả các môn học, đội ngũ CBQL, GV ở các trung tâm GDTX đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng CNTT vào DH. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT của đội ngũ CBQL, GV nhìn chung vẫn còn chậm, chủ yếu diễn ra ở lớp GV trẻ, còn mang tính tự phát nhiều, chưa thật sự trở thành một nhu cầu, hiệu quả chưa cao.

Về cơ chế chính sách: Nhìn chung đã có những văn bản quy định, khung pháp lý cho giáo dục nói chung và ở các trung tâm GDTX nói riêng như Luật giáo dục, Điều lệ của trung tâm GDTX, chế độ lương bổng, đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật... Tuy nhiên so với yêu cầu thực tế vẫn còn thiếu rất nhiều các quy định cụ thể để thúc đẩy chất lượng giáo dục, một số quy định đã được triển khai thực hiện cũng còn tồn tại những vấn đề bất cập. Công tác kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục ở các trung tâm GDTX còn nhiều lúng túng. Lương của hầu hết GV trong các trung tâm còn thấp chưa đảm bảo được cuộc sống cho GV để GV yên tâm công tác. Ngân sách cấp cho các trung tâm còn quá hạn

hẹp, trong khi đó để ứng dụng CNTT trong DH lại hết sức tốn kém. Nguyên nhân của thực trạng này đó là: Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa đúng mức, chưa đầy đủ về vai trò “quốc sách hàng đầu” của giáo dục - đào tạo, chưa tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Về công tác xã hội hóa giáo dục: Nhìn chung các trung tâm GDTX tại Hà Nội đã được thực hiện tương đối tốt, giữ được vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ phát triển sự nghiệp giáo dục. Từ công tác xã hội hoá được triển khai thực hiện tốt đã làm cho nhân dân có nhận thức đầy đủ hơn về giáo dục, đồng cảm, chia sẻ khó khăn với giáo dục: nhận thức về đổi mới sự nghiệp giáo dục, tham gia thực hiện công tác phổ cập, tăng cường CSVC, hàng năm kinh phí huy động được từ xã hội hoá tới hàng trăm triệu đồng. Có thể nói, do làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục mà các trung tâm GDTX tại Hà Nội hiện nay đã vượt qua được rất nhiều khó khăn để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Tóm lại, các trung tâm GDTX trên địa bàn Hà Nội đặc biệt là các trung tâm ở các quận nội thành đã đạt được những kết quả ban đầu, do có sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm phấn đấu bền bỉ của đội ngũ CBQL, GV, cán bộ nhân viên và các HV trong toàn ngành. Có sự quan tâm giúp đỡ của Sở GD&ĐT Hà Nội, sự quan tâm từ lãnh đạo các cấp như Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện, sự giúp đỡ của các ngành, sự vào cuộc của lãnh đạo các xã thị trấn và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, xã hội của một số huyện miền núi, nông thôn còn quá khó khăn cho nên việc xã hội hóa giáo dục cũng còn nhiều hạn chế.

Một phần của tài liệu Quản lí ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn hà nội_luận án tiến sĩ giáo dục (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(173 trang)
w