Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1.2. Các khái niệm cơ bản
1.2.1. Quản lý, quản lý giáo dục, quản lý nhà trường
Quản lý là một yếu tố cần thiết để phối hợp những nỗ lực cá nhân hướng tới những mục tiêu chung của một tổ chức khi con người không thể đạt được với tư cách cá nhân. Sự cần thiết của quản lý được C. Mác mô tả như sau: “Tất cả mọi lao động trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có một nhạc trưởng” [26, tr. 34]. C.Mác đã chỉ ra bản chất quản lý là một hoạt động lao động để điều khiển lao động, một hoạt động tất yếu quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội loài người.
Ngày nay, nhiều tác giả, nhà nghiên cứu tiếp cận thuật ngữ quản lý dưới những góc độ khác nhau. Chính vì vậy, có sự đa dạng, phong phú trong định nghĩa về quản lý.
Theo Từ điển Giáo dục học, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa Hà Nội, 2001: “Quản lý là hoạt động hay tác động có định hướng, có chủ định của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành và đạt được mục đích của tổ chức” [32, tr. 326].
Frederick Winslow Taylor (1856-1915), người được coi là cha đẻ của
“thuyết quản lý khoa học”, đã cho rằng “Quản lí là biết chính xác điều muốn
người khác làm và sau đó thấy rằng họ đã hoàn thành công việc một cách tốt nhất và rẻ nhất” [19, tr. 12].
Theo các tác giả Nguyễn Quốc Chí, Nguyễn Thị Mỹ Lộc, hiện nay hoạt động quản lý thường được định nghĩa rõ hơn như sau: “Quản lý là quá trình đạt đến mục tiêu của tổ chức bằng cách vận dụng các hoạt động (chức năng) kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo (lãnh đạo) và kiểm tra” [7, tr. 9].
Theo tác giả Đặng Quốc Bảo phân tích, “quản lý” là “quản” và “lý” tức là “giữ” và “chỉnh sửa”, hay “quản lý” là làm cho tổ chức của mình “ổn định và phát triển” [2].
Xuất phát từ các khái niệm quản lý nêu trên, tác giả nhận thấy: Quản lý là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý thông qua các hoạt động kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra làm cho tổ chức vận hành ổn định và phát triển nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức.
Như vậy, hoạt động quản lý được hiểu là tác động qua lại giữa chủ thể quản lý và khách thể quản lý. Điều này khác với cách hiểu hoạt động quản lý chỉ là tác động một chiều mà không có thông tin phản hồi, không có hoạt động tự quản lý. Cũng theo định nghĩa này, quản lý có bốn chức năng chính là kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra. Quản lý một tổ chức là làm cho tổ chức đó ổn định, phát triển nhưng đích cuối cùng vẫn là đạt được mục tiêu.
Như vậy, để quản lý tốt tổ chức của mình, nhà quản lý phải xác định chính xác, tường minh mục tiêu của tổ chức mình. Nếu mục tiêu được xác định quá cao so với khả năng thì không thực hiện được, ngược lại nếu mục tiêu xác định quá thấp thì không cần nỗ lực, cố gắng vẫn đạt được mục tiêu và như vậy sẽ gây ra sự chán nản. Chính vì vậy, mục tiêu phải vừa sức, đảm bảo phải nỗ lực mới đạt được. Khi đạt được mục tiêu, tất cả các thành viên trong tổ chức mới thấy được sự tự hào, cảm thấy tự tin và gắn bó với tổ chức mình. Khi đó, tổ chức sẽ ổn định và phát triển.
Điều cần chú ý đối với người quản lý là bốn chức năng của quản lý có quan hệ chặt chẽ với nhau, được thực hiện liên tiếp tạo thành chu trình
quản lý. Trong quá trình thực hiện các chức năng quản lý, yếu tố thông tin có vai trò rất quan trọng. Nhà quản lý cần có thông tin chính xác, toàn diện, kịp thời. Để ra những quyết định quản lý phù hợp, nhà quản lý còn phải biết phân tích, xử lý tốt những thông tin nhận được.
Mối quan hệ giữa các chức năng quản lý được minh họa trong sơ đồ dưới đây:
Sơ đồ 1.1. Mối quan hệ giữa các chức năng quản lý 1.2.1.2. Quản lý giáo dục
Giáo dục, một hiện tượng xã hội đặc biệt, vĩnh hằng, là quá trình truyền thụ và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử - xã hội của loài người. Nhờ có giáo dục mà tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại được kế thừa, bổ sung, hoàn thiện, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia.
Quản lý giáo dục ở cấp vĩ mô tương ứng với khái niệm về quản lý một nền giáo dục (hệ thống giáo dục) và quản lý giáo dục ở cấp vi mô tương ứng với khái niệm về quản lý một nhà trường. Ở cấp độ vĩ mô, quản lý giáo dục được hiểu là hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý vào hệ thống giáo dục quốc dân nhằm huy động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Ở cấp độ vi mô, quản lý giáo dục là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý vào hệ thống tổ chức giáo dục của nhà trường nhằm điều khiển các thành tố trong hệ thống phối hợp hoạt động theo đúng chức năng, đúng kế
Kế hoạch hóa
Tổ chức Kiểm tra
Chỉ đạo Thông tin
hoạch, đảm bảo cho quá trình giáo dục đạt được mục đích, mục tiêu đã xác định với hiệu quả cao nhất [34].
Theo tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc (chủ biên): ”Quản lý giáo dục là quá trình tác động có kế hoạch, có tổ chức của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp tới các thành tố của quá trình dạy học - giáo dục nhằm làm cho hệ giáo dục vận hành có hiệu quả và đạt tới mục tiêu giáo dục nhà nước đề ra” [22, tr. 16]
Từ những khái niệm quản lý giáo dục nêu trên, chúng ta thấy rằng các yếu tố cơ bản của quản lý giáo dục bao gồm: Chủ thể quản lý giáo dục; Khách thể quản lý giáo dục; Mục tiêu quản lý giáo dục; Phương pháp quản lý giáo dục; Công cụ quản lý giáo dục.
Quản lý giáo dục là những tác động có hệ thống, có ý thức, hợp quy luật của chủ thể quản lý ở các cấp lên tất cả các mắt xích của hệ thống giáo dục nhằm đảm bảo cho hệ thống giáo dục vận hành bình thường và liên tục phát triển, mở rộng cả về số lượng cũng như chất lượng.
Quản lý giáo dục bao gồm các hoạt động kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra. Trong quản lý giáo dục có tác động từ chủ thể quản lý giáo dục tới khách thể quản lý giáo dục, nhưng cũng có thông tin phản hồi từ khách thể tới chủ thể quản lý giáo dục. Điều này giúp cho chủ thể quản lý giáo dục có thể điều chỉnh để đạt được hiệu quả cao hơn. Quản lý giáo dục thực chất là quản lý con người. Chính vì vậy, không thể sử dụng những mệnh lệnh cứng nhắc, máy móc mà phải tôn trọng họ, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của họ.
1.2.1.3. Quản lý nhà trường
Nhà trường là một thiết chế đặc biệt của xã hội, là đơn vị cơ sở nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chức năng của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội, đào tạo các công dân cho tương lai. Trường học với tư cách là một tổ chức giáo dục cơ sở vừa mang tính giáo dục vừa mang tính xã hội.
Theo tác giả Phạm Minh Hạc: “Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục, để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh.” [14, tr. 61]
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: “Quản lý nhà trường là tập hợp những tác động tối ưu của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, học sinh và cán bộ khác, nhằm tận dụng các nguồn dự trữ do nhà nước đầu tư, lực lượng xã hội đóng góp và do lao động xây dựng vốn tự có. Hướng vào việc đẩy mạnh mọi hoạt động của nhà trường mà điểm hội tụ là quá trình đào tạo thế hệ trẻ. Thực hiện có chất lượng mục tiêu và kế hoạch đào tạo, đưa nhà trường tiến lên trạng thái mới" [30, tr. 43].
Quản lý nhà trường là quá trình hoạt động kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra quá trình sư phạm diễn ra trong nhà trường nhằm đạt tới các mục tiêu giáo dục đã đề ra. Nói cách khác, quản lý nhà trường là quá trình tác động của chủ thể quản lý đối với quá trình sư phạm nhằm giúp cho GV và HS hoàn thành nhiệm vụ và đạt được các mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Trong quản lý nhà trường, chủ thể quản lý bao gồm hai nhóm: Chủ thể quản lý bên trên nhà trường; Chủ thể quản lý bên trong nhà trường. Chủ thể quản lý bên trên nhà trường bao gồm các cơ quan quản lý giáo dục các cấp (Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT) với chức năng hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra đánh giá việc thực hiện quá trình sư phạm nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu giáo dục nhà nước ban hành. Chủ thể bên trong nhà trường đối với trường phổ thông công lập gồm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và các Tổ trưởng chuyên môn. Đây là những người tác động trực tiếp tới các thành tố của quá trình sư phạm nhằm đảm bảo kết quả giáo dục của nhà trường phù hợp với mục tiêu giáo dục đã đề ra. [18]
Quản lý nhà trường thực chất là quản lý quá trình dạy học vì quá trình dạy học là hoạt động chủ yếu của một nhà trường. Quá trình dạy học trong
nhà trường được xem như một thể thống nhất gồm các thành tố: Mục tiêu dạy học; Nội dung dạy học; Phương pháp dạy học; Người dạy; Người học; Điều kiện CSVC. Quản lý quá trình dạy học trong nhà trường chính là quản lý các thành tố của quá trình dạy học.
Quản lý nhà trường về bản chất là quản lý con người. Người dạy và người học vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quản lý. Họ chịu tác động của chủ thể quản lý, đồng thời họ là những người tham gia chủ động, tích cực vào hoạt động quản lý chung và biến nhà trường thành hệ tự quản lý.