Các biện pháp quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG ở Trường THPT

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học phổ thông thành phố điện biên phủ trong bối cảnh hiện nay (Trang 85 - 90)

3.2.1. Biện pháp 1. Tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức cho CBQL, GV, HS và CMHS về mục đích, tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng HSG 3.2.1.1. Mục đích

Như chúng ta đã biết, quá trình nhận thức là quá trình chủ thể phản ánh thế giới khách quan vào ý thức của mình, nắm được bản chất và các quy luật của nó, vận dụng các quy luật này để làm biến đổi, cải tạo thế giới khách quan. Vì vậy, để quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG đạt hiệu quả tốt, cần thiết phải làm cho mỗi cá nhân liên quan có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục đích, tầm quan trọng của hoạt động, từ đó họ sẽ có ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm cao hơn đối với công việc của mình.

Biện pháp này có mục đích là làm cho CBQL, GV, HS và CMHS có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục đích, tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng HSG; làm cho mọi lực lượng thấu hiểu mục đích chính của hoạt động bồi dưỡng HSG ở trường THPT là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của HS; đồng thời làm cho HS và CMHS không còn tâm lý muốn tham gia hoạt động bồi dưỡng HSG chỉ để có kết quả cao hơn trong thi tuyển sinh vào đại học.

3.2.1.2. Nội dung biện pháp

- Đối với CBQL, GV: Trước hết, hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng cần có được nhận thức đúng đắn về mục đích, tầm quan trọng và cơ sở lý luận của hoạt động bồi dưỡng HSG để có thể tác động đến các đối tượng khác. Bên cạnh đó, tổ trưởng, tổ phó các tổ chuyên môn là cán bộ quản lý cấp trung gian trong nhà trường. Đây là những người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, là những người tiếp nhận các ý kiến của GV về hoạt động bồi dưỡng HSG, là những người truyền đạt chủ yếu

các chủ trương, biện pháp của nhà trường tới từng GV. Còn GV là những người trực tiếp thực hiện kế hoạch của nhà trường, kế hoạch của tổ chuyên môn. GV luôn sát sao với HS và CMHS nhất. Chính vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền để họ có quan điểm đúng đắn, hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, của ngành về vấn đề “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, kịp thời nắm bắt được những thay đổi trong chính sách về GD&ĐT trong đó có hoạt động bồi dưỡng HSG. Bên cạnh đó, cần để họ từ chỗ hiểu, chia sẻ, đồng thuận và đi đến là những người tuyên truyền đến HS, CMHS về vấn đề “học để làm người”, dạy để phát triển năng lực cho HS chứ không phải bồi dưỡng HSG chỉ để đi thi. Đồng thời cần làm cho họ hiểu rõ, để hoạt động bồi dưỡng HSG đạt hiệu quả cao nhất, cần thiết phải quản lý hoạt động này một cách khoa học, và cần phải có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bộ phận trong và ngoài nhà trường để hoạt động này có chất lượng tốt hơn.

- Đối với HS: Việc nâng cao nhận thức cho HS về hoạt động bồi dưỡng HSG chính là việc tạo cho các em có động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn. Cần phải làm cho các em hiểu rằng, hoạt động bồi dưỡng HSG là một trong các hoạt động bồi dưỡng để các em phát triển năng lực của mình chứ không phải mục đích cuối cùng là để các em thi đạt kết quả cao. CBQL, GV cần giúp HS hiểu được bốn trụ cột của giáo dục do UNESCO đã đề xướng “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình”. Khi các em có động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, các em sẽ không còn bị áp lực vì thành tích trong thi cử, các em sẽ say mê tìm tòi, khám phá tri thức để tự khẳng định mình. Khi đó thi cử chỉ là một cách để khẳng định mình chứ không phải mục đích cuối cùng.

- Đối với CMHS: Cha mẹ học sinh là những người gần gũi với HS nhất, chính vì vậy quan điểm của họ, nhận thức của họ sẽ tác động từng giờ, từng ngày tới HS. Hơn nữa, CMHS là lực lượng quan trọng trong mối quan hệ giữa nhà trường-gia đình-xã hội trong quản lý, giáo dục HS. CMHS cần hiểu rõ những năng lực của con em mình để từ đó có thể động viên, khích lệ

HS trong hoạt động bồi dưỡng HSG, đồng thời nếu họ có nhận thức đúng đắn về mục đích của hoạt động này là để cho HS phát triển năng lực của mình, họ sẽ không gây áp lực cho con em mình trong việc học chỉ để đạt được điểm số cao, được kết quả thi cao.

3.2.1.3. Cách thức tiến hành

- Thường xuyên quán triệt các nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác “đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, về mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu giáo dục phổ thông nói riêng để CBQL, GV, HS có những hiểu biết chắc chắn về quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước về vấn đề này. Đồng thời, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền trong các giờ chào cờ, các buổi sinh hoạt tập thể về những tấm gương tiêu biểu nỗ lực vượt khó vươn lên trên thế giới, trong nước và điển hình tiên tiến ngay trong lớp, trong trường.

- Tổ chức tốt “Tuần lễ sinh hoạt tập thể đầu năm” và các hoạt động trong giai đoạn đầu năm học, trong đó chú trọng quán triệt về Nội quy HS, quy định về kiểm tra, quy chế tuyển chọn HSG …. Từ đó hình thành trong HS mới tuyển, khơi lại và làm mới đối với HS lớp 11, 12 để duy trì trong các em ý thức chấp hành quy định, nếp sống có tổ chức, có kỷ luật, nề nếp học tập và rèn luyện để phát triển năng lực trên cơ sở phát triển toàn diện.

- Trong các cuộc họp cơ quan, Hiệu trưởng cần nhấn mạnh chủ trương giáo dục toàn diện, bồi dưỡng HSG không phải rèn luyện kiểu “gà nòi” mà là phát hiện và bồi dưỡng những năng lực vượt trội của HS.

- Chính quyền nhà trường kết hợp với Đoàn thanh niên tổ chức lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tập thể của đoàn viên thanh niên việc biểu dương các gương HS tiêu biểu trong học tập và rèn luyện. Qua đó tạo điều kiện cho HS có thể trao đổi, học hỏi phương pháp học tập, kinh nghiệm học tập với nhau.

- Chỉ đạo và tổ chức cho GV trong các giờ học, trong việc giao nhiệm vụ về nhà tăng cường sử dụng các câu hỏi, bài tập đòi hỏi HS phải suy nghĩ độc lập, sáng tạo, vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn vào giải quyết các

tình huống phát sinh từ thực tiễn. Qua đó biểu dương những HS hoàn thành nhiệm vụ tốt để các em thấy được niềm vui trong học tập.

- Chỉ đạo GV tổ chức tốt các buổi sinh hoạt tập thể ngoài giờ lên lớp. Trong đó, chú trọng ý thức, thái độ, sự nhiệt tình tham gia chứ không chỉ coi trọng kết quả đạt được.

- Chỉ đạo GVCN thông qua các buổi họp phụ huynh, thông qua Ban đại diện CMHS tuyên truyền, nhấn mạnh về mục đích và tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng HSG để tạo sự phối hợp tích cực giữa nhà trường và gia đình trong việc huy động các nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng HSG.

3.2.1.4. Điều kiện thực hiện biện pháp

Để thực hiện tốt biện pháp này, Hiệu trưởng nhà trường cần đưa vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học và kế hoạch tác nghiệp cụ thể hằng tháng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về hoạt động bồi dưỡng HSG cho các lực lượng có trách nhiệm trong và ngoài nhà trường. Nhưng trước hết, bản thân Hiệu trưởng phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề này, vì nếu ngược lại Hiệu trưởng sẽ không thể làm cho những người khác có được nhận thức đúng đắn. Biện pháp này không thể thực hiện đạt kết quả trong “một sớm, một chiều” mà cần có thời gian lâu dài, được thực hiện thường xuyên, liên tục.

3.2.2. Biện pháp 2. Kế hoạch hóa việc phát hiện, tuyển chọn HSG đảm bảo chọn đúng HSG một cách kịp thời

3.2.2.1. Mục đích

Biện pháp này có mục đích giúp GV có cái nhìn tổng quát về những đặc trưng cơ bản của HSG. Đồng thời còn giúp GV có định hướng chung về cách thức tiến hành công tác phát hiện, tuyển chọn HSG sao cho chọn đúng được những HS có phẩm chất, năng lực tốt nhất, có niềm đam mê đối với từng môn học. Biện pháp cũng nhằm đưa ra các khung thời gian nhất định để GV có thể phát hiện, tuyển chọn đội tuyển HSG của từng bộ môn một cách kịp thời.

3.2.2.2. Nội dung biện pháp

- Công tác phát hiện, tuyển chọn HSG: Các biểu hiện của HSG đã được đưa ra trong phần lý luận thuộc Chương 1 của đề tài, cụ thể là: HSG thường tỏ ra nắm bắt bản chất vấn đề nhanh, có khả năng phân tích, khái quát hóa, tổng hợp, đánh giá vấn đề nhanh, chính xác hơn HS khác; HSG thường tỏ ra không quan tâm, không chú ý tới những vấn đề cũ, không đòi hỏi tư duy; HSG hay đặt ra những câu hỏi khác biệt về những vấn đề mới, hay làm theo cách riêng, không chịu chấp nhận kết quả của người khác một cách dễ dàng.

Về cách thức phát hiện và tuyển chọn HSG: GV cần thông qua thái độ, hành vi, ngôn ngữ của HS trong các giờ học để phát hiện những HS có năng lực nhận thức tốt, có niềm đam mê, có tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, cảm nhận ban đầu đôi khi chưa thực sự đáng tin cậy, chính vì thế GV cần kiểm tra bằng nhiều biện pháp khác nhau: Thông qua kết quả học tập, rèn luyện của các năm học trước, thông qua kết quả các bài kiểm tra đầu năm, thông qua các câu hỏi, nhiệm vụ đòi hỏi phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề, thông qua kết quả thi chọn HSG cấp trường và cuối cùng là tham khảo ý kiến đồng nghiệp, gia đình và bạn bè của HS.

- Thời gian phát hiện, tuyển chọn HSG: Đối với HS lớp 10, trong tháng 8, 9 GV cần kịp thời phát hiện những HS có năng lực tốt để thử thách, bồi dưỡng thêm; đến cuối học kỳ I, sau khi kết thúc Kỳ thi chọn HSG cấp trường GV cần hoàn thiện danh sách đội dự tuyển HSG; trong quá trình bồi dưỡng đội dự tuyển, GV tiếp tục kiểm tra bằng nhiều hình thức để có danh sách đội tuyển chính thức vào tháng 3 hằng năm. Đối với HS lớp 11, 12: Đội dự tuyển được thành lập trên cơ sở đội tuyển đã được thành lập từ lớp 10, trong đó có bổ sung, thay thế những HS không đạt được sự kỳ vọng của GV bằng những HS khác.

Như vậy, phát hiện và tuyển chọn HSG là một quá trình xuyên suốt quá trình học tập của HS. Đội tuyển HSG không là cố định mà luôn có sự vận động, thay thế và bổ sung những nhân tố mới.

3.2.2.3. Cách thức tiến hành

Hiệu trưởng cần cụ thể hóa các biểu hiện của HSG, cách thức và thời gian phát hiện, tuyển chọn HSG trong quy chế phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HSG do nhà trường ban hành.

Các nội dung của biện pháp này và các nội dung khác trong quy chế phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng HSG cần được xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể của đội ngũ CBQL, GV, cần đưa ra cho họ nghiên cứu và có ý kiến trước khi ban hành. Thời gian ban hành là trước khi bắt đầu năm học mới và phải được quán triệt trong Hội nghị bàn riêng về công tác bồi dưỡng HSG tổ chức vào tuần đầu tiên của năm học.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng nhà trường cần thông báo rộng rãi đến HS và CMHS cách thức, thời gian tuyển chọn các đội tuyển HSG của nhà trường để HS biết và phấn đấu.

3.2.2.4. Điều kiện thực hiện biện pháp

Để thực hiện được biện pháp này một cách hiệu quả đòi hỏi phải có một CBQL chuyên trách về quản lý hoạt động bồi dưỡng HSG. Đây chính là người truyền tải các thông điệp của nhà trường về công tác phát hiện, tuyển chọn HSG tới các CBQL khác, tới GV và thông qua GV tới HS và CMHS. Biện pháp quản lý này đòi hỏi sự đồng thuận rất cao trong tất cả CBQL và GV của nhà trường. Nếu không có được sự đồng thuận cao từ GV, biện pháp sẽ không được thực hiện một cách đúng đắn mà chỉ là hình thức khi GV chỉ cung cấp những danh sách HSG theo yêu cầu và vào thời gian mà nhà trường quy định, còn danh sách đó có được lựa chọn đúng hay không lại phụ thuộc vào chính GV thực hiện.

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học phổ thông thành phố điện biên phủ trong bối cảnh hiện nay (Trang 85 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)