Nhà trường, Trường trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học phổ thông thành phố điện biên phủ trong bối cảnh hiện nay (Trang 25 - 27)

1.2.2.1. Nhà trường

Theo Từ điển tiếng Việt: “Nhà trường hay trường học là nơi tiến hành công tác giảng dạy, đào tạo toàn diện hay về một lĩnh vực chuyên môn nào đó cho những tập thể học sinh, học viên” [33].

Từ điển Bách khoa - Tâm lý học, Giáo dục học Việt Nam do tác giả Phạm Minh Hạc làm chủ biên đã xác định rằng nhà trường được xem xét từ hai góc độ thiết chế và môi trường. Theo đó, nhà trường là một thiết chế xã hội, tức là một tổ chức nhất định của hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội được thực hiện bằng những hệ thống ăn khớp của các hành vi con người với các chuẩn mực, quy phạm của xã hội. Từ góc độ thứ hai, môi trường nhà trường là tập hợp những con người, cơ sở vật chất kỹ thuật và những phương tiện quản lý, tương tác với nhau một cách thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho sự thành công của công việc học ở nhà trường [15, tr. 669].

Nhà trường là một thiết chế xã hội chuyên biệt thực hiện chức năng cơ bản là tái sản xuất sức lao động, phát triển nhân cách theo hướng duy trì, phát triển xã hội. Nhà trường có chức năng hình thành và phát triển nhân cách thế hệ trẻ thông qua hoạt động dạy học, giáo dục. Tri thức trong nhà trường là những kinh nghiệm của nhân loại đã được chọn lọc và tích lũy. Nhà trường có chức năng truyền thụ tri thức đó cho thế hệ trẻ một cách phù hợp với đặc điểm

tâm sinh lý lứa tuổi nhằm hình thành và phát triển mô hình nhân cách lí tưởng

của xã hội đặt ra. [29, tr. 125]

Theo tác giả Nguyễn Phúc Châu: “Nhà trường là một thiết chế tổ chức chuyên biệt trong hệ thống tổ chức xã hội được thực hiện chức năng tái tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự duy trì và phát triển của xã hội” [6, tr. 71].

Như vậy, nhà trường là một thiết chế xã hội đặc biệt, đơn vị cơ sở, tế bào của hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà trường có chức năng tổ chức quá trình truyền thụ và lĩnh hội một cách có chọn lọc kinh nghiệm lịch sử - xã hội của loài người. Thông qua việc hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ, nhà trường đào tạo nhân lực cho đất nước. Nhà trường được hình thành và hoạt động với tính chất, nguyên lý hoạt động, mục đích hoạt động rõ ràng và nhiệm vụ cụ thể. Nội dung và chương trình giáo dục trong nhà trường được chọn lọc một cách khoa học. Nhà trường có tổ chức bộ máy quản lý và đội ngũ được đào tạo với phương pháp giáo dục phù hợp. Nhà trường được cung ứng các nguồn lực vật chất cần thiết, được hoạt động trong môi trường nhất định và nhận được sự đầu tư của nhà nước, người học, cộng đồng, xã hội.

1.2.2.2. Trường trung học phổ thông

Theo Luật giáo dục, giáo dục phổ thông bao gồm 3 cấp học: Tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Trường THPT là cơ sở giáo dục phổ thông của hệ thống giáo dục quốc dân. Trường THPT thuộc cấp trung học phổ thông, cấp học bao gồm 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12. Đây là cấp học cuối cùng trong giáo dục phổ thông, có mục tiêu giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động. [25]

Một phần của tài liệu Quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường trung học phổ thông thành phố điện biên phủ trong bối cảnh hiện nay (Trang 25 - 27)