Một HSG như một hạt giống quý, hạt giống này chỉ có thể được nảy mầm và phát triển tốt nếu được chăm sóc đúng lúc, đúng cách trong một môi trường thuận lợi. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa
VI đã nêu rõ: “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể bị mai một đi nếu không được phát hiện và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ…" [12]. Chính vì vậy, hoạt
động bồi dưỡng HSG có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát hiện, bồi dưỡng để HS phát triển phẩm chất, năng lực sẵn có của các em. HSG là nguồn
tuyển sinh đầu vào quan trọng của các trường ĐH, lực lượng nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Bên cạnh đó, hoạt động bồi dưỡng HSG còn có tác dụng lan tỏa đến các đối tượng HS khác. Trong mỗi nhà trường, HSG tạo thành một lớp HS ưu tú, tiêu biểu cả về năng lực, phẩm chất đạo đức, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng vượt khó vươn lên. Chính các HSG là tấm gương sáng, gần gũi nhất để HS toàn trường noi theo.
Ngoài ra, hoạt động bồi dưỡng HSG còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy. HSG luôn nghĩ khác, làm khác, đòi hỏi thầy cô giáo phải đào sâu từng vấn đề, có cách nhìn nhận vấn đề toàn diện mới có khả năng giải đáp các thắc mắc của các em. Chính vì vậy, trước mỗi giờ lên lớp thầy cô đã phải trăn trở suy nghĩ, tìm hiểu cặn kẽ từng nội dung. Hơn nữa, việc giao bài tập, ra đề, giao nhiệm vụ cho HS cũng đòi hỏi người giáo viên đầu tư công sức, trí tuệ sao cho mỗi HS nhận được nhiệm vụ phù hợp với năng lực bản thân, đảm bảo nguyên tắc vừa sức kết hợp với yêu cầu cao một cách hợp lý đối với HS trong dạy học. Chính từ đòi hỏi cao từ phía HSG, GV sẽ phải cố gắng để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của các em và vì vậy năng lực chuyên môn của GV được nâng lên.