Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THÀNH PHỐ ĐIỆN BIÊN PHỦ
2.1. Tình hình kinh tế - xã hội của TP Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ vốn được gọi là xứ Mường Thanh. Tên gọi này bắt nguồn từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái, nghĩa là “Xứ Trời” và được gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. TP Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Điện Biên, với diện tích 6.427,01 ha, dân số 70.000 người, gồm 14 dân tộc, trong đó có 96,55% dân cư thuộc thành thị và 3,45% thuộc nông thôn. TP Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh của vùng Tây Bắc; có sân bay quốc tế và quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và giầu bản sắc văn hóa các dân tộc. Cư dân ở đây không chỉ có người Kinh mà còn có một số dân tộc khác như dân tộc Thái, H’Mông … Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1/3 dân số thành phố. Điện Biên Phủ là thành phố có dân số ít nhất trong các thành phố của cả nước. Theo Nghị định 110/2003/NĐ-CP của Chính phủ, Điện Biên Phủ được công nhận là thành phố đô thị loại III từ tháng 10/2003. Với những di tích lịch sử và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Điện Biên Phủ ấn tượng như một thành phố Du lịch - Văn hóa.
Tiềm năng, thế mạnh của thành phố đang được khai thác để xây dựng Điện Biên Phủ trở thành điểm du lịch quốc gia, trung tâm kinh tế quốc tế tiểu vùng; tiến tới năm 2015 đạt tiêu chí đô thị loại II. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã có những bước phát triển về mọi mặt. Kinh tế phát triển nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và các dân tộc được nâng lên. Năm 2012, TP Điện Biên Phủ đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP gần 16%, thu nhập bình quân đạt 2.577 USD/người/năm, đến năm 2015 phấn đấu đạt 3.380 USD/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2012 đạt 34%, năm 2015 phấn
đấu đạt 37,7%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2012 đạt 150,5 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2015 đạt từ 215 – 230 tỷ đồng.
Trong giai đoạn sắp tới, TP Điện Biên Phủ xác định mục tiêu về kinh tế là: Tạo sự chuyển biến rõ nét và vững chắc về cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng GDP. Điện Biên Phủ đang phấn đấu đẩy mạnh công tác đào tạo dạy nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo ở các trường chuyên nghiệp. Phấn đấu đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cấp độ II; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập THCS; tỷ lệ học sinh lên lớp đạt trên 98%.
Trong những năm gần đây, giáo dục và đào tạo của TP Điện Biên Phủ đã thực sự ổn định và thay đổi khá mạnh, đạt được nhiều thành tích trên các lĩnh vực, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy và học không ngừng được đổi mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Công tác huy động HS ra lớp ở tất cả các cấp học đạt tỷ lệ cao, các hoạt động phong trào được đẩy mạnh. Từ những nỗ lực đó, TP Điện Biên Phủ luôn dẫn đầu về chất lượng giáo dục toàn diện trong toàn tỉnh. TP Điện Biên Phủ đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS năm 2003.
Năm học 2013-2014, TP Điện Biên Phủ có 41 đơn vị trường học bao gồm 15 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 8 trường THCS, 4 trường THPT, 1 trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp, 03 trung tâm Ngoại ngữ-Tin học, 03 trường cao đẳng và 01 trường cao đẳng nghề.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích, song GD&ĐT của TP Điện Biên Phủ còn có một số hạn chế, yếu kém cụ thể như sau: Cơ cấu ngành học mầm non và phổ thông, giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề còn chưa hợp lý, bất bình đẳng về giới, về dân tộc trong giáo dục vẫn hiện hữu ….
2.1.2. Khái quát về giáo dục THPT ở TP Điện Biên Phủ
Tỉnh Điện Biên có hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh, thống nhất và đa dạng, được hình thành với đầy đủ các cấp học và trình độ đào tạo. Các trung tâm cụm xã và thị trấn đều có trường THPT; trung tâm huyện có trường THPT dân tộc nội trú và trung tâm GDTX huyện, tỉnh có trung tâm GDTX tỉnh, trường THPT chuyên và phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.
Quy mô học sinh phát triển khá ổn định ở cấp THPT. Năm học 2013- 2014, toàn tỉnh có 29 trường THPT với 498 lớp và 14.574 học sinh. Tỷ lệ trẻ 15 tuổi vào lớp 10 đạt 51,5%, tỷ lệ trẻ 15-18 tuổi học THPT đạt 52,3%.
TP Điện Biên Phủ hiện nay có 4 trường THPT, trong đó có 1 trường THPT chuyên, 1 trường dân tộc nội trú THPT của tỉnh, 2 trường THPT là Trường THPT TP Điện Biên Phủ, Trường THPT Phan Đình Giót và 1 trung tâm GDTX tỉnh. Tỷ lệ huy động HS tốt nghiệp THCS đúng độ tuổi học lên THPT tại TP Điện Biên Phủ là trên 95%, đồng thời tỷ lệ dân số trong độ tuổi 18 đến 22 có bằng tốt nghiệp THPT là trên 90%.
Trong số 4 trường THPT nêu trên, hằng năm trường THPT Chuyên Lê Quí Đôn được ưu tiên tuyển sinh các học sinh có nguyện vọng học một trong các lớp chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, tiếng Anh và chuyên Sử-Địa;
trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được tuyển sinh các học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Trong khi đó, Trường THPT TP Điện Biên Phủ được tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển đối với các học sinh đã tốt nghiệp THCS hoặc bổ túc THCS trên địa bàn toàn tỉnh Điện Biên. Đây là trường THPT không chuyên biệt duy nhất được tổ chức thi tuyển sinh như vậy. Cùng với ưu thế đó, nhà trường có bề dày truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ nhà giáo giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động chuyên môn. Hơn nữa, trường được đặt tại trung tâm TP Điện Biên Phủ, nơi đặt các trụ sở của các ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh. Do có các lợi thế nêu trên, hằng năm số học sinh đăng ký dự thi vào trường luôn đạt tỷ lệ cao hơn
hẳn so với các trường THPT khác. Trong số các học sinh trúng tuyển vào trường luôn có một bộ phận không nhỏ các em học sinh có năng lực tư duy tốt, tư cách đạo đức tốt, có niềm đam mê đối với một hoặc nhiều bộ môn. Đây chính là điều kiện để nhà trường thực hiện tốt công tác bồi dưỡng HSG.