2.5.2.1. Hạn chế
Thứ nhất, nhận thức của một số CBQL cấp tổ, một số GV, của HS và
CMHS về mục đích hoạt động bồi dưỡng HSG còn chưa toàn diện. Đa số HS và CMHS cho rằng hoạt động bồi dưỡng HSG chủ yếu là nhằm giúp cho HS dự thi tuyển sinh ĐH với kết quả cao hơn.
Thứ hai, nhà trường chưa thể hiện được trong kế hoạch việc chỉ đạo
GV thực hiện công tác phát hiện, tuyển chọn HSG một cách kịp thời. Nhà trường chưa tập huấn cho GV về các đặc trưng của HSG và hướng dẫn GV cách thức phát hiện HSG bằng nhiều hình thức khác nhau để họ có thể sử dụng kinh nghiệm, trực giác nhằm phát hiện, thử thách và tuyển chọn được những HS ưu tú nhất của từng bộ môn vào đội tuyển HSG các môn học.
Thứ ba, nội dung bồi dưỡng HSG mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện
chương trình do Sở GD&ĐT ban hành mà chưa được điều chỉnh, chưa được chi tiết hóa cho phù hợp với đặc điểm tình hình về đối tượng HS, điều kiện về đội ngũ của nhà trường. Bên cạnh đó, đa số GV còn chưa thành thạo trong việc sử dụng kiểm tra, đánh giá như một công cụ dạy học để giúp HS tiến bộ. Phần lớn GV cũng chưa sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học như dạy học theo dự án, dạy học bằng hình thức thực hành dạy.
Thứ tư, việc đảm bảo các điều kiện về CSVC phục vụ hoạt động bồi
dưỡng HSG còn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này thể hiện ở chỗ nhà trường chỉ quan tâm đến CSVC lớp học, trang thiết bị và đồ dùng dạy học mà chưa thấy được tầm quan trọng của việc tổ chức hệ thống tài liệu tham khảo đầy đủ, hữu ích và làm cho hệ thống tư liệu tham khảo đó đến được với GV, HS một cách thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực tài chính để hỗ trợ hoạt động bồi dưỡng HSG được thực hiện chưa tốt. Đây chính là việc dẫn đến mức chi trả cho một tiết bồi dưỡng HSG cho GV chỉ là mức chi trả theo quy định của địa phương từ năm 1998. Mức chi này không còn phù hợp với điều kiện hiện nay.
Thứ năm, công tác TĐKT đối với GV và HS đạt thành tích cao trong
hoạt động bồi dưỡng HSG chưa được nhà trường thực hiện một cách hiệu quả: Việc tổ chức trao thưởng cho HS đạt giải và GV có HS đạt giải trong các kỳ thi là chưa kịp thời và mức thưởng còn thấp; kết quả thi chọn HSG đã được đưa vào tiêu chí thi đua của cá nhân và các tổ chuyên môn nhưng chưa có quy chế rõ ràng mà mới chỉ tính đến số lượng giải. Nhà trường chưa đưa ra được định mức khen thưởng cho GV, HS đạt thành tích cao trong hoạt động bồi dưỡng HSG ngay từ đầu năm học mà mới chỉ quyết định mức thưởng sau khi có kết quả chính thức.
Thứ sáu, công tác duy trì hoạt động bồi dưỡng HSG sau các Kỳ thi
chọn HSG cấp tỉnh còn chưa được nhà trường quan tâm. Nhà trường mới chỉ chú trọng vào hoạt động bồi dưỡng HSG cho đến khi HS tham gia các kỳ thi này và kết thúc ở việc sơ kết, tổng kết, vinh danh và trao thưởng cho các HS đạt giải và GV có HS đạt giải. Một khoảng thời gian khá dài sau Kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh năm học này đến đầu năm học sau chưa được nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao GV trong công tác bồi dưỡng HSG. Bên cạnh đó, các hình thức hoạt động trong bồi dưỡng HSG chưa đa dạng, nhà trường chưa tổ chức được nhiều các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chưa khuyến khích được sự chủ động, sáng tạo của HS, nhất là HSG trong việc tham gia, tổ chức để HS khác tham gia các hoạt động.
2.5.2.2. Nguyên nhân của hạn chế
- Một bộ phận CBQL cấp tổ, GV, HS và CMHS chưa nhận thức đầy đủ về mục đích và tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng HSG ở trường THPT.
- Nhà trường còn chưa chú trọng chỉ đạo công tác phát hiện và tuyển chọn HSG một cách kịp thời.
- Các tổ chuyên môn chưa đưa ra được nội dung và phương pháp bồi dưỡng HSG một cách cụ thể, chi tiết.
- Sự phối hợp giữa các bộ phận trong nhà trường, giữa các lực lượng ngoài nhà trường còn chưa đồng bộ. CSVC phục vụ hoạt động bồi dưỡng HSG, nhất là tài liệu bồi dưỡng còn chưa được quan tâm đầu tư, sưu tầm.
- Công tác TĐKT đối với hoạt động bồi dưỡng HSG chưa được quan tâm đúng mức. Sau khi có kết quả của các cuộc thi, các bộ phận như Văn phòng, cán bộ phụ trách TĐKT và cán bộ phụ trách công tác bồi dưỡng HSG chưa phối hợp kịp thời trong việc tổ chức trao thưởng.
- Các hoạt động bồi dưỡng chưa được tổ chức đa dạng, chưa đồng bộ và còn mang tính thời vụ.